icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Siết chặt quản lý khu bảo tồn biển

VÂN DU - DUY NHÂN

Tỉnh Cà Mau quyết định thành lập khu bảo tồn biển với tổng diện tích 27.000 ha. Trong khi đó, tỉnh Kiên Giang ban hành quy chế quản lý Khu Bảo tồn biển Phú Quốc với mong muốn thực hiện nhiệm vụ bảo tồn thiên nhiên, phục vụ phát triển du lịch

Trên vùng biển Cà Mau, số lượng các loài thủy sản đang suy giảm nghiêm trọng do nhiều nguyên nhân. Trong đó, việc người dân khai thác quá mức được xem là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.

Khai thác tận diệt

Cà Mau không chỉ có 3 mặt giáp biển mà còn sở hữu khu rừng ngập mặn nguyên sinh lớn thứ 2 thế giới và những cánh rừng tràm xanh bạt ngàn ở U Minh Hạ.

Trước sự khai thác quá mức của con người, nguồn lợi thủy sản tưởng chừng vô tận ở địa phương ngày càng suy giảm nghiêm trọng. Một số loài quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng do môi trường sống bị thu hẹp.

Ngư dân Nguyễn Văn Tình - ngụ huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau - cho biết từ nhỏ, ông đã theo người thân ra biển đánh bắt hải sản. "Những chuyến biển trước đây mang lại lợi nhuận cao vì thủy sản lúc đó rất nhiều và phong phú, tàu thuyền luôn đánh bắt đầy ắp cá tôm. Còn giờ thì lợi nhuận ngày càng ít vì chi phí tăng cao, cộng với số lượng thủy sản giảm mạnh do con người khai thác quá mức" - ông trăn trở.

Siết chặt quản lý khu bảo tồn biển- Ảnh 1.

Vùng biển thuộc cụm đảo Hòn Đá Bạc ở Cà Mau. Ảnh: VÂN DU

Môi trường sống bị thu hẹp và tác động của biến đổi khí hậu đã khiến nhiều loài thủy sản quý hiếm đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Nhiều người dân và chuyên gia có tâm huyết với Cà Mau mong muốn các ngành chức năng sớm đưa ra những giải pháp mang tính căn cơ, lâu dài để góp phần bảo vệ nguồn lợi mà thiên nhiên đã ban tặng vùng đất cực Nam của Tổ quốc.

Tại tỉnh Kiên Giang, Khu Bảo tồn biển Phú Quốc là một ngư trường giàu có với vùng biển rộng hơn 40 ha thuộc Vườn Quốc gia (VQG) Phú Quốc. Ngoài 3 phân khu: Khu bảo vệ nghiêm ngặt, khu phục hồi sinh thái và khu dịch vụ - hành chính, khu vực này còn được thiết lập vùng đệm để hạn chế tác động trực tiếp của các hoạt động kinh tế - xã hội từ bên ngoài đối với nơi bảo tồn san hô và thảm cỏ biển.

Trong đó, khu vực bảo tồn rạn san hô có diện tích 9.720 ha, thuộc cụm đảo Hòn Thơm. Khu vực bảo tồn cỏ biển rộng 6.825 ha, nằm trên địa bàn từ xã Bãi Thơm đến xã Hàm Ninh. Vùng phát triển biển rộng 10.000 ha, với nhiều loài cá có giá trị thương mại cao và một số loài động vật thân mềm quý hiếm.

Không chỉ có vai trò quan trọng trong việc phục hồi, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, Khu Bảo tồn biển Phú Quốc còn là nơi nghiên cứu khoa học, giáo dục cộng đồng kết hợp giải trí, du lịch sinh thái... Tuy nhiên, thời gian qua, Khu Bảo tồn biển Phú Quốc đối mặt nhiều thách thức, đòi hỏi các ngành chức năng cần tăng cường những giải pháp hiệu quả hơn để bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo.

Cụ thể, tình trạng ô nhiễm môi trường; hoạt động san lấp, lấn biển để xây dựng các khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, khách sạn, âu tàu diễn biến hết sức phức tạp. Cùng với đó là tình trạng sử dụng hóa chất, chất nổ, xung điện, phương tiện, ngư cụ khai thác có tính tận diệt để đánh bắt thủy sản vẫn còn diễn ra, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo tồn biển.

Tăng cường tuyên truyền

Trước thực trạng trên, VQG Phú Quốc đã kiến nghị ngành chức năng tỉnh Kiên Giang tiến hành rà soát, đánh giá tác động của các dự án phát triển du lịch, khu nghỉ dưỡng, khu đô thị lấn biển, khu đô thị ven biển... đến khu bảo tồn biển để có giải pháp xử lý.

VQG Phú Quốc cũng kiến nghị kiểm tra, xử lý các cơ sở nuôi trồng, mua bán, chế biến thủy sản; các cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ có nguồn gốc thủy sản nguy cấp, quý hiếm bị nghiêm cấm khai thác; các đơn vị tổ chức du lịch, khai thác san hô, cỏ biển, khai thác và nuôi trồng thủy sản trái phép trong Khu Bảo tồn biển Phú Quốc.

Siết chặt quản lý khu bảo tồn biển- Ảnh 2.

Khu Bảo tồn biển Phú Quốc có vai trò rất quan trọng đối với hệ sinh thái biển của “đảo ngọc”. Ảnh: DUY NHÂN

Thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành quy chế quản lý Khu Bảo tồn biển Phú Quốc. Với quy chế này, địa phương mong muốn thực hiện nhiệm vụ bảo tồn thiên nhiên ở Khu Bảo tồn biển Phú Quốc và phục vụ phát triển du lịch.

Theo đó, UBND tỉnh Kiên Giang giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực thủy sản tại Khu Bảo tồn biển Phú Quốc. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về các loài thủy sản bị cấm khai thác, cấm khai thác có thời hạn; về phương pháp khai thác, nghề, phương tiện, mùa vụ, khu vực khai thác để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản...

Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng vừa ký quyết định thành lập khu bảo tồn biển với tổng diện tích 27.000 ha. Khu Bảo tồn biển tỉnh Cà Mau là vùng biển xung quanh các cụm đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc.

Cà Mau đặt mục tiêu bảo vệ và bảo tồn nguồn lợi thủy sản và các loài sinh vật biển, loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Song song đó, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học biển gắn với phát triển du lịch sinh thái bền vững cũng như giảm thiểu hoặc loại bỏ những tác động làm suy giảm chất lượng môi trường.

Theo quyết định nêu trên, Cà Mau sẽ bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên đặc thù quan trọng, như: rạn san hô đảo Hòn Chuối; cảnh quan thiên nhiên độc đáo ở cụm đảo Hòn Khoai, Hòn Đá Bạc. Quần thể các loài sinh vật đặc hữu có giá trị bảo tồn tiêu biểu - như: thằn lằn đuôi vàng, đại bàng biển bụng trắng, sóc bông Hòn Khoai, trai ngọc nữ… - cũng sẽ được phục hồi và phát triển.

Lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau lưu ý ngành chức năng địa phương tạo điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học, sinh viên, người yêu thiên nhiên trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu tại khu bảo tồn biển.

Để đạt mục tiêu đề ra, Cà Mau sẽ thả phao ranh giới ở các phân khu chức năng; tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học tại khu bảo tồn biển tỉnh… Bên cạnh việc thả rạn nhân tạo làm nơi trú ẩn, sinh trưởng cho các loài thủy sản, ngành chức năng còn hỗ trợ tái định cư và chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp kết hợp mô hình phát triển du lịch sinh thái cho cộng đồng dân cư sinh sống trong Khu Bảo tồn biển tỉnh Cà Mau.

Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, cho biết ngoài mục đích bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học, sinh thái san hô đặc thù tại các cụm đảo, việc thiết lập và quản lý hiệu quả khu bảo tồn biển còn góp phần quan trọng nhằm phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản. Khu Bảo tồn biển tỉnh Cà Mau được thành lập không chỉ góp phần bảo đảm cân bằng sinh thái cho toàn vùng biển liên quan, bảo vệ đa dạng sinh học… mà còn mang ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế.

"Đây là nền tảng để Cà Mau thực hiện việc quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo một cách thống nhất, hiệu quả và bền vững" - ông Vũ nhấn mạnh. 

Xử lý nghiêm hành vi vi phạm

Theo ông Phan Hoàng Vũ, Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau đang gặp một số khó khăn như: nguồn nhân lực tham gia thành lập, xây dựng khu bảo tồn biển quá ít và thiếu kinh nghiệm; các đảo cách xa đất liền, bất tiện khi điều tra, khảo sát…

Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau kiến nghị ngành chức năng ưu tiên bố trí kinh phí, nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất… để đơn vị thực hiện tốt việc quản lý khu bảo tồn biển. Trước mắt, sở sẽ chỉ đạo Chi cục Kiểm ngư lập kế hoạch tuần tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong Khu Bảo tồn biển tỉnh Cà Mau.


ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Siết chặt quản lý khu bảo tồn biển- Ảnh 3.

Siết chặt quản lý khu bảo tồn biển- Ảnh 4.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo