Máy tính bảng giá 100-200 USD không còn hiếm. Nhưng đa số chúng là các sản phẩm chạy Android với chip đơn lõi, RAM ít, độ phân giải màn hình thấp và chỉ có kết nối Wi-Fi.
Khác với máy trên 500 USD tốc độ cao và chạy mượt, khi cầm trên tay thiết bị 200 USD, người ta như lạc vào một thế giới không mấy dễ chịu vì tablet đó có thể bị hạn chế truy cập kho ứng dụng Google, không khai thác được nhiều dịch vụ và không đạt được trải nghiệm tốt nhất.
Tuy nhiên, theo tạp chí PC World (Mỹ), mọi thứ đang bắt đầu thay đổi và sắp tới, người sử dụng với khoản tiền ít ỏi vẫn có thể sở hữu một máy tính bảng đủ làm họ hài lòng.
Tín hiệu lạc quan đầu tiên xuất hiện vào tháng 1 tại CES 2012. Ở đó, Asus trình diễn tablet 7 inch chạy chip Tegra 3 lõi kép, Android 4.0, độ phân giải màn hình 1.280 x 800 pixel, RAM 1 GB, hỗ trợ cổng microUSB, micro HDMI, microSD, hai camera. Không ít người dùng thử nhận xét sản phẩm có "tốc độ nhanh đáng kinh ngạc" hay "màn hình sáng và ấn tượng".
Nhưng đặc biệt hơn cả chính là mức giá 249 USD - con số ban đầu nhiều người còn tưởng Asus công bố nhầm. "Sản lượng và chủng loại tablet đang tăng lên trong khi giá bán giảm đi nhờ chi phí sản xuất linh kiện hạ xuống", Nick Stam, Giám đốc marketing của Nvidia, cho hay. "Sẽ có rất nhiều thiết bị ra đời năm nay có giá thấp hơn những sản phẩm bạn từng biết".
Một số website trên Internet cũng đang phát tán tin Google sắp trình làng tablet 7 inch với giá chỉ 150-200 USD. Tuy nhiên, Google từ chối bình luận về các tin đồn nên người tiêu dùng sẽ phải chờ đến tháng 6 khi sự kiện dành cho giới phát triển Google I/O diễn ra mới có thể biết rõ hơn.
Sau gần 2 năm "tham chiến" trên thị trường tablet với mức bán tương đương Apple iPad, các hãng vẫn chưa đạt được thành công như mong đợi. Năm 2011 thậm chí còn bị các chuyên gia công nghệ nhận định là năm thất bại của tablet Android. Khi không đấu được với Apple, các nhà sản xuất sẽ rẽ sang hướng mới là tablet giá rẻ. Thế nhưng, người tiêu dùng chưa thực sự mặn mà vì chúng có chất lượng thấp, trong khi nếu cho ra đời máy cấu hình cao với giá cạnh tranh thì lại không thu được nhiều lợi nhuận.
Rhoda Alexander, chuyên gia của hãng nghiên cứu IHS iSuppli, cho hay không phải ai cũng học theo Amazon được. Hãng này đã rất thành công với Kindle Fire 200 USD dù được cho là phải chịu lỗ cho mỗi tablet bán ra. Nhưng mục tiêu của họ không phải kiếm tiền từ phần cứng. Họ về cơ bản là một hãng thương mại điện tử và kinh doanh nội dung trực tuyến. Do đó, họ sản xuất tablet như là một cách mới để câu kéo người dùng mua sách và ứng dụng nhiều hơn nữa. Với cái giá "chịu chơi" đó, Amazon hiện chiếm giữ tới hơn một nửa doanh số tablet toàn cầu trong quý IV/2011 với gần 4 triệu máy được xuất xưởng.
Chuyên gia Sarah Rotman Epps của hãng phân tích Forrester Research nhận định, giá rẻ chỉ là yếu tố thúc đẩy, chứ không phải yếu tố quyết định việc mua tablet. Người ta sắm Kindle Fire hay iPad còn vì kho nội dung của Amazon hay kho ứng dụng của Apple. Hai công ty này đã làm tốt nhiệm vụ kết nối thiết bị với nội dung, điều mà các nhà sản xuất Android khác chưa thực hiện được.
Chính vì thế, những tháng qua, Google đã nỗ lực xây dựng hệ thống nội dung với nhạc, phim, ảnh, video và ứng dụng di động qua thương hiệu Google Play. Nhưng họ vấp phải vấn đề nan giải: trong hơn một thập kỷ, Google khiến nhiều người nghĩ các dịch vụ của họ luôn miễn phí, giờ lại phải cố thuyết phục người sử dụng giao dịch và trả tiền cho họ - một nhiệm vụ được cho là rất khó thực hiện.
Chưa kể, Google và những nhà sản xuất máy tính bảng Android còn cần sẵn sàng đối phó trước một "ác mộng" mới. Gần đây tin đồn về iPad Mini cỡ 7-8 inch và có giá khoảng 300 USD liên tục rộ lên. 300 USD cao hơn so với mức 200 USD của tablet Android, nhưng người tiêu dùng có thể sẽ sẵn lòng chi thêm 100 USD để có được một sản phẩm mang thương hiệu "Quả táo" cùng kho App Store hấp dẫn mà các kho ứng dụng khác chưa theo kịp.
Bình luận (0)