3D vẫn là chủ đề nóng và nhận được nhiều quan tâm nhất trong làng TV 2011. Mặc dù hình thành từ cuối năm 2009 và đầu năm 2010, nhưng xu hướng TV 3D diễn ra rõ nét nhất là trong năm 2011 khi khái niệm hình ảnh 3 chiều bắt đầu phổ biến. Nhiều người dùng quan tâm và doanh số sản phẩm đã có sự gia tăng đáng kể.
Bên cạnh việc sự phong phú của nội dung 3D, TV 3D thụ động là nhân tố không thể không nhắc đến. Tiên phong trong công nghệ này là LG với công nghệ màn hình 3D thụ động FPR. Thay vì sử dụng đến kính màn trập nặng nề, dùng đến pin, dòng TV Cinema 3D của LG sử dụng kính phân cực giá rẻ, gọn nhẹ nhưng có chất lượng hình ảnh ổn định hơn kính màn trập của 3D chủ động.
Sự cạnh tranh giữa công nghệ 3D chủ động và thụ động còn được thể hiện rõ nét khi hai hãng TV lớn nhất thế giới tới từ Hàn Quốc, Samsung và LG có những màn đấu khẩu, "chơi xấu" lại nhau trong quảng cáo để chứng tỏ công nghệ TV 3D của mình ưu việt hơn. Sự xuất hiện của 3D thụ động hay cuộc chiến giữa 2 công nghệ trên đã làm lợi rất nhiều cho người dùng.
Năm 2011 người tiêu dùng đã có thể lựa chọn được những mẫu TV 3D có giá chỉ tầm 10 triệu đồng, thấp hơn rất nhiều so với năm ngoái. Trong khi các model 3D 40, 46 inch có giá vài chục triệu giá của năm ngoái thì nay, kích thước tương đương cũng chỉ còn trên dưới 20 triệu đồng.
Smart TV (TV thông minh) cũng là chủ đề thu hút sự chú ý của làng TV trong năm 2011. Ngay từ triển lãm CES 2011 đầu năm, các nhà sản xuất TV hàng đầu thế giới như Samsung, LG và Sony trình làng một loạt sản phẩm TV kết nối mạng thế hệ mới được đính mác là Smart TV hay Internet TV.
So với thế hệ TV có hỗ trợ mạng đời trước, Smart TV trong năm 2011 đa năng hơn khi được tích hợp cả kết nối Wi-Fi, có trình duyệt Web như máy tính hay tích hợp cả kho ứng dụng như trên smartphone. Bên cạnh các chức năng xem video, nghe nhạc trực tuyến quen thuộc, HDTV còn cho phép người dùng chơi game, cài đặt thêm ứng dụng hay truy cập mạng xã hội, trò chuyện video call ... như trên một chiếc máy tính cá nhân.
Làn sóng Smart TV trong năm 2011 tạo ra ấn tượng như TV 3D của năm 2010 khi sau Samsung, Sony và LG, hàng loạt nhà sản xuất khác như Panasonic, Sharp, Philips hay Toshiba cũng tham gia phát triển Smart TV của riêng mình. Bên cạnh đó những gã khổng lồ công nghệ khác cũng "đánh hơi" được cơ hội của Smart TV và tham vọng lấn sân vào thị trường TV.
TV LED dần thay thế LCD CCFL truyền thống khi có chất lượng hình ảnh đẹp hơn, thiết kế siêu mỏng
Năm 2011 còn chứng kiến màn đổi ngôi giữa TV đèn nền LED với TV LCD truyền thống sử dụng đèn nền CCFL.
Bên cạnh những tín hiệu lạc quan, làng TV năm nay cũng chứng kiến những thông tin không hề vui vẻ. Đầu tiên là việc các hãng sản xuất TV hàng đầu của Nhật từ Sony cho tới Panasonic liên tục gặp khó khăn. Bên cạnh sự cạnh tranh quyết liệt từ các đối thủ tới Hàn Quốc và Đài Loan, các nhà sản xuất điện tử của Nhật còn đối mặt với thiên tai vào đầu năm, tàn phá trực tiếp và gây ảnh hưởng đến các nhà máy, dây chuyền sản xuất TV.
Sau khi tuyên bố cắt giảm chỉ tiêu dự kiến từ 40 triệu sản phẩm xuống còn 20 triệu, đầu tháng 11 đã Sony công bố số lỗ lên tới 1,2 tỷ USD mà hãng có thể nhận trong năm tài chính 2011 tính riêng mảng TV. Panasonic, hãng sản xuất TV Plasma số một thế giới, đồng hương của Sony, cũng phải tuyên bố bán bớt một số nhà máy sản xuất TV LCD tại Nhật, thay đổi chiến lược phát triển thị trường TV trong những năm tới khi dự đoán số lỗ trong năm của toàn tập đoàn có thể lên tới trên 1,5 tỷ USD. Bên cạnh đó với sự hỗ trợ từ tổ chức của chính phủ Nhật, bộ ba Hitachi, Toshiba và Sony chính thức thành lập liên minh Japan Display sản xuất LCD cạnh tranh với đối thủ chính tới từ Hàn Quốc là Samsung và LG.
Bình luận (0)