Qua đó dần khẳng định hướng đi đúng đắn, phù hợp với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ hiện đại.
SÁT CÁNH cùng doanh nghiệp
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang trở thành động lực cho thương mại điện tử của thế giới cũng như Việt Nam ngày càng phát triển. Thương mại điện tử đã trở thành xu hướng tất yếu, mang đến những cơ hội phát triển mới cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế.
Tại tỉnh Bình Định, với những lợi thế về vị trí địa lý, nguồn nhân lực và sản phẩm OCOP đặc trưng, thương mại điện tử được kỳ vọng sẽ là động lực quan trọng để thúc đẩy kinh tế địa phương.
Theo số liệu của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) và Cục Thương mại điện tử - Kinh tế số (Bộ Công Thương), năm 2024, chỉ số thương mại điện tử tỉnh Bình Định đứng thứ 15 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Định, cho biết với kết quả xếp hạng trên, thương mại điện tử của tỉnh có cơ sở vững chắc để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, mở rộng kênh phân phối mới, nâng cao giá trị các sản phẩm.
Để đạt được kết quả trên, giai đoạn 2023 - 2024, Sở Công Thương tỉnh Bình Định đã phối hợp với các đơn vị chức năng tiến hành xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu chuyên ngành xúc tiến thương mại và ngành hàng xuất khẩu chủ lực, cũng như nâng cấp, duy trì website thương mại điện tử kết nối giao thương giữa Bình Định với các tỉnh phía Nam nước Lào.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng triển khai thực hiện duy trì phần mềm bản đồ trực tuyến hệ thống phân phối hàng Việt trên địa bàn tỉnh Bình Định, hỗ trợ 10 DN áp dụng các giải pháp công nghệ số (công nghệ mã vạch, mã QR, chip NFC, công nghệ blockchain...) để truy xuất nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm.
Đồng thời, hỗ trợ 10 DN xây dựng website thương mại điện tử; 2 DN ứng dụng thương mại điện tử thông qua các công cụ kinh doanh điện tử (e-business) và 5 DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất đủ điều kiện, có sản phẩm đạt các chứng nhận OCOP phát triển qua sàn thương mại điện tử Shopee. Mục đích là để tập trung hỗ trợ, xây dựng điển hình nhằm dẫn dắt, lan tỏa hoạt động mua bán và tiêu thụ sản phẩm nông sản trên sàn thương mại điện tử.
Tính đến nay, tỉnh Bình Định có tổng cộng 477 sản phẩm OCOP. Trong đó, 435 sản phẩm đạt hạng 3 sao (chiếm 91,19%), 42 sản phẩm đạt hạng 4 sao (chiếm 8,81%) và 223 sản phẩm OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tử.
Việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử giúp sản phẩm có cơ hội đến gần hơn với người tiêu dùng.
"Điều này cho thấy sự tiến bộ vượt bậc trong chất lượng và sự phát triển bền vững của các sản phẩm OCOP. Các sản phẩm OCOP của Bình Định không chỉ được người tiêu dùng trong tỉnh ưa chuộng mà còn có tiềm năng phát triển trên các thị trường trong và ngoài nước" - ông Ngô Văn Tổng nói.
"Sạch từ tâm, sống an lành"
Theo các DN hoạt động lâu năm trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, việc bán sản phẩm là bán câu chuyện. Một sản phẩm hàng hóa thông thường sẽ được nhân giá trị lên gấp nhiều lần nếu biết đưa những câu chuyện gắn liền với quá trình sản xuất.
Đó có thể là những câu chuyện về các giá trị văn hóa đặc trưng hay nét độc đáo riêng về nguồn gốc hình thành, công dụng đặc biệt của sản phẩm, quá trình hình thành và phương châm hoạt động của DN. Đây còn là niềm tự hào về giá trị tài nguyên bản địa, nét văn hóa, sự tâm huyết, kỳ vọng của người tạo ra sản phẩm.
