
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Lê Ngọc Quang phát biểu
Chiều 17-4, tại trụ sở Tỉnh ủy Quảng Bình, Ban Thường vụ Tỉnh ủy 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị đã tổ chức hội nghị triển khai các nội dung quan trọng liên quan đến việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Theo đó, Quảng Bình sẽ là trung tâm hành chính – chính trị của tỉnh mới sau sáp nhập. Đề án hợp nhất sẽ được xây dựng và trình Chính phủ trước ngày 1-5-2025.
Thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh với 34 thành viên
Hai tỉnh đã thống nhất thành lập Ban Chỉ đạo sáp nhập tỉnh, do Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Lê Ngọc Quang làm trưởng ban và Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Long Hải làm đồng trưởng ban. Ban Chỉ đạo có tổng 34 thành viên, chia thành 2 tổ giúp việc: một tổ phụ trách hậu cần - tài chính - cơ sở vật chất và một tổ chuẩn bị văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Quang cảnh buổi làm việc giữa lãnh đạo 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị
Một trong những nội dung được quan tâm tại hội nghị là chế độ hỗ trợ cán bộ, công chức khi sáp nhập hai tỉnh, đặc biệt là những người sẽ làm việc tại Trung tâm hành chính tỉnh lỵ mới ở Quảng Bình.
Nhiều đại biểu nêu rõ tâm lý lo lắng của cán bộ công chức về việc phải đi làm xa, ảnh hưởng sinh hoạt gia đình, chỗ ở, phương tiện di chuyển. Một số ý kiến đề xuất cần có nhà công vụ, hỗ trợ chi phí đi lại, tạo điều kiện để cán bộ yên tâm công tác.
Không để quan niệm "tỉnh tôi - tỉnh anh"
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Lê Ngọc Quang khẳng định đây là những băn khoăn hoàn toàn chính đáng và cam kết sẽ cùng tỉnh Quảng Trị bàn bạc giải pháp phù hợp. Trước mắt, giao UBND tỉnh Quảng Bình phối hợp UBND tỉnh Quảng Trị rà soát nhu cầu, bố trí nhà công vụ và xây dựng cơ chế hỗ trợ hợp lý.
"Chúng ta tuyệt đối tránh biểu hiện tiêu cực, tư tưởng 'tỉnh tôi - tỉnh anh'. Việc sáp nhập là nhiệm vụ chính trị có tính chiến lược, cần sự đồng thuận và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị" - ông Lê Ngọc Quang nhấn mạnh.
Theo dự kiến, tỉnh mới sau sáp nhập sẽ có diện tích gần 12.700 km², dân số hơn 1,8 triệu người và 78 đơn vị hành chính cấp xã. Trong đó, Quảng Bình có 41 cấp xã (5 phường, 36 xã); Quảng Trị có 37 cấp xã (3 phường, 33 xã và 1 đặc khu).
Hội nghị thống nhất giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Sở Nội vụ hai tỉnh hoàn thiện hồ sơ đề án, tổ chức lấy ý kiến nhân dân trên địa bàn trước khi trình cấp có thẩm quyền và Chính phủ xem xét, quyết định.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Long Hải cho biết tỉnh Quảng Trị sẽ khẩn trương chỉ đạo các cơ quan liên quan hoàn thiện nội dung đề án, trên cơ sở nguyên tắc, quy định của Trung ương. Ông Hải cũng nhấn mạnh những điểm tương đồng giữa hai địa phương về điều kiện tự nhiên, con người và khát vọng phát triển.
"Chúng tôi tin rằng nếu được thực hiện đúng quy trình, minh bạch và đồng thuận, việc hợp nhất sẽ mở ra một giai đoạn phát triển mới cho khu vực Bắc Trung Bộ" – ông Hải nói.

Bí thư Quảng Trị Nguyễn Long Hải phát biểu

Lãnh đạo 2 tỉnh chụp hình kỷ niệm
Bình luận (0)