Phim hợp tác vẫn không khá hơn
Diễn khô, cứng, điều đó là hẳn nhiên và người xem dễ dàng thông cảm vì “diễn viên Việt Nam chỉ diễn được thế thôi”. Điều làm người xem buồn hơn là Mùi ngò gai có quá nhiều cái phi lý trong kỹ thuật, cách sắp xếp tình tiết. Ở tập 66, khi nhân vật Vy (Ngọc Trinh đóng) sang gặp ông giám đốc của một công ty Hàn Quốc để trao đổi, Vy và người bảo trợ ý tưởng của mình nói hoàn toàn bằng tiếng Việt còn ông giám đốc thì nói hoàn toàn bằng tiếng Hàn. Oái oăm thay, họ vẫn hiểu nhau, dù không có phiên dịch và cảnh quay trước đó Vy đã phải nhăn mặt hỏi người bảo trợ ý tưởng cho mình là... mấy người Hàn Quốc nói gì. Chính sự phi lý này làm cho người xem không “nhập” được cốt truyện của phim, để sống cùng nhân vật. Sự phi lý đó diễn ra ở hầu hết các tập phim, dù mỗi tập phim chỉ có 50 phút. Chẳng hạn như cảnh Khanh (Hòa Hiệp đóng) tỏ thái độ không đồng tình khi mẹ nói “đi xem mắt”, liền vội vã lái xe đến một... vách núi (người xem biết rằng Khanh đang ở TPHCM và núi non quả thật rất xa, không dễ phút chốc lái mô tô đến). Cùng trong một cảnh phim, nhưng khi đi ra, Sanaly (Lê Khánh đóng) có kiểu tóc này thì khi đi vào Sanaly đã mang bộ tóc khác...
Cảnh Việt, người Việt cũng rất... Hàn
Theo dõi đến tập 68 của bộ phim Mùi ngò gai có lẽ rất nhiều người xem cùng quan điểm khi thấy Mùi ngò gai đặc sệt... mùi “kim chi”, dù văn hóa và cách thể hiện của người Việt và người Hàn rất khác nhau. Món phở, đậm hương vị Việt Nam và người ăn phở cũng phải thưởng thức theo kiểu Việt Nam mới đúng cách. Nhưng khi nhân vật Trường (Cao Minh Đạt đóng) và Khanh cùng ghé vào tiệm phở của chú Hoàng (Thành Lộc đóng), Trường và Khanh đều ăn phở theo kiểu ăn mì trong các phim Hàn Quốc. Họ đưa những sợi phở lên cao và... nhấn nhá (dù họ là những người Việt Nam 100%). Không chỉ trong cách ăn, cả trong cách đi, đứng và nói chuyện, các nhân vật cũng đều “ép mình” cho giống... Hàn Quốc. Ở tập 68, khi Sanaly gặp Phương (Kim Hiền đóng) tại một quán cà phê bỗng nhiên Sanaly cúi gập người xuống để chào. Điều này hoàn toàn... bắt chước các kiểu chào ở phim Hàn Quốc. Và ngay sau đó, kiểu nói chuyện và cảm ơn của Sanaly cũng rất... Hàn. Khi Phương nói muốn nhận Sanaly vào làm ở tập đoàn Sky, Sanaly sướng run lên và cười “thả phanh”, nói một câu rất quen của các nhân vật trên phim truyền hình Hàn Quốc: “Tôi sẽ làm việc chăm chỉ”.
Tạo sao phải là... ăn cắp?
Theo những tuyên bố của ê-kíp làm phim, Mùi ngò gai là câu chuyện cảm động về sự phấn đấu vươn lên của một phụ nữ Việt Nam biết sống chan hòa, yêu chân thành, nhường nhịn, sẻ chia và hy sinh, có trí tuệ và giàu nghị lực - đó là nhân vật Vy. Nhưng khi xem phim, nhân vật chính mà đạo diễn dành nhiều tình cảm nhất, nhân vật cần được sẻ chia vẫn chưa chiếm được cảm tình của người xem. Vy được xây dựng để thể hiện sự vươn lên mạnh mẽ nhưng người xem thật buồn khi trí tuệ chưa thể hiện được thì phim lại dạy cách... ăn cắp để trả thù. Đáng lẽ phim nên xây dựng sự cạnh tranh của Vy với Cường (cha đẻ của mình) phải bằng sự nổi trội về tài năng và nhất là phải có sự sáng tạo trong ý tưởng kinh doanh. Song phim lại đi theo hướng khác, biến Vy, một cô gái biết san sẻ, yêu thương và trong sáng, vì mục đích trả thù đã rất nhỏ nhen khi photocopy tài liệu và ra đi. Đáng tiếc hơn, sau hành động ăn cắp này, nhân vật Vy không hề cảm thấy một chút day dứt nào, Vy mặc nhiên xem đó là chuyện đương nhiên như tính cách cô vẫn thế. Người xem cho rằng nếu đạo diễn cho Vy... ăn cắp kế hoạch kinh doanh của tập đoàn Sky đi nữa, nhưng qua tài liệu này cô làm ra bản kế hoạch hoàn hảo hơn, thuyết phục hơn để cạnh tranh thì nhân vật Vy không làm người xem thất vọng đến vậy.
Xem phim Hàn Quốc, Trung Quốc, dẫu câu chuyện không cảm động, cách diễn và tình huống phim vẫn cuốn hút người xem. Cũng cốt truyện của phim Việt Nam, nếu biết cách diễn có lẽ sẽ rất thu hút.
Bình luận (0)