Ngoài những thuận lợi cũng có không ít bất cập trong quá trình tuyển sinh.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM Lê Hoài Nam cho biết trong năm học 2024, sở sẽ nghiên cứu, thu thập ý kiến để có quy trình tuyển sinh đầu cấp phù hợp với thực tế. Trong đó, sẽ rút ngắn thời gian tuyển sinh lớp 1, lớp 6 và đặc biệt sẽ rút ngắn thời gian chấm và công bố điểm thi, điểm chuẩn vào lớp 10.
Năm 2024 là năm đầu tiên thí điểm áp dụng bản đồ GIS trong tuyển sinh đầu cấp tại TP Thủ Đức, quận 8 và quận Tân Bình, học sinh (HS) được bố trí chỗ học gần nơi cư trú, không phân biệt địa bàn phường. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức, cho biết bản đồ GIS chỉ là công cụ hỗ trợ. Đối với những địa phương có đủ trường lớp, áp dụng bản đồ GIS sẽ phù hợp. Tuy nhiên, hiện nhiều địa phương dù có đủ trường học nhưng phân bổ trường lớp không đều. Vì vậy, không phải ở đâu cũng có thể bố trí chỗ học theo bản đồ GIS.
Theo ông Nguyên, về cơ bản, phương án tuyển sinh đầu cấp năm 2024 sẽ giống năm 2023. Phòng GD-ĐT đang xin ý kiến để mở rộng trường học thực hiện khảo sát vào lớp 6. Ngoài Trường THCS Trần Quốc Toản 1 đã thực hiện trong năm 2023, sẽ có thêm Trường THCS Hoa Lư và Trường THCS Bình Thọ. Đơn vị cũng sẽ tổ chức kỳ khảo sát riêng do phòng GD-ĐT ra đề nhưng định hướng đề sẽ giống với đề khảo sát vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó trưởng Phòng GD-ĐT quận 8, cho hay có tình trạng phụ huynh vì muốn cho con học trường tốt mà ghi bừa địa chỉ, đến giai đoạn kiểm tra hồ sơ tại trường mới phát hiện. Dù đã áp dụng bản đồ GIS nhưng một số phụ huynh sau khi được phân tuyến lại muốn chuyển trường cho con. Đó là chưa kể hiện việc xin giấy tạm trú rất dễ dàng, chỉ cần có chủ hộ bảo lãnh đã cư trú 6 tháng trở lên là được cấp giấy xác nhận cư trú.
Ông Nguyễn Võ Đăng Khoa, Phó trưởng Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng - Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết bản đồ GIS đã giúp các phòng GD-ĐT có thể phân bổ HS vào các trường một cách uyển chuyển, linh hoạt, không còn cứng nhắc như khi phân bổ theo hộ khẩu. Đặc biệt, từ việc áp dụng bản đồ GIS kết hợp với dữ liệu đăng ký của HS từ các đơn vị, Sở GD-ĐT đã có cái nhìn tổng quan trong việc phân bổ các trường tiểu học, THCS trên địa bàn, từ đó đưa ra các đánh giá phục vụ việc phát triển hệ thống trường lớp trong tương lai có phù hợp sự phát triển dân số của từng khu vực. Theo Sở GD-ĐT, việc áp dụng bản đồ GIS trong công tác tuyển sinh đầu cấp mà bỏ qua các công cụ khác như công tác phổ cập, rà soát địa bàn thì sẽ xảy ra tình trạng thừa thiếu HS cục bộ ở một số trường.
Bình luận (0)