Bão Beryl đã mạnh lên thành siêu bão cấp 5 khi nó quét qua vùng Caribe. Trước đó, cơn bão này tàn phá quần đảo Windward, nơi ít nhất một người thiệt mạng.
Theo Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ (NHC), đây là lần thứ hai một cơn bão Đại Tây Dương đạt đến cấp độ 5 vào tháng 7. Cơn bão đạt cấp độ 5 đầu tiên vào tháng 7 là Emily, được ghi nhận vào ngày 17-7-2005.
NHC cho biết sức gió tối đa của Beryl đã tăng lên gần 260 km/giờ, với gió giật mạnh hơn. Sức mạnh của cơn bão có thể dao động trong ngày 3-7 nhưng vẫn là bão lớn khi nó di chuyển vào trung tâm Caribbean và đi qua gần Jamaica.
Dữ liệu của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) từ năm 1851 cho thấy Beryl là cơn bão mạnh nhất từng đi qua chuỗi đảo Grenadines. Thủ tướng Grenada Dickon Mitchell nói tại cuộc họp báo hôm 1-7: "Có nhiều báo cáo về sự tàn phá ở Carriacou và Petite Martinique. Trong nửa giờ, Carriacou đã bị san phẳng". Chưa có báo cáo về trường hợp tử vong hoặc bị thương ở Grenada.
Trong khi đó, Thủ tướng Ralph Gonsalves thông báo vào tối 1-7 rằng ít nhất một trường hợp tử vong đã được báo cáo ở St. Vincent và Grenadines. Hàng trăm ngôi nhà đã bị hư hại và số trường hợp tử vong có thể nhiều hơn. Nhiều khu vực ở St. Vincent và Grenadines không có điện hoặc nước kể từ tối 1-7.
"Bão Beryl để lại sự tàn phá, đau đớn, đau khổ to lớn trên khắp đất nước chúng ta. Đảo Union, ngay phía Bắc Grenada, bị tàn phá. Khoảng 90% ngôi nhà đã bị hư hại hoặc phá hủy nghiêm trọng" - ông Gonsalves nói.
Thư ký báo chí văn phòng thủ tướng, Neila K. Ettienne, cho biết tại Grenada, khoảng 95% hòn đảo bị mất điện do bão Beryl. Dịch vụ viễn thông trên khắp Grenada không hoạt động và một số cá nhân bị mất dịch vụ internet. Tất cả trường học và cơ sở kinh doanh đều đóng cửa, bao gồm cả sân bay.
Sự xuất hiện của Beryl đánh dấu sự khởi đầu đặc biệt sớm của mùa bão Đại Tây Dương. Theo đài CNN, nước biển ấm bất thường đã tạo điều kiện cho bão Beryl mạnh lên một cách đáng báo động. Đây cũng là dấu hiệu rõ ràng cho thấy mùa bão năm nay sẽ khác xa mức bình thường trong một thế giới đang nóng lên do ô nhiễm nhiên liệu hóa thạch.
Chuyên gia về bão và cố vấn khoa học tại tổ chức phi lợi nhuận First Street Foundation, Jim Kossin, nhận định bão Beryl đang phá kỷ lục vì hiện tại, đại dương đã ấm hơn bình thường vào thời điểm cao điểm của mùa bão.
"Bão không biết bây giờ là tháng mấy mà chúng chỉ biết môi trường xung quanh như thế nào. Beryl đang phá kỷ lục trong tháng 6 vì Beryl nghĩ rằng đó là tháng 9. Sức nóng đại dương thúc đẩy sự tăng cường chưa từng có của Beryl. Chắc chắn là có cả dấu tay của con người" - chuyên gia Kossin nói với CNN.
Bình luận (0)