Ngã Năm nằm ở phía Tây, thuộc vùng trũng của tỉnh Sóc Trăng. Toàn thị xã có 3 phường và 5 xã, 61 ấp/khóm với tổng số hộ dân là 20.511 hộ với 88.227 nhân khẩu. Tổng số hộ nghèo theo chuẩn nghèo là 280 hộ, chiếm tỷ lệ 1,4% số hộ trên địa bàn; số hộ cận nghèo là 1.987 hộ, chiếm tỷ lệ 9,7%.
Trên địa bàn thị xã có hệ thống giao thông thủy bộ kết nối thuận lợi với các trung tâm đô thị trong vùng, đặc biệt là tuyến giao thông đường thủy, bộ quốc gia như kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp, Quốc lộ Quản Lộ - Phụng Hiệp, riêng đường thủy nội địa thị trấn Ngã Năm nằm ngay tâm điểm của 5 nhánh sông tỏa đi khắp nơi trong, ngoài tỉnh như: Hậu Giang, Thành phố Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và các huyện của tỉnh Sóc Trăng… là điều kiện thuận lợi cho thị xã Ngã Năm đẩy mạnh giao thương, thúc đẩy phát triển sản xuất một cách toàn diện nền kinh tế trong thời gian tới.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng xác định thị xã Ngã Năm là trọng điểm kinh tế phía Tây của tỉnh Sóc Trăng. Với vị trí địa lý nêu trên, Ngã Năm hoàn toàn có cơ hội để tập trung đẩy mạnh phát triển thương mại, du lịch, công nghiệp nhỏ và vừa, sản xuất nông nghiệp sinh thái đô thị. Tuy nhiên, đời sống của các hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách còn gặp nhiều khó khăn, thiếu vốn để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh còn nhiều.
Để triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; Thị ủy Ngã Năm đã ban hành Chỉ thị số 27-CT/TU ngày 19/03/20215, và tiếp tục ban hành Chỉ thị số 03-CT/TU ngày 28/01/2021 của Ban Thường vụ Thị ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; Công văn số 261-CV/TU ngày 13/09/2021 về việc triển khai Kết luận số 06-KL/TW và Công văn số 198-CV/TU ngày 25/7/2021 của của Ban thường vụ Tỉnh ủy; Qua đó đã chỉ đạo các phòng, ban, ngành, các địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện phổ biến, quán triệt sâu rộng nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng đến toàn thể đảng viên, cán bộ, viên chức và người lao động thuộc đơn vị quản lý, nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong quá trình tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng.
Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ban ngành địa phương đã thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới qua đó nâng cao đời sống nhân dân, tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.
Có thể khẳng định rằng, tín dụng chính sách xã hội là một trong những giải pháp sáng tạo, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế, xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW và Kết luận số 06 -KL/TW trên địa bàn thị xã Ngã Năm, nguồn lực tín dụng chính của Trung ương và địa phương đã đi vào cuộc sống, phát huy hiệu lực, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín dụng chính sách mà Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đang thực hiện; góp phần tích cực thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, ổn định chính trị, an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Mặc dù nguồn thu ngân sách của thị xã còn hạn chế nhưng hàng năm, HĐND, UBND thị xã đã quan tâm, bố trí nguồn vốn ngân sách chuyển sang NHCSXH thị xã để bổ sung vào nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thị xã.
Nếu đến cuối năm 2014 (thời điểm ra đời của Chỉ thị 40-CT/TW), nguồn vốn ủy thác địa phương chuyển sang NHCSXH thị xã chỉ đạt 300 triệu đồng, thì sau 10 năm Chỉ thị 40-CT/TW ra đời và đi vào cuộc sống nguồn vốn ủy thác địa phương đạt 10.742 triệu đồng, tăng 10.442 triệu đồng so với trước khi có Chỉ thị 40-CT/TW. Tuy vậy, các nguồn lực để huy động trên địa bàn thị xã vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương cấp trong giai đoạn 2014 đến tháng 6-2024, NHCSXH đã giải quyết cho 16.085 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay với số tiền 756,4 tỉ đồng; Tổng dư nợ đến 30/6/2024 đạt 523.887 triệu đồng, dư nợ tăng 337.980 triệu đồng so với thời điểm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW (năm 2014); tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 18.2%, với 11.871 hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ.
Quy mô tín dụng được mở rộng, chất lượng tín dụng ngày càng được củng cố và nâng cao tỷ lệ nợ quá hạn chiếm tỷ lệ 0,44/tổng dư nợ, giảm 0,62% so với năm 2014.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp cho 6.463 hộ thoát khỏi ngưỡng nghèo và trên 7.762 hộ thoát khỏi ngưỡng cận nghèo. Đến năm 2024, số hộ nghèo là 280 hộ, giảm 2.568 hộ, số hộ cận nghèo là 1.987 hộ, giảm 1.003 hộ so với năm 2014; tỷ lệ hộ nghèo là 1,4%, giảm 13,26%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 9,7%, giảm 7,45% so với năm 2014.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã đầu tư đến 100% các khóm, ấp trên địa bàn toàn thị xã, đã tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi và kịp thời. Không có khóm, ấp, không có dư nợ tín dụng chính sách. Hiện có khoảng 57,9% số hộ dân trên địa bàn toàn thị xã đang có dư nợ tại NHCSXH. Qua đó, giúp thị xã Ngã Năm sớm hoàn thành 100% và được công nhận thị xã đạt chuẩn nông thôn mới từ cuối năm 2019.
Bình luận (0)