xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Duyên muộn

Truyện của Đào Phạm Thùy Trang

Cha tôi đằng hắng mấy lần mới nói: “Chị Hai à, con Duyên có tuổi rồi..., chị cho nó ưng thằng Tửng nghen?”.

Mẹ chị Duyên như nhảy khỏi ghế, tuổi ngoài bảy mươi mà bà nhanh nhẹn lạ thường. “Cậu nói cái gì? Thằng đó nó “đào mỏ” chứ yêu thương gì con Duyên nhà tôi mà ưng với quạ?”.

Cha tôi nổi đóa: “Con Duyên bốn chục tuổi rồi đó chị Hai! Không cho nó lấy chồng chị để làm mắm luôn hả?”.

“Làm mắm cũng được. Chứ tôi không gả cho thằng Tửng. Nội cái tên là mắc ghét rồi!”.

“Vậy hồi đó sao thằng Lành, thằng Tuấn, thằng Nhơn, thằng Nghĩa chị cũng không chịu?”.

Mẹ chị Duyên đấu dịu: “Cậu út à, cậu kém tôi mười tuổi lận đó! Sự đời cậu không biết bằng tôi đâu. Tôi thấy mấy thằng muốn cưới con Duyên toàn dân… đào mỏ không à!”.

“Nó bốn mươi rồi..., không cho nó lấy chồng, mai mốt chị chết đi, nó ở một mình tội lắm...”. Cha tôi van vỉ cho đứa cháu tội nghiệp.

Nhà chị Duyên có bốn chị em gái, có khá nhiều đất đai do người cha để lại. “Tứ nữ bất bần”, người xưa vẫn nói vậy nhưng với gia đình chị hoàn toàn khác. Cha chị trong một buổi đi làm đồng về đã trúng gió rồi mất. Mẹ chị trước giờ chỉ ở nhà chăm con, vun vén việc thu chi. Nhà có bốn mẫu đất, trong đó hai mẫu nhãn, một mẫu tre, mẫu còn lại xen canh rau, đậu, mì... Chồng mất, bà bán liền số đất trồng cây ngắn ngày để lo ma chay mồ mả.

Minh họa: KHỀU
Minh họa: KHỀU

Hai mươi tuổi, chị Duyên chưa có nghề nghiệp gì. Học hết 12 chị ở nhà ra vô cơm nước rồi xem tivi. Thỉnh thoảng chị theo lái vô vườn coi bẻ nhãn, bẻ lá tre và đếm tiền đem về cất vô tủ. Rồi tình yêu “sét đánh” đến khi trong một buổi hái lá tre gặp trời mưa giông. Sét đánh bật gốc một bụi tre mà chị đang đứng gần, anh Lành đã nhào đến hất chị ra khỏi hiểm nguy. Tre ngã trúng anh, gãy tay. Mẹ chị Duyên không mấy vui trong việc đền bù thuốc thang bởi tai nạn “lãng nhách” như thế. Nhưng bà bảo ở đời phải biết nhơn quả, xem như bà “làm phúc” vậy. Trong suốt tháng trời từ bệnh viện tới khi anh về nhà, chị Duyên cứ hay mang cơm tới tới lui lui. Ngày lành lặn hoàn toàn, anh xin cưới chị, mẹ chị lắc lư mái tóc muối nhiều hơn tiêu: “Con Duyên nhà tui cái gì cũng dở. Cậu làm mướn sao đủ tiền nuôi nó?”. Anh Lành bỏ đi biền biệt, nhắn rằng nếu thật yêu thì hãy chờ, anh sẽ kiếm tiền về nuôi chị.

Chị đã chờ. Mười năm trôi qua...

Bao nhiêu đám đến hỏi, mẹ chị hết chê chuyện này lại chê chuyện nọ. Chị Duyên phản đối, bà bảo: “Con đẹp vậy thiếu gì người xin rước. Chỉ là chưa tới duyên thôi”.

Đứa con gái út mà mẹ chị yêu nhất cũng là đứa ngoan ngoãn nhất. Nó không yêu đương nhăng nhít như chị Hai, cũng không tự ý quyết định hôn nhân đại sự như chị Ba, chị Tư. Hai mươi tuổi, nó được một đoàn xe hoa mười chiếc đến rước. Đó là một hoàng tử chính hiệu, khi lễ “nạp tài” nhà trai đã trình ra một cửa hàng bán xe máy đứng tên cô dâu chú rể.

Mẹ chị đáp lễ là hai mẫu nhãn bán đi, lấy vốn cho con rể phát triển cửa hàng. Nhưng sau đó hai năm, thằng rể đã nướng sạch mớ tài sản hàng tỉ đồng vào sòng bạc bên kia biên giới. Đứa con bé nhỏ nó “nhờ” mẹ vợ nuôi giùm, hai vợ chồng nó phải đi trốn nợ. Mẹ chị kêu bán luôn cả mẫu tre để giúp con nhưng không ai mua cả.

Chị Duyên quanh quẩn với mớ lá tre hằng ngày. Nó là nguồn sống của ba thế hệ chung nhà. Nhưng bây giờ tre lão nên măng không nhiều, lá không còn to nữa.

Rồi chị Duyên gặp anh Tửng. Vợ anh chê chồng nghèo nên đã bỏ đi mất sau khi có với nhau hai mặt con. Túp lều của anh cất tạm trên đất người chú họ, giáp ranh với vườn tre nhà chị. Hôm nào lá tre hút hàng, chị bẻ không xuể, hai con anh lại sang bẻ giúp. Mấy lượt khiêng vác nặng nề cho măng, cho lá lên xe, lên cân, anh đều phụ chị.

Lòng chị càng nao nức tiếng bi bô của trẻ con, giọng trầm ấm cằn nhằn của bữa cơm thiếu trái ớt, hạt tiêu… Bên kia rào, anh một mình vật lộn với bữa cơm chiều cho hai đứa con đang tuổi lên năm, lên bảy.

Nhưng mẹ chị không đồng ý. Bà bảo là anh “đào mỏ” chứ yêu thương gì. Chị đẹp vậy thiếu gì người xin rước. Chỉ là chưa tới duyên thôi. Nếu cãi lời bà, chị cứ ra khỏi nhà mà không có một xu.

Và chị Duyên đi thật, sang túp lều của ba cha con anh Tửng.

Mỗi ngày một lần chị đều đặn đi ngang nhà tôi. Tay xách xô “xà bần” xin ở các quán ăn mang về nuôi heo nuôi gà. Tay còn lại ôm sát eo người chở. Người quen, người lạ nhìn cứ tức cười bởi chị bốn mươi mà cứ dung dăng dung dẻ như gái mới biết yêu.

Người đàn ông chở chị không đẹp trai, không giàu có cũng chẳng nói năng duyên dáng gì. Chỉ thấy dáng thấp đậm củ mỉ cù mì.

Người ta nói chị “bất hiếu”. Kẻ lại nói mẹ chị là bà già hắc ám. Chị cười, nói duyên mình đến muộn nên phải ráng giữ. Mẹ chị còn có mẫu tre và đứa cháu làm vui. Còn chị, niềm vui duy nhất bây giờ là những bữa cơm rau ngập tiếng cười và hai đứa con anh đã ngọt ngào gọi chị là “mẹ”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo