Theo Bộ Luật Hình sự, việc "thành lập, tham gia nhóm tội phạm" được xác định là giai đoạn "chuẩn bị phạm tội", có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đã đến lúc cần bổ sung vào Bộ Luật Hình sự quy định việc thành lập nhóm kín bàn chuyện phạm tội trên mạng xã hội (MXH) là hành vi có tính chất nguy hiểm, xâm hại an ninh trật tự xã hội.
Phần nổi của tảng băng chìm
MXH chưa bao giờ phát triển như hiện nay, cả về mức độ phổ biến và những tính năng kỹ thuật. Từ nhiều năm qua, nhiều hội, nhóm công khai có, kín có được thành lập trên mạng, thu hút rất nhiều thành viên (có những nhóm tới hàng trăm ngàn hội viên).
Thời gian đầu, hoạt động của các nhóm thường xoay quanh những chủ đề lành mạnh, tích cực như: chăm sóc bé, trồng cây, thể thao. Dần dà xuất hiện những nhóm chủ đề "nhiều chuyện", như những nhóm về sinh con tự nhiên, ăn kiêng, chữa lành… với những quan điểm khác lạ, phi khoa học. Việc rút từ hoạt động công khai sang bí mật thông qua việc thành lập các trang kín trên MXH hiện được ưa thích và bùng phát do dễ lập ra, khó bị các cơ quan chức năng phát hiện, theo dõi và quản lý.
Chủ đề hoạt động của các nhóm kín cũng phức tạp hơn, trực tiếp liên quan đến trật tự an ninh xã hội, như: cổ xúy sử dụng ma túy, môi giới mại dâm, tổ chức đánh bạc, buôn bán hàng cấm, phát tán video bạo lực… Thậm chí có những nhóm kín với chủ đề hoạt động thuộc dạng quái gở, phi đạo đức như "Hội những người muốn tự tử", trong đó các thành viên lên mạng bày cách tự tử, nêu quan điểm tiêu cực trong cuộc sống. Hậu quả tác động tâm lý sẽ thế nào nếu con, em chúng ta tham gia vào những nhóm như vậy?
Vụ việc xảy ra trong thời gian vừa qua, rủ nhau đi cướp ngân hàng ở Đà Nẵng, hậu quả đâm chết một bảo vệ xuất phát từ việc các đối tượng gặp nhau trên nhóm "xù nợ - làm liều" là minh chứng rõ ràng cho tác hại, lây lan và tiềm ẩn những hiểm họa cho xã hội.
Áp dụng chế tài vi phạm quy tắc ứng xử mạng xã hội
Quyền tự do ngôn luận, báo chí, kinh doanh của công dân được Hiến pháp ghi nhận. Tuy nhiên, việc thành lập hội, nhóm (trên MXH) mặc dù đã tồn tại và phát triển tự phát từ nhiều năm qua nhưng chưa có quy định về thủ tục đăng ký, khung pháp lý hoạt động, nên dẫn đến nhiều hệ lụy. Thực trạng là các nhóm kín hoạt động mà không xác định rõ tính chính danh, đúng sai về mặt pháp luật; việc xử lý thường là khi vi phạm đã xảy ra và theo đánh giá chủ quan của cơ quan chức năng.
Từ năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông có ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên MXH, vận động mọi người sử dụng MXH an toàn, lành mạnh; không đăng tải nội dung vi phạm pháp luật, thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; không tung tin giả, kinh doanh dịch vụ trái phép... Đây là những quy định cần thiết nhưng rõ ràng chưa đủ tính pháp quy, chưa "đủ đô" để ngăn chặn thực trạng hiện nay. Cần có những quy định cụ thể hơn, gồm bổ sung biện pháp chế tài như phạt vi phạm hành chính.
Tính mạng, sức khỏe con người, quyền tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ, những người xâm hại đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, phạt tù. Vì vậy, việc cổ xúy hay bày người khác cách tự tự, rủ nhau đi cướp tài sản cho dù chưa thực hiện hành vi vẫn rõ ràng có tính chất nguy hiểm, tiềm ẩn gây hậu quả nghiêm trọng. Nói cách khác, việc lập ra những nhóm kín bàn chuyện phạm tội trên mạng như vậy sẽ manh nha tội phạm hình sự ở quy mô có sự tổ chức, chuẩn bị. Xét trong quy trình phạm tội đầy đủ xảy ra, đây chính là giai đoạn "chuẩn bị phạm tội", dấu hiệu của hành vi "thành lập, tham gia nhóm tội phạm".
Tại Bộ Luật Hình sự hiện có một chương quy định về 9 tội danh liên quan đến "tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông". Cụ thể là các tội: "Sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật"; "Cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông"; "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản"… đều có thể bị phạt tù nhiều năm nhưng chủ yếu là quy định tội danh thiên về các yếu tố kỹ thuật mà thiếu quy định về các tội phạm mang tính chất nội dung. Sẽ không thừa nếu trong Bộ Luật Hình sự sắp tới sẽ bổ sung quy định về tội: "Lập nhóm trên MXH để tổ chức phạm tội".
Tham khảo chuyên gia khi gặp sự cố tâm lý
Trên MXH vẫn có người tốt, kẻ xấu, vì vậy công ty chủ Meta cũng quy định cho phép người dùng Facebook đăng ký tích xanh để bảo đảm sự chính danh. Đối với quản lý nhà nước, nên chăng cũng cần có những quy định và phương thức quản lý như vậy. Về phía người dùng, cần tỉnh táo và cảnh giác, đọc thông tin, tham gia những nhóm trên mạng có xu hướng lành mạnh. Lúc có chuyện buồn, bi quan cần người an ủi ở mức chuyên gia chứ không tìm tới những lời khuyên hay bình luận chết người vô đạo đức, không màng đến hậu quả từ những người không quen biết, chưa rõ xấu tốt trên mạng. Các bậc cha mẹ nên theo dõi, giải thích cho con nhận thức hiểm họa, dẫn đến những quyết định sai trái, hành động dại dột khi tham gia các hội, nhóm tiêu cực.
Bình luận (0)