Định vị mới, hướng đi mới, động lực mới
Trả lời phỏng vấn báo chí nhân dịp này, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba cho biết đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ 3 của ông Tập Cận Bình kể từ sau khi kết thúc Đại hội lần thứ XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 11-2012) trên cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đây là chuyến thăm đáp lại chuyến thăm Trung Quốc năm ngoái của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; là chuyến thăm lẫn nhau lần thứ ba của Lãnh đạo cấp cao hai Đảng kể từ năm 2015.
Đại sứ nhấn mạnh kiên trì sự dẫn dắt chiến lược của lãnh đạo cấp cao nhất hai Đảng là ưu thế lớn nhất và đảm bảo căn bản đối với sự phát triển quan hệ Trung Quốc - Việt Nam.
Chuyến thăm diễn ra trong thời điểm "biến cục trăm năm chưa từng có" đang diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường. Trên thế giới, một số khu vực đang xảy ra chiến tranh và xung đột; tại khu vực Đông Á, hiện trạng hòa bình và phát triển đang duy trì như hiện nay là điều hết sức đáng quý.
Nhìn từ phương diện tình hình nội bộ của hai nước, hiện tại, công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa của hai nước đang bước vào hành trình mới và giai đoạn phát triển mới. Đại sứ tin rằng hai nhà lãnh đạo cấp cao nhất của hai Đảng có rất nhiều ý kiến muốn trao đổi với nhau về nội dung này.
Chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình là cơ hội rất quan trọng để lãnh đạo cấp cao hai bên duy trì và tăng cường trao đổi chiến lược cấp cao trong tình hình mới, dựa trên nền tảng vững chắc của quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - Việt Nam được tích lũy trong 15 năm, tiếp tục xác định vị thế mới của quan hệ song phương trong thời kỳ mới, xác định hướng đi mới cho sự phát triển tiếp theo, mở ra những triển vọng hợp tác mới giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực, đồng thời tạo ra động lực mới cho sự phát triển bền vững của quan hệ Trung - Việt. Nói một cách khái quát là định vị mới, hướng đi mới, động lực mới.
Những nội dung trao đổi và những thỏa thuận quan trọng sẽ được ký kết trong chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình
Đại sứ Hùng Ba cho biết trong chuyến thăm, hai bên sẽ thông báo cho nhau những tiến triển mới nhất trong công cuộc phát triển Đảng, Nhà nước của mỗi bên và đi sâu trao đổi làm sâu sắc, nâng tầm hơn nữa mối quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện của hai nước trong thời đại mới. Hai bên sẽ xác định rõ phương hướng phát triển của mối quan hệ hai nước trong tình hình mới.
Lãnh đạo cấp cao hai nước sẽ đi sâu trao đổi ý kiến về một loạt vấn đề quan trọng, như làm sâu sắc hơn nữa hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế thương mại, giao lưu nhân dân, tăng cường hợp tác ở các cơ chế đa phương.
Dự kiến, hai bên sẽ ký hàng chục văn kiện hợp tác quan trọng trong các lĩnh vực như hợp tác kênh Đảng, hợp tác giữa các cơ quan và địa phương, an ninh - quốc phòng, tư pháp, truyền thông, kết nối phát triển, kinh tế, thương mại và đầu tư, kinh tế số, phát triển xanh, xuất nhập khẩu hàng nông sản, thủy lợi, hợp tác trên biển...
Đồng thời, trong chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, lãnh đạo hai nước sẽ đi sâu trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm. Vì vậy, chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ góp phần quan trọng trong việc giữ vững hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực cũng như thế giới và chắc chắn sẽ nhận được sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng quốc tế.
Mối quan hệ hữu nghị nồng thắm giữa Tổng Bí thư Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tài sản chung quý báu
Đại sứ Hùng Ba nhấn mạnh kiên trì sự dẫn dắt chiến lược của lãnh đạo cấp cao nhất hai Đảng đối với sự phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước là ưu thế lớn nhất và sự đảm bảo căn bản nhất. Đó cũng là kinh nghiệm rất quan trọng trong việc duy trì đà tăng trưởng lành mạnh, ổn định, bền vững trong quan hệ hai nước những năm gần đây.
Mỗi lần trao đổi giữa Tổng Bí thư Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều là sự giao lưu tư tưởng, trao đổi chiến lược quan trọng giữa hai nhà chính trị, nhà lý luận, nhà chiến lược chủ nghĩa Marx vĩ đại đương đại và đều phát huy vai trò định hướng mang tính quyết định đối với sự phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước Trung Quốc và Việt Nam.
"Hai nước chúng ta thường xuyên nói là mối tình hữu nghị truyền thống giữa Trung Quốc và Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông xây dựng và vun đắp là tài sản chung quý báu của hai nước chúng ta. Tôi cho rằng, mối quan hệ hữu nghị nồng thắm giữa Tổng Bí thư Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tài sản chung quý báu của nhân dân hai nước. Hai bên đều rất mong chờ chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam lần này"- Đại sứ Hùng Ba nói.
Triển vọng quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc
Đại sứ Hùng Ba nhấn mạnh Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới. Trung Quốc đang tích cực mở rộng nhập khẩu nông sản, đặc biệt là trái cây, từ Việt Nam. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong 11 tháng năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đã tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số nhập siêu đã giảm 24,8 % so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong ASEAN, Việt Nam là nước duy nhất duy trì tăng trưởng trong xuất khẩu sang Trung Quốc. Trung Quốc là một trong số ít thị trường xuất khẩu của Việt Nam duy trì mức tăng trưởng dương.
Đại sứ cho biết Trung Quốc sẵn sàng mở rộng nhập khẩu hàng nông sản, đặc biệt là trái cây Việt Nam. Trong 3 quý năm nay, kim ngạch nhập khẩu hàng nông sản từ Việt Nam là tăng 160% so với cùng kỳ năm ngoái. 10 tháng của năm nay, kim ngạch nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam đạt 1,95 tỉ USD.
"Đầu năm, Việt Nam đặt ra mục tiêu xuất khẩu 1 tỉ USD sầu riêng sang Trung Quốc trong 2023, lúc đó tôi đã nói đến chắc chắn sẽ vượt qua con số này, thậm chí là gấp đôi và hiện tại đã gấp 2 lần, dù chưa hết năm. Gần đây, tôi gặp nhiều phái đoàn, du khách Trung Quốc sang thăm Việt Nam, họ đều nói rằng sầu riêng Việt Nam rất ngon, giá phù hợp và rất được ưa chuộng tại Trung Quốc"- lời Đại sứ.
Ngoài ra, dừa tươi của Việt Nam cũng rất có triển vọng. Trung Quốc đang đẩy nhanh các thủ tục cũng như tham vấn trình tự kiểm dịch dừa tươi. Tiềm năng của mặt hàng này rất lớn.
Đại sứ phân tích Trung Quốc và Việt Nam đều là những nền kinh tế đang phát triển và dựa vào xuất khẩu. Tỉ trọng xuất khẩu của Việt Nam, tính theo số liệu năm ngoái gần gấp đôi quy mô GDP. Vì vậy, đối với một nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam, việc có được môi trường thương mại quốc tế tự do rộng mở và ổn định hết sức quan trọng.
Bình luận (0)