Theo thông cáo báo chí của Ban Tổ chức Lễ hội Óoc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng, khu vực ĐBSCL lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I năm 2024, đây là sự kiện được tổ chức theo quy mô cấp khu vực, đảm bảo phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của địa phương.
Nội dung lễ hội phản ánh sự đa dạng, nét độc đáo về văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer Sóc Trăng và của vùng ĐBSCL. Phần nghi lễ tái hiện lại những nét văn hóa đặc sắc gắn với lịch sử của đồng bào Khmer.
Trong khuôn khổ của lễ hội sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa, thể thao được lồng ghép tổ chức nhằm đa dạng hóa các hoạt động kích cầu, quảng bá, xúc tiến du lịch của tỉnh Sóc Trăng. Qua đó góp phần thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng du lịch; nâng cao nhận thức của cộng đồng về phát triển du lịch, khuyến khích, hỗ trợ người dân tham gia hoạt động phát triển du lịch địa phương.
Đặc biệt, tại Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I năm 2024 sẽ diễn ra sự kiện xác lập kỷ lục Việt Nam về trình diễn nhạc Ngũ âm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng. Thời gian: Vào lúc 18 giờ ngày 11-11. Địa điểm: Công viên 30/4, phường 1, TP Sóc Trăng. Số lượng: 20 dàn Ngũ âm với khoảng 200 diễn viên, nhạc công tham gia trình diễn.
Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Tổ chức kỷ lục Guinees Việt Nam và các đơn vị có liên quan.
Về mặt hình thức nhạc cụ, nhạc Ngũ Âm truyền thống của người Khmer là một dàn nhạc được hợp thành bởi 5 bộ nhạc cụ được làm từ 5 loại chất liệu khác nhau tạo nên 5 âm sắc riêng biệt: bộ đồng, bộ sắt, bộ mộc, bộ hơi và bộ da.
Trong đó, mỗi bộ sẽ có một, hai hoặc ba loại nhạc cụ tham gia tạo nên biên chế hoàn chỉnh của dàn nhạc Ngũ Âm truyền thống gồm 9 loại: Kèn Srolay Pinn Peat (Bộ hơi); đàn Rôneat Ek, Rôneat Thung (Bộ mộc); Rôneat Đek (Bộ sắt); Kuông Vông Tôch, Kuông Vông Thum, Chhưng (Bộ đồng); Trống Samphô, Trống Skô Thum (Bộ da).
Nhạc Ngũ Âm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng, thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, được cộng đồng người Khmer vùng ĐBSCL gọi với tên Khmer quen thuộc là Pinn Peat.
Nhận thức được giá trị và ý nghĩa to lớn của loại hình nghệ thuật trình diễn âm nhạc Ngũ âm truyền thống, nhiều năm qua, các cấp chính quyền, các cơ quan chuyên môn cùng cộng đồng người Khmer tại tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều hành động cụ thể và nỗ lực cao để bảo tồn, phát huy giá trị loại hình âm nhạc này.
Theo đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tham mưu xây dựng đề án bảo tồn và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian này.
Đồng thời, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh còn tổ chức định kỳ Liên hoan nhạc Ngũ Âm và múa dân gian Khmer với sự tham gia của nhạc công, diễn viên múa không chuyên đến từ 11 đơn vị huyện thị, thành phố trong tỉnh. Tăng cường giới thiệu hình ảnh và giá trị của loại hình nghệ thuật trình diễn nhạc Ngũ Âm đến với cộng đồng và xã hội thông qua chương trình biểu diễn của các đoàn nghệ thuật, các phương tiện truyền thông, các liên hoan văn hóa nghệ thuật dân tộc,… nhân dịp tổ chức Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng hàng năm.
Nhạc Ngũ âm của người Khmer ở Sóc Trăng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2019.
Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng vừa tổ chức lễ bế giảng các lớp truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Nghệ thuật trình diễn dân gian Nhạc Ngũ âm".
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch", thực hiện theo kế hoạch của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng.
Bình luận (0)