Phóng viên: Luật Điện lực (sửa đổi) - hiệu lực thi hành từ ngày 1-2-2025 - có những điểm gì mới về điều hành giá điện, thưa ông?
- Ông TRẦN VIỆT HÒA, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công Thương: Chính sách giá điện tại Luật Điện lực (sửa đổi) đã thể chế hóa Nghị quyết 55-NQ/TW năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển năng lượng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thực hiện luật hóa việc điều hành giá điện, thông qua quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân từ "Quyết định của Thủ tướng Chính phủ" như Luật Điện lực hiện hành thành "Nghị định của Chính phủ" .
Luật Điện lực (sửa đổi) quy định giá bán lẻ điện được phản ánh, điều chỉnh kịp thời theo biến động thực tế của thông số đầu vào, bù đắp chi phí hợp lý, hợp lệ với lợi nhuận hợp lý để bảo toàn, phát triển vốn kinh doanh của doanh nghiệp, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội từng thời kỳ và cấp độ thị trường điện cạnh tranh; giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm tính linh hoạt trong thực thi.
Việc giao Chính phủ quy định như nêu trên vừa có thể đưa ra nguyên tắc điều chỉnh giá bán lẻ điện theo sát biến động thị trường vừa bảo đảm sự thống nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô (giá điện là một trong những yếu tố tác động đến kinh tế vĩ mô), cũng như các cân đối khác của nền kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, Nghị định của Chính phủ sẽ quy định cụ thể hơn về một số nội dung như: lợi nhuận hợp lý, thời gian điều chỉnh giá điện..., tạo cơ sở pháp lý để triển khai trong thực tế.
Lâu nay, nhiều người vẫn băn khoăn giá điện chỉ tăng mà không giảm. Với cơ chế điều hành giá mới theo Luật Điện lực (sửa đổi), giá điện có thể giảm hay không?
- Luật Điện lực hiện hành quy định giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước, phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực và cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân - được cụ thể hóa tại Quyết định 05/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (thay thế Quyết định 24/2017/QĐ-TTg).
Giá điện được xem xét điều chỉnh trên cơ sở biến động khách quan từ thông số đầu vào của các khâu trong chuỗi sản xuất - cung ứng điện, các chi phí khác chưa được tính vào giá điện và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu phục vụ trực tiếp việc sản xuất, cung ứng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Theo đó, khi giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên hoặc tăng từ 3% đến dưới 5% so với hiện hành thì EVN quyết định điều chỉnh; tăng từ 5% đến dưới 10% thì Bộ Công Thương có ý kiến để EVN thực hiện điều chỉnh; tăng từ 10% trở lên hoặc ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô thì Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến.
Với quy định mới được cụ thể hóa tại Luật Điện lực (sửa đổi) - giá bán lẻ điện được phản ánh điều chỉnh kịp thời theo biến động thực tế của thông số đầu vào..., chủ trương điều hành giá điện dần bám sát thị trường tiếp tục được khẳng định.
Như vậy, với quy định hiện hành, giá điện có thể tăng, có thể giảm, phụ thuộc biến động từ thông số đầu vào. Tuy nhiên, việc điều hành giá điện là một mắt xích trong tổng thể chung điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, có một số thời điểm, để bảo đảm kinh tế vĩ mô và các cân đối khác, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giữ ổn định giá điện, dẫn đến giá điện chưa phản ánh đầy đủ biến động của chi phí (có xu hướng tăng so với giai đoạn trước).
Với quy định mới được cụ thể hóa tại Luật Điện lực (sửa đổi) - giá bán lẻ điện được phản ánh, điều chỉnh kịp thời theo biến động thực tế của thông số đầu vào... - chủ trương điều hành giá điện dần bám sát thị trường tiếp tục được khẳng định.
Thời gian tới, Chính phủ sẽ ban hành nghị định để thay thế Quyết định 05/2024/QĐ-TTg về cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân nhằm nâng cao tính thực thi trong điều hành giá điện. Khi đó, sự biến động của thông số đầu vào - như giá nhiên liệu, cơ cấu sản lượng điện, tỉ giá ngoại tệ - sẽ tác động đến việc tăng, giảm của giá bán điện bình quân.
