Khoảng 3 tháng trước, chị T.N. xăm môi tại một spa ở tỉnh Tiền Giang. Vài ngày sau, viền môi xung quanh có biểu hiện ngứa, chảy dịch, mụn mủ vùng môi và đóng mài quanh miệng. Bệnh nhân đến một cơ sở y tế gần nhà để điều trị, được chỉ định truyền corticoid và dùng kháng sinh. Tuy nhiên, khoảng 1 tuần sau lại xuất hiện hồng ban quanh miệng.
Ngay sau đó, chị T.N. đến Bệnh viện Da liễu TP HCM thăm khám, được chẩn đoán bị viêm da tiếp xúc dị ứng sau xăm môi và viêm da quanh miệng. Đến nay, sau 3 tuần điều trị giảm viêm, phối hợp bôi thuốc và dưỡng ẩm, phần môi của bệnh nhân đã được cải thiện.
Theo BSCKI Lâm Nguyễn Trúc Khuê, Khoa Thẩm mỹ da - Bệnh viện Da liễu TP HCM, những trường hợp dị ứng sau xăm môi thường liên quan đến mực xăm hoặc do cơ địa dễ dị ứng. Số ca bệnh gặp biến chứng sau khi xăm môi ngày càng tăng. Bệnh viện từng điều trị những trường hợp dị ứng kéo dài khoảng 1 năm, chỉ đến khi phần mực xăm được đào thải hết ra ngoài cơ thể thì mới ngừng dị ứng.
"Nếu phát hiện và điều trị sớm, bệnh nhân chỉ mất khoảng 2 tuần là hồi phục hoàn toàn. Khi phát hiện biến chứng, tuyệt đối không nên tự điều trị tại nhà hoặc dùng thuốc môi để giảm triệu chứng" – BS Khuê cảnh báo.
Theo BS Khuê, ngày Tết càng cận kề, nhu cầu làm đẹp càng tăng cao. Tuy nhiên, phái đẹp nên cân nhắc và lựa chọn những dịch vụ làm đẹp phù hợp, an toàn.
Đối với xăm môi, nên lựa chọn những cơ sở làm đẹp uy tín, kiểm tra nguồn gốc mực xăm trước khi xăm. Sau khi xăm phải theo dõi kỹ tình trạng môi và chỉ bôi thêm dưỡng ẩm.
Ngoài ra, xăm môi không đúng kỹ thuật, dụng cụ không đảm bảo vô trùng sẽ có nguy cơ lây nhiễm các bệnh qua đường máu như HIV, viêm gan B… Đồng thời, bệnh nhân có thể gặp các biến chứng như sưng tấy, chảy máu, mụn nước, áp xe (tạo mủ), có thể để lại sẹo vĩnh viễn,..
Bình luận (0)