Iran đã tiến hành cuộc tấn công có quy mô lớn nhất từ trước đến nay vào Israel, phóng khoảng 200 tên lửa đạn đạo hôm 1-10. Tehran tuyên bố 90% số tên lửa được bắn đi đều trúng mục tiêu, trong khi Israel tuyên bố phần lớn trong số đó bị Tel Aviv cùng đồng minh Mỹ và Jordan bắn hạ.
Cuộc không kích của Iran lần này được đánh giá là nghiêm trọng hơn nhiều so hồi tháng 4, làm gia tăng rủi ro đáng kể vào thời điểm căng thẳng leo thang khắp Trung Đông.
Sau đây là cái nhìn về năng lực tên lửa đạn đạo của Iran và các hệ thống phòng thủ được Israel và các lực lượng khác trong khu vực sử dụng.
Tên lửa của Iran
Theo báo cáo năm 2021 của Dự án Mối đe dọa tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), Iran có hàng ngàn tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình với nhiều tầm bắn khác nhau.
Số lượng chính xác từng loại tên lửa của Tehran vẫn chưa được rõ. Nhưng Tướng Không quân Kenneth McKenzie đã báo cáo trước quốc hội Mỹ vào năm 2023 rằng Iran có hơn 3.000 tên lửa đạn đạo.
Quỹ đạo của tên lửa đạn đạo đưa chúng ra ngoài hoặc gần ranh giới bầu khí quyển của Trái đất, trước khi đầu đạn tách khỏi tên lửa và lao trở lại bầu khí quyển và hướng tới mục tiêu.
Các chuyên gia vũ khí đã phân tích các video được chia sẻ trên mạng xã hội từ hiện trường cho thấy Iran đã sử dụng các biến thể của tên lửa đạn đạo Shahab-3 trong cuộc tấn công mới nhất vào Israel.
Chuyên gia Patrick Senft tại Armament Research Services (ARES) cho biết Shahab-3 là nền tảng cho tất cả tên lửa đạn đạo tầm trung sử dụng nhiên liệu lỏng của Iran. Ông cũng nhấn mạnh Shahab-3 là "tên lửa đạn đạo đầu tiên của Iran có thể vươn tới Israel".
Dự án Mối đe dọa tên lửa cho biết Shahab-3 được đưa vào sử dụng năm 2003, có thể mang đầu đạn nặng từ 760 - 1.200 kg và có thể được bắn từ các bệ phóng di động cũng như hầm phóng.
Iran Watch cho biết các biến thể mới nhất của Shahab-3, tên lửa Ghadr và Emad, có độ chính xác lên tới gần 300 m so với mục tiêu dự định.
Truyền thông Iran đưa tin rằng Tehran đã sử dụng tên lửa mới Fattah-1 trong các cuộc tấn công. Tehran mô tả Fattah-1 là một tên lửa "siêu vượt âm" với tốc độ bay gấp 5 lần âm thanh và có tầm bắn 1.400 km.
Iran còn tuyên bố tên lửa của nước này có thể xuyên thủng mọi lá chắn phòng không trong khu vực, kể cả các hệ thống của Mỹ và Vòm sắt của Israel.
Các nhà phân tích chỉ ra rằng hầu hết tên lửa đạn đạo đều đạt tốc độ siêu thanh trong khi bay, đặc biệt là khi chúng lao về phía mục tiêu.
Hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel
Israel vận hành một loạt hệ thống để ngăn chặn các cuộc tấn công từ tên lửa đạn đạo có quỹ đạo bay ra khỏi bầu khí quyển cho đến tên lửa hành trình và tên lửa bay thấp.
Vòm sắt: Hệ thống phòng không tầm ngắn "Vòm sắt" được xây dựng để đánh chặn loại tên lửa của đối phương.
Phiên bản Vòm sắt dành cho hải quân nhằm bảo vệ tàu thuyền và tài sản trên biển được triển khai vào năm 2017.
Hệ thống này xác định xem tên lửa có đang hướng đến khu vực đông dân cư hay không để đưa ra phản ứng.
Hệ thống Vòm sắt ban đầu được tuyên bố có khả năng bảo vệ khu vực có quy mô thành phố khỏi các tên lửa có tầm bắn từ 4-70 km nhưng hiện đã được nâng cấp.
Arrow: Các tên lửa đánh chặn tầm xa Arrow-2 và Arrow-3 được thiết kế để tiêu diệt các mối đe dọa trên không. Chúng được Israel phát triển nhằm đối phó với mối đe dọa từ tên lửa của Iran.
Tên lửa Arrow hoạt động ở độ cao cho phép phân tán an toàn bất kỳ đầu đạn nào.
David's Sling: Hệ thống tên lửa phòng không tầm trung David's Sling được thiết kế để bắn hạ tên lửa đạn đạo phóng từ khoảng cách 100-200 km.
Hệ thống phòng thủ bằng laser: Để bắn hạ các mối đe dọa, hệ thống đánh chặn của Israel phải tiêu tốn hàng chục ngàn đến hàng triệu USD.
Tuy nhiên, Israel đang phát triển một hệ thống mới dựa trên tia laser để vô hiệu hóa tên lửa và UAV của đối phương với chi phí ước tính chỉ 2 USD cho mỗi lần đánh chặn.
Ngoài hệ thống phòng không nhiều lớp này, Israel còn có sự hỗ trợ tích cực của các đồng minh như Mỹ, Anh…
Bình luận (0)