Đang vào cao điểm thi cử, tuyển sinh mà thông tin nói trên được Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phát ra, lập tức khiến hàng chục ngàn gia đình ngồi trên lửa.
IELTS là bài thi Anh ngữ quốc tế uy tín; tại Việt Nam, IDP và Hội đồng Anh là hai đơn vị tổ chức thi. Chứng chỉ này được chuộng vì khoảng 100 trường đại học ở Việt Nam chọn làm căn cứ đánh giá năng lực ngoại ngữ kết hợp với học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh. Sinh viên có IELTS cũng được miễn một số học phần tiếng Anh và xét công nhận chuẩn đầu ra ngoại ngữ để được cấp bằng đại học. Ngoài ra, IELTS còn dùng cho mục đích du học, làm việc và định cư ở nước ngoài. Thế nên những năm gần đây IELTS đã thật sự gây sốt, hàng trăm đợt thi đã được liên kết tổ chức tại rất nhiều tỉnh - thành, số lượng thí sinh luôn đông nghẹt, dù học phí và lệ phí khá "chát" (4,6 triệu đồng/thí sinh).
Hiệu dụng của IELTS là vậy, cho nên bây giờ bảo "trái phép" thì những người liên quan tất nhiên hoang mang. Hàng loạt câu hỏi đặt ra: Đối với những trường hợp đã dùng chứng chỉ cấp năm 2022 để thỏa điều kiện đỗ đại học/ miễn thi môn tiếng Anh/ công nhận tốt nghiệp đại học, hay đã nhận bằng thạc sĩ… thì có bị "hồi tố" không? Mùa thi 2024 này, thí sinh dùng điểm IELTS đó để xét đầu vào đại học thì tính sao?
Trong khi đó, ngày 9-5, IDP trấn an bằng một thông báo ngắn gọn, trong đó khẳng định "các chứng chỉ được cấp trong giai đoạn này vẫn được hơn 12.000 tổ chức trên toàn thế giới công nhận". Còn về giải quyết quyền lợi của người được cấp chứng chỉ, về cái sai của IDP thì công ty này không đề cập.
Trước mối lo của dư luận, Bộ GD-ĐT cuối ngày 9-5 đã phát đi thông tin giải tỏa: Những chứng chỉ IELTS được cấp không đúng quy định "khi đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng, sẽ tiếp tục được sử dụng bình thường theo quy định của Bộ GD-ĐT về thi, tuyển sinh và đào tạo".
Có thể quyền lợi của người đã có chứng chỉ sẽ không bị ảnh hưởng như Bộ GD-ĐT cam kết nhưng cách giải quyết này có phần khôi hài và gây nghi ngại. Tiến hành thanh tra và kết luận sai phạm để làm gì khi cái sai vẫn được hợp thức hóa? Vai trò, uy thế của cơ quan quản lý Nhà nước ở đâu khi mà đúng thì ổn, nếu làm sai cũng chẳng sao!? Cũng từ đây, xin hỏi: Chứng chỉ "trái phép" thì sắp tới các trường đại học có dám công nhận? Chế tài IDP thế nào để không xảy ra những vụ tương tự?
Vẫn còn đó hậu quả cay đắng từ những scandal mới đây của Apax Leaders, trường quốc tế Mỹ AISVN... Hàng chục ngàn tỉ đồng được chủ đầu tư huy động từ phụ huynh rồi dùng sai mục đích dẫn tới phá sản; cha mẹ học sinh còng lưng chịu thiệt, con cái thì mất chỗ học. Vậy lỗ hổng nằm chỗ nào? Phải chăng cơ quan chức năng đã buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát do thiếu trách nhiệm, hay vì có tiêu cực?
Câu đầu tiên nêu tại điều 2 Luật Giáo dục 2019 là "Mục tiêu giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa…". Nếu ngành giáo dục cứ để xảy ra liên tục những sự cố phản văn hóa, gây mất niềm tin như vậy thì làm sao đạt được mục tiêu đây?
Bình luận (0)