Sản phẩm bún, phở khô Kicafoods của vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Kiều - chị Lê Thị Cảnh ở xã Ân Hảo Đông, huyện Hoài Ân (Bình Định) là ví dụ điển hình.
Giữa năm 2020, vợ chồng anh Kiều khởi nghiệp ở quê nhà Ân Hảo Đông với nghề làm bún, phở khô gia truyền. Được sự ủng hộ của gia đình, người thân, hai vợ chồng đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc, thiết bị. Đến năm 2021 thì đăng ký thành lập Cơ sở sản xuất - kinh doanh thực phẩm Kicafoods với sản phẩm chủ lực là bún, phở khô từ gạo và gạo lứt.
Cùng với đó, vợ chồng anh Kiều chú trọng khâu thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm, ưu tiên nguyên liệu chế biến an toàn, chất lượng cao, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng cũng như tiếp cận công nghệ, đưa các sản phẩm của Kicafoods lên các kênh tiêu thụ trực tuyến để mở rộng thị trường (Lazada, Shopee và trên nền tảng TikTok).
Gia đình chị Lê Thị Cảnh có truyền thống sản xuất bún, phở khô hơn 10 năm. Cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, làm theo kiểu truyền thống nên khá vất vả. "Với mục tiêu làm sao người người nhà nhà đều sử dụng bún, phở khô, tôi đã bắt tay vào làm tất cả công đoạn để cảm nhận được sự vất vả như thế nào.
Khi tôi đã hiểu và yêu công việc này thì thương hiệu bún, phở khô của tôi ra đời với phương châm "Sạch từ tâm, sống an lành" nhằm tạo ra sản phẩm ngon, an toàn nên nhận được nhiều đánh giá tích cực" - chị Lê Thị Cảnh, người sáng lập và điều hành Kicafoods, chia sẻ.
Bún, phở khô Kicafoods xuất ngoại
Đến nay, thương hiệu bún, phở khô Kicafoods được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh hạng 3 sao, được đánh giá là sản phẩm giàu tiềm năng đầu tư và phát triển ở địa phương. Sản phẩm cũng đã được xuất khẩu sang thị trường Lào và Campuchia. Ngoài ra, hiện vợ chồng anh Kiều - chị Cảnh đã gửi 30 thùng hàng mẫu qua hai quốc gia New Zealand, Hàn Quốc để đối tác phân tích, đánh giá chất lượng và thăm dò nhu cầu thị trường.
"Khoảnh khắc khó quên nhất là lần đầu tiên tôi viết bài chia sẻ về câu chuyện bún, phở khô trên trang Facebook cá nhân. Viết xong, tôi hồi hộp nhắm mắt và... nhấn phím Enter. Có thể với ai đó là chuyện bình thường nhưng với tôi, việc nhấn phím Enter là cả một sự đấu tranh. "Hành trình vạn dặm bắt đầu bằng một bước chân", chỉ cần vượt qua khoảnh khắc đó là bạn đã tiến một bước xa rồi" - chị Lê Thị Cảnh tâm sự.
Có thể thấy, việc bán hàng trên mạng thông qua các website, sàn giao dịch điện tử và trang mạng xã hội đã và đang ngày càng phổ biến trong thời đại công nghệ 4.0. Điều này không chỉ mang lại tiện lợi cho người bán mà cả người mua với nhiều tiện ích mới, như: giúp DN, người tiêu dùng tiếp cận được thông tin thị trường; giảm đáng kể thời gian, chi phí giao dịch, tiếp thị, phát triển thị trường, tìm kiếm đối tác; giảm chi phí sản xuất, giúp thanh toán nhanh chóng và tiện lợi.
Tuy nhiên, các chủ thể OCOP cần chủ động hơn nữa trong việc xây dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm để tạo dựng niềm tin, từng bước khẳng định uy tín với người tiêu dùng và từng bước mở rộng thị phần.
Bình luận (0)