Theo quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn 2060, TP HCM dự kiến phát triển mạng lưới metro gồm 10 tuyến, tổng chiều dài 510 km.
Trong đề án metro tổng thể, thành phố đặt mục tiêu hoàn thành 7 tuyến với tổng chiều dài 355 km vào năm 2035, đáp ứng 40-50% nhu cầu đi lại của người dân.
PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM, cho biết năm 2025, trường sẽ mở thêm các chương trình đào tạo liên ngành nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các dự án lớn như hệ thống metro, sân bay quốc tế Long Thành và đường sắt cao tốc. Các ngành mới tập trung vào năng lượng tái tạo, điện hạt nhân và logistics, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.
Nhiều trường đại học tại TP HCM đã và đang đào tạo nhân lực chuyên ngành liên quan đến metro.
Trường ĐH Giao thông vận tải TP HCM từ năm 2008 đã triển khai đào tạo các chuyên ngành xây dựng đường sắt - metro và xây dựng công trình giao thông đô thị, với 30 sinh viên tốt nghiệp mỗi năm. Các kỹ sư sau khi tốt nghiệp có thể tham gia thiết kế, thi công, giám sát và quản lý dự án xây dựng metro cũng như thực hiện công tác bảo dưỡng, sửa chữa hạ tầng kỹ thuật khi hệ thống đi vào vận hành.
Ngoài ra, chuyên ngành hệ thống điện giao thông thuộc ngành kỹ thuật điện được mở từ năm 2018, mỗi lớp có gần 40 sinh viên. Sinh viên tốt nghiệp có thể lắp đặt hệ thống điện metro và vận hành khi đi vào hoạt động. Trường còn có các ngành kinh tế vận tải, kinh tế xây dựng, quản lý dự án và công nghệ thông tin, cung cấp nhân lực quản lý xây dựng và vận hành hệ thống đường sắt đô thị.
Phân hiệu Trường Đại học Giao thông vận tải tại TP HCM cũng góp phần đào tạo chuyên ngành đường hầm và metro thuộc ngành kỹ thuật công trình giao thông. Bên cạnh đó, sinh viên tốt nghiệp các ngành giao thông thông minh, trang thiết bị điện tại khoa Điện - Điện tử cũng được trang bị kiến thức để tham gia vận hành hệ thống metro.
Ở khu vực phía Bắc, Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải đào tạo ngành công nghệ kỹ thuật xây dựng đường sắt và metro, bổ sung nhân lực cho các dự án đường sắt đô thị tại Việt Nam.
Hệ thống metro không chỉ cần nhân lực từ các ngành kỹ thuật mà còn đòi hỏi sự tham gia của nhiều lĩnh vực khác nhau trong quá trình vận hành. Các công việc liên quan đến tàu như lái tàu, điều động, soát vé tự động và dịch vụ khách hàng cần nhân sự từ lĩnh vực logistics, dịch vụ và quản trị nhân lực.
Công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng trong quản lý hệ thống vé, điều hành và an toàn. Ngoài ra, nhân lực tài chính, kế toán, kiểm toán cũng cần thiết để đảm bảo hoạt động của hệ thống được vận hành hiệu quả.
Bình luận (0)