Lê Ngọc Phương Thúy (SN 2000), cựu sinh viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng (quận 1, TP HCM), vừa tốt nghiệp liên thông đại học (ĐH) tại Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP HCM loại xuất sắc. Sau khi tốt nghiệp, tân cử nhân quay về trường cao đẳng (CĐ) xin làm giảng viên khoa cơ khí.
Con đường trở thành nữ giảng viên cơ khí
Sau khi tốt nghiệp lớp 12, Thúy có ý định đi làm thêm thay vì tiếp tục phấn đấu vào giảng đường ĐH. Thúy cho biết quãng đường từ tỉnh Long An đến TP HCM không phải là quá xa, song vấn đề học phí khiến cô ngần ngại.
"Em không có bất kỳ kiến thức gì về kỹ thuật, cũng không tìm được ngành yêu thích. Chính chị gái là người định hướng vào Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng để em không dang dở việc học" - Thúy bộc bạch.
Giai đoạn đầu, nữ sinh kỹ thuật này vật vã với những khái niệm về cơ khí. Sang học kỳ II, việc học bắt đầu thuận lợi hơn, Thúy thường xuyên đặt câu hỏi về nguyên lý hoạt động với giảng viên, tự tin phát biểu nhiều hơn; là một trong những sinh viên có thành tích nổi trội của khoa.
Tình yêu với cơ khí bắt đầu lớn dần, cột mốc quan trọng khiến Thúy xác định được ngành yêu thích của mình là vào học kỳ V. "Cả lớp làm bài tập nhóm chung, có rất nhiều vấn đề cần thảo luận. Khi có ai thắc mắc về một vấn đề gì đó, em rất thoải mái và tự tin giải thích. Bất chợt, em nhận ra mình phù hợp với ngành sư phạm" - cô nhớ lại.
Tốt nghiệp CĐ, Thúy dành khoảng 1 năm làm việc tại doanh nghiệp. Đây là giai đoạn "cày" để dành tiền đóng học phí ĐH, cũng là cơ hội để Thúy trau dồi những kinh nghiệm thực tiễn.
Thầy Nguyễn Đức Tài, giảng viên Khoa Cơ khí - Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, cho biết nữ sinh học khối ngành kỹ thuật rất hiếm. Trong lớp thầy chủ nhiệm khi đó chỉ có 3 nữ sinh và Thúy là người năng động, tích cực nhất.
"Nhận tấm bằng tốt nghiệp loại xuất sắc tại Trường ĐH Bách khoa, Thúy hoàn toàn có thể xin việc làm ở những doanh nghiệp tốt hơn. Thế nhưng, Thúy đã chọn quay về trường để giảng dạy. Đây là điều rất quý!" - thầy Tài nhìn nhận.
Có lần thầy Tài đang đứng lớp, Thúy bẽn lẽn vào xin dạy thử. "Tôi bất ngờ vì sự chủ động của Thúy. Tôi vui vì cô học trò năm xưa nay đã trưởng thành và có nhiều ý chí cầu tiến trong công việc. Sau khi hoàn thành tiết dạy, Thúy đến xin ý kiến đánh giá, chăm chú ghi chép lại rất cẩn thận" - thầy Tài cho hay.
Nhìn những sinh viên đang say sưa thực hành, thỉnh thoảng chạy đến gọi "Cô ơi, máy này khởi động làm sao?", Thúy ngầm hiểu con đường học vấn đã khiến bản thân cô thay đổi rất nhiều.
Mong muốn "nâng cấp" bản thân
Nguyễn Đăng Khoa - SN 2000, cựu sinh viên ngành logistics Trường CĐ Kinh tế TP HCM - đã hoàn thành chương trình liên thông ĐH ở ĐH Kinh tế TP HCM, tốt nghiệp loại xuất sắc. Mục tiêu tiếp theo của Khoa là chinh phục Trường ĐH Ngoại thương cơ sở II - TP HCM ở ngành ngôn ngữ Anh.
Khoa tâm sự giai đoạn đầu theo học CĐ không được gia đình đồng ý, nhất là khi có mẹ làm giáo viên. Anh cũng buồn nhưng cố gắng động viên bản thân phải học tập thật tốt để gia đình vui. Năm 2022, Khoa tốt nghiệp CĐ và bắt đầu nộp đơn xin việc. Anh tự hào khi tìm được công việc quản lý kho tại một công ty thép, mức lương khởi điểm 9 triệu đồng/tháng.
Chia sẻ về lý do quyết định học liên thông lên ĐH, Khoa gải thích: "Ban ngày đi làm, tối về lại "ôm" điện thoại chơi đến khuya, tự nhiên em cảm thấy mình còn quá nhiều thời gian "chết". Vậy nên, em muốn tiếp tục đi học để "nâng cấp" bản thân".
Chỉ tay về tấm bằng tốt nghiệp ĐH loại xuất sắc, Khoa hào hứng: "Bây giờ em có thể tự tin với mọi người vì đã phấn đấu học tốt hơn. Học CĐ là bước đệm vững chắc cho tương lai. Gia đình cũng rất vui khi thấy em đạt được những thành tích tốt trong học tập".
Ước mơ của chàng trai 24 tuổi là phấn đấu du học nước ngoài hoặc có cơ hội làm việc, học tập tại các quốc gia phát triển mạnh về logistics, sau đó quay về Việt Nam làm việc.
Nhiều sinh viên tốt nghiệp cao đẳng tiếp tục học liên thông
ThS Trần Văn Tú, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế TP HCM, cho biết trong đợt tốt nghiệp vừa rồi, nhà trường trao bằng cho 1.331 sinh viên. Trong đó, 30 sinh viên đạt loại xuất sắc, 191 người tốt nghiệp loại giỏi, 80 người xuất sắc trong phong trào và công tác lớp.
Sau khi tốt nghiệp, khoảng 50% sinh viên tiếp tục học liên thông lên ĐH. Trong đó, học liên thông tại ĐH Kinh tế TP HCM chiếm số lượng đông nhất, khoảng 40%.
Theo TS Lê Đình Kha, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, mỗi năm, trường có khoảng 15% sinh viên học liên thông ĐH. Trong đó, chủ yếu sinh viên học liên thông lên Trường ĐH Bách khoa và Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM.
"Sau khi sinh viên đi làm, tỉ lệ học liên thông lên ĐH tiếp tục tăng. Nhà trường luôn theo dõi và hỗ trợ sinh viên ra trường trong suốt 3 năm sau khi tốt nghiệp để bảo đảm họ tìm được công việc tốt" - TS Lê Đình Kha nhấn mạnh.
Bình luận (0)