Chiều 3-6, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) Lê Thị Thu Hằng chủ trì buổi gặp gỡ báo chí thông tin về kết quả kết quả đạt được sau 20 năm triển khai Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với NVNONN; đồng thời, thông tin về 2 sự kiện lớn tổ chức vào tháng 8-2024 tại Hà Nội: Hội nghị NVNONN toàn thế giới lần thứ 4 và Diễn đàn trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024.
Bước ngoặt lớn trong công tác kiều bào
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh sau 20 năm triển khai, Nghị quyết 36 đã giúp nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc triển khai công tác đối với NVNONN từ cả trong nước và đông đảo kiều bào.
Cùng với đó, công tác tham mưu, kiến nghị, xây dựng chính sách liên quan đến NVNONN được chú trọng, triển khai toàn diện, trên cả phương diện lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và pháp luât của nhà nước. Về mặt pháp luật, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật tương đối đầy đủ, hoàn thiện trên hầu hết các lĩnh vực liên quan đến cộng đồng NVNONN như quốc tịch, dân sự, nhà ở, đất đai, cư trú, đầu tư, kinh doanh theo hướng các quyền của cộng đồng NVNONN ngày càng tiệm cận gần hơn với công dân trong nước, thuận lợi hơn trong việc về nước làm việc, đầu tư, kinh doanh...; đồng thời tăng cường gắn kết kiều bào với quê hương.
Một kết quả đáng chú ý khác là công tác đại đoàn kết, vận động NVNONN hướng về quê hương đã đạt được những kết quả quan trọng. Kiều bào được tạo điều kiện tham gia đóng góp ý kiến vào những vấn đề quan trọng của đất nước như góp ý vào các văn kiện Đại hội Đảng, các dự thảo luật, các chính sách lớn… Công tác chăm lo, hỗ trợ cộng đồng NVNONN củng cố địa vị pháp lý, ổn định cuộc sống ở sở tại cũng ngày càng được chú trọng.
Nhấn mạnh về kết quả việc đẩy mạnh công tác phát huy nguồn lực của NVNONN đóng góp cho sự phát triển của đất nước, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết việc thu hút kiều hối về nước đóng góp phần rất quan trọng trong công cuộc phát triển đất nước. Trong những giai đoạn khó khăn như đại dịch COVID-19, kiều hối duy trì là dòng tiền đầu tư ổn định đối với trong nước. "Theo thống kê chưa đầy đủ, trong giai đoạn 1993-2023, lượng kiều hối gửi về nước khoảng 230 tỉ USD, là nguồn lực vô cùng quý báu và quan trọng"- bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh. Bên cạnh đó, kiều bào đầu tư trực tiếp về nước góp phần phát triển đất nước. Thống kê cho thấy, tính đến tháng 11-2023, có 421 dự án của kiều bào tại 29 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 1,72 tỉ USD.
Ngoài ra, công tác giữ gìn tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ngày càng được quan tâm. Công tác thông tin đối ngoại đối với NVNONN được đổi mới về tư duy, nội dung và hình thức. "Nghị quyết số 36 của Bộ Chính trị về công tác NVNONN đã tạo ra bước ngoặt lớn trong công tác NVNONN, được xây dựng trên nền tảng chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta là NVNONN là một bộ phận không tách rời, một nguồn lực quan trọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam và tinh thần đại đoàn kết dân tộc"- Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ.
400 đại biểu kiều bào tham dự sự kiện
Cũng tại cuộc gặp, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đã thông tin về Hội nghị NVNONN toàn thế giới lần thứ 4 và Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024. Theo đó, các sự kiện này do Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức từ ngày 21 đến 24-8-2024.
Dự kiến 600 đại biểu sẽ tham dự, trong đó có khoảng 400 đại biểu kiều bào. Thủ tướng sẽ tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Phiên khai mạc vào sáng 22-8.
Với chủ đề "NVNONN chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước", các sự kiện này bao gồm nhiều phiên, tạo thành nhiều diễn đàn để kiều bào đóng góp ý kiến xây dựng đất nước. Ngoài ra còn có các hoạt động trưng bày sản phẩm, kết nối giữa doanh nghiệp, doanh nhân NVNONN với các địa phương. "Ban tổ chức kỳ vọng đây sẽ là một "Hội nghị Diên Hồng" của NVNONN"- Thứ trưởng nói.
Cụ thể, sau lễ khai mạc sẽ diễn ra Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài với Chủ đề: "Trí thức và chuyên gia kiều bào hiến kế về các vấn đề phát triển xanh, bền vững của đất nước" nhằm trao đổi ý kiến về các xu thế phát triển của thế giới và khu vực thời gian tới, thách thức và cơ hội đối với Việt Nam; phát huy nguồn lực của kiều bào trong phát triển đất nước; mở rộng Mạng lưới Đổi mới sáng tạo quốc gia…
Có 4 phiên chuyên đề diễn ra song song. Trong đó, phiên "Kiều bào với sự phát triển công nghệ cao của Việt Nam" gồm 2 chủ đề đang được quan tâm lớn hiện nay là bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI).
Bên cạnh đó là các phiên "Doanh nghiệp, doanh nhân kiều bào đồng hành cùng đất nước"; "Đại đoàn kết dân tộc, công tác hội đoàn và vai trò của thế hệ trẻ kiều bào"; "Kiều bào - Sứ giả văn hóa và ngôn ngữ Việt".
Đến nay, Hội nghị và Diễn đàn đã nhận được sự quan tâm lớn từ các Bộ, ngành, địa phương và sự hưởng ứng mạnh mẽ của kiều bào. Kiều bào xem đây là dịp đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Đơn cử, Hội trí thức Việt Nam tại Nhật Bản đề xuất được chủ trì phiên về bán dẫn và sẽ sắp xếp về nước tham gia sự kiện được nhiều nhất có thể.
Bình luận (0)