Trung bình mỗi năm, ở Việt Nam xảy ra khoảng 10 - 15 trận lũ quét và hàng trăm vụ sạt lở đất lớn nhỏ, tập trung chủ yếu ở vùng núi Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên.
Nhiều nguyên nhân
Theo bà Đặng Thanh Mai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn - Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguyên nhân gây lũ quét, sạt lở đất thường do mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn hoặc kéo dài nhiều ngày; địa hình chia cắt, độ dốc lưu vực và độ dốc sông suối lớn.
Độ ổn định của lớp đất mặt yếu do quá trình phong hóa; sự che phủ của thảm thực vật ngày càng thấp làm mất độ giữ đất của rễ cây, giữ nước của lớp thảm phủ cũng là nguyên nhân gây lũ quét, sạt lở. Các hoạt động của con người như phá rừng, xây dựng hồ chứa, xẻ núi làm đường… cũng khiến sườn dốc mất ổn định, làm yếu độ liên kết đất đá và tăng khả năng xói mòn.
Để dự báo sạt lở, lũ quét, cơ quan khí tượng thủy văn dựa vào việc phân tích lượng mưa, độ ẩm đất. "Tuy nhiên, với các yếu tố chúng ta chưa quan sát được thường xuyên, như sự cố nghẽn dòng, thì sẽ khó cảnh báo" - bà Mai nhận xét.
Tình trạng nghẽn dòng xảy ra do phía thượng nguồn, các khe suối khi có mưa, dòng chảy làm đất đá, cây cối dồn tại một điểm, tạo ra con đập tạm chứa nước phía trên. Khi mưa quá sức chịu tải, đập này sẽ vỡ, cuốn theo lượng nước, bùn đá rất lớn. Các trận lũ quét năm 2019 ở Thanh Hóa, 2020 ở Quảng Nam... hay vừa rồi ở Làng Nủ (Lào Cai) .
Nếu sớm hơn 30 giây - 1 phút...
PGS-TS Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết lũ quét, sạt lở đất, giông, lốc, sét là những loại hình thiên tai diễn ra trong quy mô rất hẹp, khó thấy được quá trình diễn biến.
"Việc cảnh báo lũ quét, sạt lở đất chi tiết đến từng khu vực nhà dân, thôn bản để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản vẫn luôn là thách thức không chỉ của Việt Nam mà còn cả với những nước có trình độ khoa học công nghệ phát triển như Nhật Bản, Mỹ. Với công nghệ hiện nay, thế giới chưa thể dự báo được lũ quét, sạt lở đất sẽ xảy ra tại vị trí cụ thể và trong thời điểm cụ thể nào" - ông Khiêm khẳng định.
Theo bà Đặng Thanh Mai, chỉ có thể cảnh báo trong vòng 2 ngày tới, khu vực nào đó có mưa lớn, cần đề phòng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.
Bà cho biết: "Trong thời gian đó, sạt lở có thể xảy ra vào bất kỳ thời gian, vị trí nào; chứ chưa thể khẳng định chính xác địa điểm cũng như giờ, phút...".
PGS-TS Tạ Đức Thịnh, Chủ tịch Hội Địa chất công trình và Môi trường Việt Nam, cho rằng nhà nước cần đầu tư nhiều hệ thống cảnh báo, dự báo sớm về các điểm có nguy cơ sạt, trượt, lở đất đá, để cơ quan chức năng và địa phương có số liệu kịp thời và thông báo đến người dân. "Nếu cảnh báo sớm hơn được khoảng 30 giây hay 1 phút về lượng mưa hay các điểm có nguy cơ xảy ra trượt đất, sạt lở, chúng ta có thể cứu được rất nhiều người" - ông nhìn nhận.
Ông Lưu Đức Cường, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn quốc gia, băn khoăn đến nay, Việt Nam mới có bản đồ cảnh báo sạt lở tỉ lệ 1/50.000. Đây chỉ là các cảnh báo cấp vĩ mô, phục vụ phát triển quy mô vùng. Ở mức độ chi tiết, để quy hoạch lựa chọn địa điểm xây dựng các khu dân cư thì cần có bản đồ cảnh báo khu vực nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. Ông Cường cho rằng đồ án quy hoạch cần xây dựng các bản đồ nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tỉ lệ chi tiết từ 1/10.000 đến 1/5.000.
Lập tổ, đội xung kích, rà soát dòng chảy khi mưa lớn
GS-TS Đỗ Minh Đức, Trưởng Bộ môn Địa kỹ thuật và Phát triển hạ tầng, Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội, cho biết khi nghiên cứu 20 trận lũ bùn đá, lũ quét do nghẽn dòng, ông và cộng sự nhận thấy hậu quả thiệt hại rất nghiêm trọng.
Do đó, ông Đức đề nghị chú trọng rà soát thường xuyên hệ thống sông suối khi mưa lớn. "Kinh nghiệm này chúng tôi đã áp dụng tại miền Trung, bằng cách thành lập các tổ, đội xung kích. Khi mưa lớn thì họ chủ động rà soát tất cả dòng chảy. Khi phát hiện cây cối, đất đá lấp dòng chảy thì họ tổ chức khơi thông và cảnh báo đến người dân" - ông dẫn chứng.
Kinh nghiệm từ Nhật Bản, Trung Quốc
Trong việc ứng phó với sạt lở đất, Nhật Bản triển khai hệ thống cảnh báo sớm, có khả năng cảnh báo cho người dân trong phạm vi 10.000 m2. Nước này xây dựng mạng lưới cảm biến dày đặc để đo lượng mưa, độ ẩm và độ nghiêng của địa hình nhằm đánh giá sự dịch chuyển của đất.
Nhà chức trách Nhật Bản liên tục cập nhật bản đồ phân vùng nguy cơ sạt lở để phản ánh những thay đổi của môi trường và các hoạt động của con người. Bản đồ này được chia thành các ô lưới nhỏ, mỗi ô có thông tin về mức độ nguy cơ sạt lở.
Bên cạnh việc sử dụng công nghệ GIS (thông tin địa lý), DEM (mô hình số địa hình), Nhật Bản còn ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ LiDAR (dùng tia laser để tạo ra các mô hình 3D chi tiết về địa hình, giúp đánh giá độ dốc và các yếu tố liên quan sạt lở).
Phạm vi triển khai hệ thống cảnh báo thiên tai của Nhật Bản phủ rộng cả nước, tích hợp vào các cơ sở hạ tầng quan trọng (như đường sắt cao tốc, nhà máy điện hạt nhân, bệnh viện...) và điện thoại di động để cung cấp thông tin nhanh chóng.
Tại Trung Quốc, ngoài GIS và DEM, công nghệ viễn thám và hệ thống đo mưa cũng được sử dụng. Nước này có nhiều dụng cụ đo mưa khác nhau, bao gồm cảm biến đo mưa trong đất, giúp đánh giá độ ẩm và nguy cơ sạt lở.
Trung Quốc đã xây dựng được hệ thống cảnh báo sớm sạt lở đất khá hoàn thiện ở cấp quốc gia và tỉnh. Tại một số huyện miền núi, hệ thống này đã được triển khai. Mục tiêu sắp tới của Trung Quốc là triển khai hệ thống cảnh báo sớm tới cấp xã.
Huệ Bình
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 4-10
Bình luận (0)