Tỉnh ủy Sóc Trăng vừa tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW (gọi tắt là Chỉ thị 40) của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Văn Lâu – Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng – nhấn mạnh rằng thực hiện Chỉ thị 40 và Kết luận số 06-KL/TW, ngày 10-6-2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 40, tỉnh Sóc Trăng đã tích cực chủ động triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp phù hợp trong từng giai đoạn về hoạt động tín dụng chính sách xã hội, qua đó góp phần quan trọng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, để tiếp tục phát huy kết quả đạt được trong việc thực hiện Chỉ thị 40 thì Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Sóc Trăng cần tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về chương trình chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội, trong đó có tín dụng chính sách xã hội; tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt và tuyên truyền Chỉ thị 40.
Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan chức năng liên quan cần tăng cường chỉ đạo, triển khai việc kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện tín dụng chính sách đảm bảo tính công khai, minh bạch, đúng đối tượng thụ hưởng, đúng mục đích sử dụng.
Tại hội nghị, tỉnh Sóc Trăng đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị như: Kiến nghị Chính phủ cho phép hộ gia đình được hưởng thụ chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo kéo dài thời gian tối đa là 5 năm và kéo dài thời gian vay vốn tối đa là 10 năm để phù hợp với chu kỳ sản xuất, kinh doanh của các loại cây trồng lâu năm, vật nuôi có thời gian sinh trưởng dài.
Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ cơ chế, chính sách bổ sung chế độ chi phụ cấp cho Trưởng thôn khi tham gia quản lý tín dụng chính sách xã hội.
Đối với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, tiếp tục thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, nâng cao vai trò giám sát với cơ quan quản lý nhà nước; có hình thức thích hợp để nhân dân tham gia giám sát hoạt động tín dụng chính sách.
Đối với Ngân hàng Chính sách xã hội, đề nghị quan tâm, bổ sung nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách cho tỉnh Sóc Trăng hằng năm tăng trưởng từ 10-15%, trong đó ưu tiên bố trí nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm để giải quyết việc làm cho lao động tại tỉnh và nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội để chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển các khu công nghiệp, giải quyết nhu cầu chính đáng về nhà ở xã hội cho người lao động.
đề nghị Trung ương xem xét, ban hành nghị quyết về tín dụng chính sách xã hội trong tình hình mới; ban hành chính sách tín dụng đối với hộ có mức sống trung bình; hộ sinh sống tại các xã đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Kiến nghị bổ sung nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách cho tỉnh Sóc Trăng hằng năm tăng trưởng 10-15%.
Dịp này, hội nghị đã trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho 10 tập thể và 30 cá nhân; trao giấy khen của Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Trung ương cho 9 tập thể và 12 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 40.
Bình luận (0)