Đi qua cánh cổng bằng kim loại, bước qua hàng đống hộp nằm vương vãi, vào thang máy và bấm số, sẽ dẫn đến khu nhà xưởng đang sản xuất những mẫu điện thoại mới nhất, cạnh tranh với những smartphone mới nhất dòng Samsung Galaxy.
Trong một dãy phòng nhỏ ở Thâm Quyến, Trung Quốc, Cathy Chang đang giúp đỡ các khách hàng trên khắp thế giới tạo ra những smartphone mang thương hiệu riêng của họ. Lựa chọn theo một menu giống như đang đặt hàng bánh pizza, các khách hàng của công ty Shenzhen Zuoer Technology Co có thể bước vào ngành kinh doanh smartphone với mức vốn chỉ từ 1.000 USD. Không cần thêm chút kinh nghiệm nào.
Rẻ hơn và nhanh hơn
Zuoer là một trong số hàng chục công ty ít biết của Trung Quốc đang lựa chọn các linh kiện để dựng thành những smartphone có mức giá chỉ từ 20 USD/chiếc. Với mỗi một đơn đặt hàng ít nhất là 50 chiếc, Zuoer lắp ráp vỏ nhựa của hãng với màn hình LCD của các nhà sản xuất khác, với bo mạch và pin, giúp bất kỳ khách hàng nào cũng có thể cạnh tranh với Samsung trên thị trường điện thoại di động (ĐTDĐ) trị giá 410 tỉ USD trong chưa đầy 6 tuần.
“Sự nổi lên của những nhà cung cấp điện thoại giá rẻ này đang khiến thị phần Samsung sụt giảm”, John Butler, chuyên gia theo dõi thị trường smartphone của Bloomberg Intelligence, nói. “Những hãng mới gia nhập thị trường này rất nhỏ so với một đại gia như Samsung, song tác động của họ đang đè lên kết quả kinh doanh của Samsung và các nhà cung cấp lớn khác”.
Với hệ điều hành miễn phí Android của Google, bổ dung thêm chíp dựa trên công nghệ của ARM Holdings Plc, các công ty như Zuoer, Shenzhen Oysin Digital Technology Co và Oteda Industrial Co có thể tạo ra điện thoại mà không cần đến hàng trăm, hàng ngàn kỹ sư phần cứng, phần mềm như Nokia, Motorola hay BlackBerry từng phải có cách đây cả thập kỷ.
Chính iPhone của Apple đã giúp công nghệ màn hình cảm ứng trở nên phổ biến. Nhờ thế, các nhà sản xuất điện thoại nhỏ lẻ của Trung Quốc đã có thể tránh được những chi phí đắt đỏ, phức tạp của các khâu thiết kế và xây dựng bàn phím vật lý.
Sự đơn giản hóa này và tính tiêu chuẩn hóa của smartphone đã mở cửa “xả lũ” cho mảng sản xuất điện thoại, khiến Samsung, Nokia, Motorola phải đối mặt với vô số đối thủ Trung Quốc. Trong đó đó có Xiaomi, hãng đã trở thành nhà phân phối smartphone lớn thứ ba thế giới trong vòng chưa đầy 5 năm; và OnePlus, hãng đã có mặt tại 35 quốc gia trong 2 năm đầu tiên kinh doanh.
“Mọi thứ trở nên rẻ hơn và nhanh hơn, vì dây chuyền cung ứng đã phát triển và được chuẩn hóa”, Mosetefa Zhang, giám đốc bán hàng quốc tế của Oysin nói.
Mọi chuyện bắt đầu từ cách đây 10 năm
Câu chuyện sản xuất smartphone một cách đơn giản và chuẩn hóa như trên bắt đầu cách đây 1 thập kỷ, khi MediaTek, hãng sản xuất chíp Đài Loan từng thống trị ngành chíp DVD, bước chân vào thị trường linh kiện điện thoại. Thay vì chỉ bán chíp sẵn sàng sử dụng luôn như đối thủ lớn hơn Qualcomm, MediaTek lại cung cấp các thiết kế tham khảo, để từ đó tạo ra những linh kiện và cách lắp ráp chúng lại với nhau. Sau này, Qualcomm cũng đi theo mô hình này.
Đúng thời gian MediaTek tạo ra mô hình kinh doanh chíp mới, Google lại thâu tóm công ty ít tên tuổi là Android Inc, chuyên phát triển hệ điều hành linh hoạt hơn.
Sau khi hai thách thức lớn nhất trong sản xuất smartphone được giải tỏa, các công ty nhỏ đột nhiên có thể làm tốt công việc của những phòng thí nghiệm nghiên cứu lớn, và sản xuất smartphone trở nên dễ dàng như lắp ráp trò chơi lego.
Betty Zhao, giám đốc bán hàng của công ty lắp ráp UTOP Communication Technology Ltd nói rằng, trong một tháng họ có thể tạo ra 100.000 smartphone với chỉ 2 kỹ sư phần mềm.
Các công ty ào ạt gia nhập thị trường đã khiến các tên tuổi lớn bị ảnh hưởng, doanh thu bị chia sẻ cho nhiều công ty hơn, lần đầu tiên trong vòng ít nhất là 5 năm qua, tổng thị phần của 5 hãng smartphone toàn cầu hàng đầu chưa đạt nổi 50% trong năm 2014.
Smartphone hiện nay đã trở thành một loại hàng hóa phổ biến và mức giá trung bình đã giảm 30% trong 5 năm qua. Điều này giúp các thiết bị dễ dàng đến tay của hơn 2 tỷ người tiêu dùng tại Trung Quốc, Ấn Độ và các thị trường mới nổi khác. Điều này cũng giúp các startup như Xiaomi và OnePlus bỏ qua các kênh bán hàng truyền thống như nhà mạng và nhà bán lẻ, và tự xây dựng thương hiệu online.
Thực tế trên cũng khiến các nhãn hiệu smartphone lớn phải tiến hành nghiên cứu thị trường, thiết kế logo và phát triển marketing nguyên liệu. Nhưng ở Trung Quốc, thậm chí những điều này cũng có thể thuê ngoài.
“Chúng tôi có thể làm giúp cả khâu marketing”, Stacy Li, một kỹ sư bán hàng tại Oteda, nói. “Chúng tôi thậm chí có thể thực hiện nghiên cứu thị trường để nói cho các khách hàng biết những tính năng nào của smartphone đang được người tiêu dùng ưa chuộng”.
Bình luận (0)