Nhà sản xuất “độc quyền”
Khi chúng tôi đến nhà, cô Mai (vợ nghệ nhân Thanh Nhàn) đang thoăn thoắt đưa từng đường kim mũi chỉ trên lớp vải được căng thẳng để kết xà cúc. Những hạt xà cúc li ti kết theo những nét vẽ trên mặt vải là việc làm rất công phu. Theo tay cô, những đường nét cuối cùng của con phụng hoàng hiện dần. Mắt vẫn chăm chú vào từng đường kim, mũi chỉ, cô Mai nói: “Gia đình chúng tôi làm nghề này gần 20 năm nay rồi. Chiếc áo tôi đang kết là của một gánh hát bội ở Sóc Trăng đặt làm”. Theo cô Mai, đây là nghề ít người theo và đang có xu hướng bị mai một dần nên gia đình cô gần như “độc quyền”.
Nghệ nhân Thanh Nhàn (tên thật là Võ Công Khanh, sinh năm 1955, ngụ ấp Đông Bình A, xã Đông Bình, huyện Bình Minh) cho biết: Hai bên nội, ngoại của chúng tôi, có nhiều người theo nghề hát bội. Những lần đi diễn, do trang phục của ông cha truyền lại ngày càng cũ kỹ nên thường bị... rách ngay trên sân khấu. Hồi trước, muốn sắm một bộ đồ mới đâu có dễ, phải lặn lội lên TPHCM để mua, nhưng không phải lúc nào cũng có vì ít có nơi bán, giá lại rất đắt. Suy tính mãi, cả “gia đình hát bội” của nghệ nhân Thanh Nhàn quyết định tự may trang phục để sử dụng. Tuy nhiên, do không có tay nghề nên những chiếc áo đầu tiên may xong không ai muốn mặc vì đường chỉ xiên xẹo, các hoa văn thêu vụng về, các nút xà cúc đặt méo xẹo méo xọ. Không nản chí, ông cùng người nhà lại mày mò đo vẽ, cắt may. Cuối cùng, ông cũng làm được những bộ trang phục đẹp như ý.
Vẫn còn đất sống
Nghệ nhân Thanh Nhàn mở tủ lấy ra hàng chục bộ trang phục lấp lánh những xà cúc kim loại, kim tuyến... và nói: Để hoàn thành một chiếc áo cho nhân vật vua chúa, một người làm phải mất 2 đến 3 tuần lễ. Tùy loại phục trang mà xà cúc phải khâu vào vải từ 0,5 đến 1 kg, do đó giá mỗi bộ trang phục có chênh lệch nhưng thấp nhất cũng khoảng 1 triệu đồng.
Gần 20 năm qua, ngoài hàng trăm bộ trang phục hát bội cung cấp cho các đoàn, các nghệ sĩ, gia đình nghệ nhân Thanh Nhàn còn tích lũy được 3 dàn trang phục với khoảng 150 bộ cho nhiều gánh hát bội trong khu vực thuê mướn. Hằng năm, vào khoảng từ sau Tết Nguyên đán đến tháng tư âm lịch, trong vùng có rất nhiều lễ hội nên thu nhập của gia đình nghệ nhân Thanh Nhàn từ việc cho mướn trang phục cũng sống được. Trung bình mỗi một suất cho thuê, ông Nhàn thu từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng.
Bình luận (0)