Thưa ông, để điều hành giá điện theo cơ chế thị trường, cần đẩy nhanh xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh?
- Xây dựng, phát triển thị trường điện cạnh tranh nói chung và thị trường bán lẻ điện cạnh tranh nói riêng là một trong những chính sách quan trọng của Đảng và Chính phủ.
Theo Quyết định 63/2013/QĐ-TTg, khi đáp ứng các điều kiện cần và đủ, Việt Nam đã và đang từng bước triển khai thị trường điện cạnh tranh theo từng cấp độ. Nước ta đang trong giai đoạn thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Để chuyển sang thị trường bán lẻ điện cạnh tranh là một quá trình phức tạp, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhiều mặt và đáp ứng đầy đủ các điều kiện tiên quyết.
Đến nay, dù thị trường phát điện và bán buôn điện cạnh tranh đã vận hành được hơn 12 năm nhưng mức độ cạnh tranh còn hạn chế. Để chuyển sang giai đoạn thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, cần phải xử lý được các vấn đề cốt lõi và quan trọng như: Tái cơ cấu ngành điện; cải cách giá bán lẻ điện (xóa bỏ bù chéo); tách bạch các khâu phân phối - bán lẻ và xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu vận hành.
Với Luật Điện lực (sửa đổi) vừa được thông qua, trong bối cảnh Việt Nam có thể đối mặt nguy cơ mất cân bằng cung cầu về điện những năm tiếp theo, lộ trình phát triển thị trường điện cạnh tranh nói chung và thị trường bán lẻ điện cạnh tranh nói riêng cần được rà soát, điều chỉnh phù hợp, bảo đảm khả thi và hiệu quả.
Một trong những bước tiến tới thị trường bán lẻ điện cạnh tranh là vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 80 về cơ chế mua điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn. Song thực tế, nhiều khách hàng vẫn chưa thể mua được điện trực tiếp?
- Cho phép khách hàng sử dụng điện lớn ký hợp đồng mua bán trực tiếp với các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo (cơ chế DPPA) là một bước khởi đầu mới và quan trọng tại Việt Nam.
DPPA được nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm, mong mỏi được Chính phủ ban hành sớm để thực hiện; tiềm năng, nhu cầu tham gia cơ chế này cũng lớn. Song, việc triển khai DPPA vẫn tồn tại một số thách thức như: Tính mới mẻ và sự cần thiết để thích nghi; các thỏa thuận, hợp đồng và chi phí; nguồn cung chưa đáp ứng ngay nhu cầu và khả năng tài chính.
Cục Điều tiết điện lực đã tham mưu cho Bộ Công Thương để quyết liệt chỉ đạo EVN, Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia (NSMO) cùng các đơn vị trực thuộc khẩn trương hoàn thành, công bố các nội dung liên quan. Đó là chi phí tham gia DPPA (sử dụng dịch vụ hệ thống điện, thanh toán bù trừ chênh lệch); sửa đổi, ban hành quy trình kinh doanh, quy trình nội bộ; xây dựng quy trình quản trị việc đăng ký tham gia cơ chế và hướng dẫn đơn vị thực hiện xác nhận, đối soát số liệu, tính toán thanh toán đối với sản lượng điện năng giao nhận…
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành kịp thời những quy định cần thiết khác để các đơn vị tham gia DPPA hiệu quả hơn. Để cơ chế này thực hiện thành công, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Rà soát, đề xuất điều chỉnh Quy hoạch điện VIII
Theo ông Trần Việt Hòa, nhu cầu mua điện xanh - sạch qua cơ chế DPPA đang tăng cao. Tuy nhiên, nguồn cung hiện tại lại chưa đáp ứng được do quy mô điện mặt trời mái nhà đã đạt đến giới hạn Quy hoạch điện VIII dành cho cơ chế điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (2.600 MW), trong khi các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn cần thời gian để triển khai.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc triển khai rà soát, đánh giá và đề xuất điều chỉnh Quy hoạch điện VIII. Việc này nhằm bổ sung kịp thời các mục tiêu phát triển về năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời mái nhà/áp mái, để tạo thêm tiềm năng tham gia DPPA, đặc biệt là cơ chế theo mô hình đường dây kết nối riêng.
Bình luận (0)