Thư không chết, dù chỗ hõm vai cày ấy năm nào cũng lấy ít nhất một mạng người. Thư khóc. Số Thư chưa tận. Mẹ đẻ Thư ôm lấy con rưng rưng nước mắt. Có những nỗi khổ không phải bao giờ cũng cất lên được thành lời. Nỗi khổ của Thư cũng thế, những ngày đầu làm dâu còn chảy tràn ra nhưng lâu dần nó chảy ngược, thậm chí cạn ráo. Ngày nào Thư cũng hùng hục làm, như trâu, như ngựa mà nào đã được yên thân với bà mẹ chồng mang đôi mắt anh ánh như mắt diều hâu liên tục rình mồi...
Thằng Su vào thăm vợ, ngẩn ngơ đứng ngoài sân bệnh viện, ngay dưới gốc đại già rụng trắng hoa, cười ngu ngơ. Thư trông ra thấy chồng, nước mắt chảy dài.
Thư vốn con nhà lao động xóm đê vắng. Nhà nghèo thôi là nghèo. Cái thứ nghèo gia truyền nên nhà Thư không thể nào thoát ách. Cha Thư sẩy chân trong một lần nước lũ. Mẹ một mình tần tảo nuôi bốn anh em. Chỉ cần cái để đút vào mồm thôi đã là may lắm nói gì đến no với ngon. Cũng bởi thế mà bốn anh em Thư đều chỉ học hết tiểu học là thôi. Mười tuổi là chập chững theo mẹ mưu sinh. Mẹ con cứ thế bao bọc nhau bên bờ sông vắng. Cho đến khi Thư lấy Su, nhà vẫn trống huơ trống hoác, trời mưa, nhà dột từng hạt trên nền đất lạnh, buồn đến thấu ruột gan. Năm ấy Thư mười chín tuổi. Vừa đen lại vừa béo. Thực ra khi đó, Su chưa đến nỗi ngơ ngẩn như bây giờ. Lúc đó Su chỉ khoèo tay, thỉnh thoảng lăn đùng ra vì bệnh động kinh. Kệ, dù thế thì Su vẫn lấy được Thư - cô gái vâm vấp, hay lam hay làm. Ngày cưới, bao nhiêu người tặc lưỡi thương Thư. Lấy chồng tỉnh còn chả ăn ai, huống hồ..., câu nói lửng lơ trôi vèo. Như nước cuồn cuộn mùa lũ, như sông luôn tìm về biển. Như con người vận hạn tới đâu cũng chỉ biết đổ tại phận người.
2. Chân ruộng ngô của nhà Thư chính là chỗ hõm vai cày, nơi gốc duối già ngày nào cũng soi bóng bên bờ sông. Nơi này, Thư đã ngồi mòn vẹt trong những tháng ngày làm dâu của tuổi mười chín. Ngày mới lấy Su, gần như ngày nào Thư cũng ra đó đổ xuống những giọt nước mắt của sự tủi hờn. Lâu dần thì nước mắt hình như là cạn. Ra, chỉ là để nhìn xuôi ngược xem nước sông vơi hay đầy. Thời gian làm chai sạn nhiều thứ. Trong đó có nỗi buồn của Thư.
Khi đứa con Thư chào đời, thằng Su vui đến ngây dại. Nhưng cũng không biết có phải vì vui quá không mà từ đó nó sinh thêm tật nói nhảm. Nhiều lần nó kể nhà nó xưa ở gốc đa bên chân đồi Chùa, sau chán nó mới đốt gốc đa rồi chuyển về đây ở... Những chuyện từ miệng nó ma mị, huyền bí và đầy... dở hơi. Được cái dở đến thế nào thì nó vẫn cưng nựng vợ con ghê lắm. Nhất là con bé con giống Su như tạc, cái miệng chúm chím đến yêu. Chỉ phải cái mẹ Su thì ác. Ác với chồng, với con dâu.
3. Thằng Điền đi lao động xuất khẩu Malaysia về. Nghênh ngang đầu xóm, cuối xóm. Chuyện nước ngoài bô bô cái miệng nó kể. Oách lắm. Ba mươi hai tuổi chôn chân xứ người suốt mấy năm làm thuê làm mướn, giờ vác được cái xác không về mà còn sĩ. Cái sĩ đúng kiểu một anh nhà quê đã từng xuất ngoại. Giờ vợ không, con chẳng. Điền vẫn hoang dã, đôi khi bản năng y như hồi còn ở nhà. Đúng kiểu giang sơn khó đổi, bản tính khó dời. Nhà Điền gần sát nhà Thư. Hàng xóm ra vào vẫn chạm mặt nhau luôn. Thư không ưa gì Điền cả nhưng Điền thì lại rất kết Thư. Người đàn bà hai mươi đang chín đằm, mang nước da bánh mật, giờ có cái hấp dẫn chết người của gái một con. Thi thoảng vắng người, Điền buông lời ong bướm, Thư đều choảng lại gay gắt như nước hắt đổ đi. Thế mà thằng đốn mạt, dưới gốc cây duối già Thư hay ngồi, nó vật Thư xuống, giật tung hàng cúc ngực... Đúng lúc mẹ chồng Thư ra ruộng ngô. Sa sả chửi. Xỉa xói rủa. Bà lu loa thằng Điền. Moi móc ông cha nhà Thư lên chửi đồ mất nết.
Cả xóm túa ra. Cái thói dân quê hiếu kỳ. Xem là chính chứ ai muốn dây vào chuyện nhà người khác, nhất là mấy cái thứ chuyện trai gái như thế này. Hai tay Thư ôm ngực nức nở, cả người co rúm lại trong trạng thái khiếp đảm. Thằng Su không biết từ đâu hồng hộc chạy tới, nó rẽ đám đông vào, cởi phăng chiếc áo đang mặc trên người choàng cho vợ và ôm vợ rất chặt như muốn bao bọc, muốn chở che, an ủi. Cái thứ dở người có đôi khi còn tỉnh hơn chán vạn người khôn. Nó chỉ thẳng tay vào mẹ vẫn đang đứng chống nạnh đang rin rít qua kẽ răng chửi vợ nó mà dõng dạc:
- Bà muốn gì?
Bà mẹ trợn tròn mắt ú ớ. Để Su lên cơn sẽ nhiều chuyện khó lường. Đám đông tản dần. Mẹ chồng Thư cũng quay người, hạ giọng hơn nhưng tiếng chửi vẫn rát ràn rạt. Đầu ruộng ngô, bố Su đứng như tượng, khuôn mặt ông sạm đen những nếp nhăn khắc khổ. Vì đang say máu trong cơn giận dữ, không chú ý đến xung quanh nên đến đầu ruộng ngô gần vấp vào chồng, bà giật sững cả người. Giọng ông nặng như đá tảng nghìn năm:
- Này bà, bà muốn cái xóm này người ta khơi lại chuyện ngày xưa bà với lão Sùng bị bắt tại trận ở chỗ ấy không?
Mây ngưng trôi. Gió cũng ngưng bặt không thổi. Không khí oi nồng. Và nắng, nắng vẫn vàng sóng sánh như mật được rót xuống khúc sông quê...
Bình luận (0)