Sản phẩm này "đỉnh" đến mức gã khổng lồ công nghệ Mỹ không có ý định tích hợp nó vào sản phẩm hoặc mở rộng quyền truy cập của công chúng, do lo ngại nguy cơ tiềm ẩn về việc sử dụng cho mục đích xấu.
Công cụ có tên VALL-E 2, giúp chuyển văn bản thành giọng nói hoặc bắt chước giọng nói chỉ dựa trên vài giây âm thanh. Hệ thống được đào tạo để nhận dạng các khái niệm mà không cần cung cấp bất kỳ ví dụ nào về các khái niệm đó.
"VALL-E 2 là robot đầu tiên đạt được "sự tương đương với con người", nghĩa là nó đáp ứng hoặc vượt qua các tiêu chuẩn về độ giống con người" - Microsoft tuyên bố.
VALL-E 2 kế thừa hệ thống VALL-E ban đầu được công bố vào tháng 1-2023.
"VALL-E 2 có thể tạo ra giọng nói chính xác, tự nhiên theo đúng giọng của người nói gốc" - các nhà phát triển tại Microsoft Research quả quyết và cho biết công cụ này có thể tổng hợp các câu phức tạp.
Sở dĩ VALL-E 2 này có khả năng "như con người" nhờ tích hợp hai tính năng chính, gồm tính năng lấy mẫu có nhận thức về sự lặp lại và mô hình mã hóa theo nhóm.
Trong đó, tính năng lấy mẫu có nhận thức về sự lặp lại giúp giải quyết được các lần lặp lại của các đơn vị ngôn ngữ nhỏ như từ hoặc thành phần của từ; ngăn chặn các vòng lặp vô hạn của âm thanh hoặc cụm từ trong quá trình giải mã.
Còn mô hình mã nhóm giúp cải thiện hiệu quả bằng cách giảm độ dài chuỗi hoặc số lượng mã thông báo riêng lẻ, mà mô hình xử lý trong một chuỗi đầu vào duy nhất. Qua đó, có thể tạo ra giọng nói và giúp quản lý những khó khăn với việc xử lý chuỗi âm thanh dài.
Các thí nghiệm được tiến hành trên các tập dữ liệu LibriSpeech và VCTK đã chỉ ra rằng VALL-E 2 vượt trội hơn các hệ thống TTS zero-shot trước đây về độ mạnh mẽ của giọng nói, độ tự nhiên và độ tương đồng của người nói.
Các nhà nghiên cứu cho rằng rằng chất lượng đầu ra của VALL-E 2 phụ thuộc vào độ dài và chất lượng của lời nói cũng như các yếu tố môi trường, như tiếng ồn xung quanh.
Các nhà nghiên cứu nhận định trong tương lai, VALL-E 2 có thể tổng hợp giọng nói, duy trì được danh tính của người nói. Hơn nữa, nó có thể được sử dụng cho mục đích học tập, giáo dục, giải trí, báo chí, nội dung tự biên soạn, tính năng trợ năng, hệ thống phản hồi bằng giọng nói tương tác, dịch thuật, chatbot…
Bình luận (0)