xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sách nói, sách điện tử ngày càng được chuộng

Bài và ảnh: LÊ TỈNH

Kho nội dung đa dạng, tính năng thông minh, tiết kiệm thời gian... là những ưu điểm khiến sách nói, sách điện tử ngày càng được lòng người dùng

Trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, cách thức đọc sách của người dùng đã dần thay đổi - từ truyền thống sang hướng hiện đại hơn với công cụ sách điện tử, sách nói như Fonos, Miki Ebook, MyDio... trên điện thoại thông minh (smartphone). Xu hướng này được dự báo sẽ ngày càng phổ biến khi tỉ lệ người sử dụng smartphone/người dùng điện thoại di động tại Việt Nam tiếp tục tăng trong năm 2023, đạt 84,4%; tỉ lệ sử dụng internet tăng hơn 4% so với năm cùng kỳ, đạt 78,59%.

Trong 3 - 4 năm qua, sự phát triển của các loại hình đọc sách hiện đại đã ghi nhận nhiều dấu mốc ấn tượng. Theo số liệu từ Cục Xuất bản, In và Phát hành, năm 2023, toàn ngành xuất bản 4.000 xuất bản phẩm dạng điện tử (tăng 19,4% so với năm 2022). Có 24/57 nhà xuất bản tham gia xuất bản và phát hành sách điện tử, tăng 26,3% so với năm 2022. Đáng chú ý, số lượt nghe sách nói đã đạt 40 triệu, tăng 25% so với năm 2022.

Việt Nam hiện có 3 kênh sách nói được cấp phép chính thức, gồm Voiz FM (thành lập năm 2019), Fonos (thành lập năm 2020) và MyDio (thành lập đầu năm 2021). Năm 2022, Voiz FM có hơn 500.000 người dùng với trên 20 triệu phút nội dung được trả phí, sở hữu hơn 2.000 đầu sách best seller (sách bán chạy nhất). Trong khi đó, Fonos ghi nhận doanh thu mỗi tháng tăng gấp 6 lần so với đầu năm 2021, với gần 300.000 lượt tải.

Trên mạng xã hội, nhiều hội nhóm về sách nói, sách điện tử được không ít người dùng quan tâm. Chẳng hạn, group "Sách Nói - Nghe Sách Hay Mỗi Ngày" có đến 29.000 thành viên, "Kho sách điện tử" có 6.100 thành viên, "Sách Nói và Ebook Hay Miễn Phí - DakotaBooks" thu hút 3.300 thành viên...

Sách nói và sách điện tử có ưu điểm tiện lợi, linh hoạt

Sách nói và sách điện tử có ưu điểm tiện lợi, linh hoạt

Ông Hồ Văn Hiếu (quận 4, TP HCM) cho biết đã chuyển sang dùng sách nói và sách điện tử từ sau dịch COVID-19 bởi sự tiện ích của loại hình này. Đơn cử, ứng dụng (app) sách nói Fonos có thể hỗ trợ tìm kiếm bất kỳ cuốn sách hoặc tác giả nào một cách nhanh chóng, việc nghe lại đoạn nội dung bị bỏ lỡ cũng khá dễ dàng. Bên cạnh đó, app này có kho sách đa dạng với rất nhiều danh mục như kinh doanh, tư duy, kỹ năng, tâm lý học, sức khỏe, tiểu thuyết... để người dùng chọn lựa tùy theo sở thích, hoàn cảnh. Đồng thời, Fonos còn hiển thị nổi bật cuốn sách hay, giúp người dùng dễ dàng tiếp cận thông tin mới.

"Kết thúc ngày làm việc, trên đường về nhà, tôi thường mở app, nghe các cuốn sách chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh hoặc góc khuất của nghề ngân hàng, bất động sản... để hiểu thị trường hơn. Giọng đọc khá lôi cuốn, phù hợp với một nội dung sách riêng. Đây là cách tiếp nhận tri thức hiệu quả, tiết kiệm thời gian đối với người bận rộn như tôi" - ông Hiếu nhận xét.

Chị Lê Kim Tuyến (quận Bình Thạnh, TP HCM) thường vừa nghe sách nói vừa làm những công việc khác như dọn nhà, nấu ăn, đi bộ, mua sắm... Theo chị, các app sách nói hiện khá hiện đại khi được trang bị các tính năng tra cứu, đăng nhập, thanh toán dễ dàng, giao diện dễ sử dụng. Audio được dàn dựng khá hấp dẫn với nhạc nền lôi cuốn, giọng đọc hấp dẫn, nhấn nhá rõ ràng, đặc biệt là có thể hẹn giờ kết thúc quá trình nghe.

Bà Đào Thị Hồng Lê, Giám đốc Tokyo Tech Lab Việt Nam, dự báo sách nói và sách điện tử sẽ trở thành xu hướng phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Bà Lê phân tích: Thế hệ trẻ, từ gen Z trở đi, đã gắn bó với công nghệ từ khi còn nhỏ nên dễ tiếp cận thông tin qua các nền tảng số. Do đó, sách nói và sách điện tử trở thành phương tiện phù hợp để truyền tải kiến thức nhanh chóng, tiện lợi. Người dùng dễ dàng tiếp cận thông tin, tri thức thông qua các thiết bị, app mà không bị giới hạn thời gian hay không gian. "Khi cuộc sống bận rộn khiến người dùng ít có thời gian đọc sách hơn trước đây thì sách nói trở thành giải pháp thay thế hữu hiệu" - bà Lê nói. 

3 hình thức vi phạm bản quyền

Sách nói và sách điện tử đang đối mặt vấn đề vi phạm bản quyền trên không gian mạng. Có 3 hình thức vi phạm phổ biến gồm: sao chép rồi rao bán trên mạng hoặc chia sẻ miễn phí; xây dựng kênh YouTube về sách; tạo website đăng tải nội dung sách. Điều này khiến các đơn vị sở hữu nền tảng sách bị thiệt hại nghiêm trọng, đồng thời khiến các nhà xuất bản quốc tế e ngại bán bản quyền cho Việt Nam, dẫn đến độc giả khó tiếp cận các đầu sách hay.

Các chuyên gia cho rằng để ngăn ngừa tình trạng xâm phạm bản quyền sách nói, cơ quan quản lý cần phối hợp với các nền tảng lớn như YouTube, Facebook... để ngăn chặn quảng cáo trên những nền tảng này, thay vì chỉ báo cáo gỡ bỏ nhỏ lẻ.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo