Từ ngày 26-4 đến 2-5, đoàn công tác TP HCM thăm cán bộ, chiến sĩ (CB-CS) và nhân dân tại các đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 (Phúc Tần). Tham gia đoàn có Chuẩn Đô đốc Phạm Như Xuân, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân; ông Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM; ông Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP HCM; ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ TP HCM, cùng đại diện các đơn vị, cá nhân tiêu biểu của TP HCM…
Gần 42 tỉ đồng tặng quân dân Trường Sa, nhà giàn
Đoàn công tác đã đến thăm CB-CS ở các đảo Sinh Tồn, Cô Lin, Núi Le B, Tốc Tan C, Đá Tây B, thăm đảo Trường Sa Lớn và nhà giàn DK1. Đoàn công tác tổ chức giao lưu, biểu diễn văn nghệ phục vụ CB-CS và người dân trên các điểm đảo Trường Sa, nhà giàn DK1. Ở các điểm đảo, nhà giàn, đoàn công tác đã tới thăm các công trình văn hóa đa năng, thăm hỏi, tặng quà quân và dân trên các đảo và nhà giàn, động viên CB-CS và nhân dân vững vàng, hoàn thành tốt nhiệm vụ, bảo vệ vững chắc vùng biển, vùng trời Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng.
Theo ông Nguyễn Thành Trung, từ năm 2007 đến nay TP HCM đã tổ chức 17 đoàn đi thăm và tặng quà cho quân và dân Trường Sa, với hơn 2.000 lượt đại biểu có mặt trên các chuyến hải trình. Từ năm 2009, TP HCM đã thành lập Quỹ "Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc". Từ khi thành lập đến nay, quỹ đã tiếp nhận ủng hộ số tiền trên 525 tỉ đồng, qua đó đã kịp thời chăm lo số tiền 450 tỉ đồng với những công trình thiết thực, giúp CB-CS và người dân trên các đảo cải thiện điều kiện sinh hoạt và có cuộc sống vật chất đầy đủ hơn, cuộc sống tinh thần phong phú hơn…
Trong chuyến đi này, TP HCM đã ủng hộ chương trình "Xanh hóa Trường Sa" 30 tỉ đồng, trao tặng các vật dụng thiết yếu cho quân và dân trên đảo, nhà giàn như máy lọc nước, 32 bộ đèn năng lượng mặt trời, 6 vườn rau có mái che cùng máy lọc nước, bồn nước, quạt tích điện, máy tính, máy in…, trị giá hơn 11 tỉ đồng. Tổng kinh phí tổ chức chuyến công tác và quà tặng chăm lo cho CB-CS, nhân dân tại các đảo, nhà giàn DK1/17 gần 42 tỉ đồng.
Nghĩ về Trường Sa để sống tốt hơn
Qua chuyến đi, các thành viên đoàn công tác hiểu rõ hơn, cảm nhận sâu sắc về cuộc sống, sinh hoạt của CB-CS và nhân dân trên các đảo, nhà giàn; khâm phục tinh thần quả cảm, khắc phục khó khăn, tin tưởng vào ý chí và sự quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của CB-CS và nhân dân trên các đảo và nhà giàn, của ngư dân vững vàng vươn khơi bám biển.
Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Phước Lộc khẳng định: "Qua chuyến đi càng khẳng định sâu sắc ý chí bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, thấy rõ hơn tình cảm quân dân gắn bó, đoàn kết một lòng. Đảo là nhà, biển cả là quê hương. Hỗ trợ hết lòng với Trường Sa là trách nhiệm trong tất cả chúng ta, của Đảng bộ TP HCM cùng hệ thống chính trị và nhân dân thành phố".
Ông cũng cho rằng trong quá trình công tác, có lúc xao động nhưng ra với Trường Sa, cảm nhận rõ những gian khổ, hy sinh thì thấy những xao động đó không còn nghĩa lý gì nữa. Những lúc đó, hãy nghĩ về Trường Sa để có nguồn năng lượng tích cực, để công tác tốt hơn và thể hiện tình cảm, trách nhiệm cụ thể với Trường Sa. Ông bày tỏ mong muốn người dân và bộ đội trên đảo, trên nhà giàn có cuộc sống tốt hơn, vững tay súng bảo vệ Tổ quốc, sẵn sàng chiến đấu hy sinh và chiến đấu thắng lợi.
"Không đòi hỏi gì hơn nữa"
Chuyến công tác càng có ý nghĩa lớn khi cả nước đang hướng đến kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 49 năm Ngày giải phóng Trường Sa và kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7.5.1954 - 7.5.2024).
Đoàn đã tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng quần đảo Trường Sa (29.4.1975 - 29.4.2024), tổ chức chào cờ trên đảo Sinh Tồn, Trường Sa Lớn và trên con tàu KN 290 đưa đoàn đi về trong cuộc hải trình trong không khí trang nghiêm, xúc động, tự hào. Lễ truy điệu cũng được tổ chức trên tàu KN 290 tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma và chiến sĩ hy sinh bảo vệ nhà giàn DK1. Khi vòng hoa viếng hương linh anh hùng liệt sĩ cùng những cành hoa và hạc giấy trên tay thành viên trong đoàn được gửi về biển xanh, lòng ai cũng bồi hồi xúc động với niềm tiếc thương vô hạn những người đã hy sinh, nhiều người nằm lại dưới lòng biển sâu, với lời nhắn gửi: "Tạm biệt thủ trưởng, tạm biệt đồng đội, tạm biệt gia đình, chúng tôi đi" trước khi hy sinh…
Trở lại với những ký ức hào hùng, 3 thành viên trong đoàn là cựu binh trên con tàu Hải quân 505, những nhân chứng sống của cuộc hải chiến Gạc Ma 1988, nơi 64 CB-CS hy sinh. Nay các ông trở lại chiến trường xưa trong tình cảm sâu sắc và xúc động trào dâng. Ông Lê Tiến Dũng, một trong 3 cựu binh, tâm sự: "Được sống trở về, có cuộc sống bình yên, gia đình đầm ấm như hôm nay là hạnh phúc lớn lao, không cần đòi hỏi gì hơn nữa, bởi chúng tôi được quá nhiều, bởi bao người đã hy sinh xương máu, vĩnh viễn không về".
Theo Chuẩn Đô đốc Phạm Như Xuân, đây là chuyến đi đong đầy cảm xúc và tình cảm của quân và dân TP HCM với biển đảo và những người chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam, hướng tới kỷ niệm những sự kiện đặc biệt của đất nước.
Phát biểu tại nhà giàn DK1, Chuẩn Đô đốc Phạm Như Xuân cho rằng nhà giàn là sự khẳng định chủ quyền Việt Nam. Ông tin tưởng CB-CS luôn vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió, chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành nhiệm vụ Quân chủng Hải quân giao phó.
Trong chuyến công tác này, đoàn cũng tổ chức cho cha mẹ của 3 chiến sĩ trẻ phục vụ trên các đảo, là người TP HCM, ra thăm con. Những người lính trẻ luôn được lãnh đạo Vùng 2, Vùng 4 Hải quân và Chuẩn Đô đốc Phạm Như Xuân cùng Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Phước Lộc dành cho sự quan tâm sâu sắc. Các lãnh đạo đã tặng quà và ân cần thăm hỏi, dặn dò các chiến sĩ phấn đấu rèn luyện, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Bình luận (0)