Trong giai đoạn 2021 - 2023, các chủ trương, chính sách chăm lo, đầu tư cho đồng bào các dân tộc thiểu số được tỉnh Sóc Trăng quan tâm thực hiện kịp thời, đặc biệt là chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, góp phần phát triển nguồn nhân lực cho các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Sóc Trăng, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm ngày càng gắn với nhu cầu doanh nghiệp và chuyển dịch cơ cấu lao động.
Hệ thống giáo dục nghề nghiệp, việc làm trên địa bàn tỉnh được được sắp xếp tinh gọn, phát huy hiệu quả hoạt động, hiện có hơn 150 ngành, nghề đào tạo, quy mô tuyển sinh trên 23.000 người/năm.
Toàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo được 29.705 người (trong đó, có 4.670 người là đồng bào dân tộc thiểu số), tỷ lệ tốt nghiệp bình quân đạt trên 90%/năm; tỷ lệ có việc làm sau đào tạo đạt trên 90%, (trong đó, người dân tộc thiểu số sau học nghề có việc làm đạt trên 97,93%).
Giải quyết việc làm cho 43.880 lao động (trong đó có trên 7.800 người là đồng bào dân tộc thiểu số); đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bình quân 317 người/năm (trong đó có 26 người là đồng bào dân tộc thiểu số), tổ chức 78 phiên giao dịch việc làm ở các địa phương, trực tuyến và tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.
Trong đó, công tác đưa người lao động đi nước ngoài lao động đã thể hiện tính hiệu quả thấy rõ.
Theo kế hoạch năm 2023, tổng nhu cầu kinh phí thực hiện công tác đưa người lao động tỉnh Sóc Trăng đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và chương trình du học sinh vừa học, vừa làm trên 81 tỉ đồng.
Trong đó, từ ngân sách tỉnh là 30,4 tỉ đồng (hỗ trợ một phần chi phí ban đầu cho lao động (không thuộc đối tượng của chương trình mục tiêu quốc gia); thuộc ngân sách trung ương là 50,8 tỉ đồng (hỗ trợ chi phí học nghề, ngoại ngữ, chi phí ban đầu cho lao động (thuộc đối tượng của chương trình mục tiêu quốc gia)
Tính đến giữa tháng 12-2023, toàn tỉnh đã thực hiện được khoảng 310 trường hợp đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và chương trình du học sinh.
Các đơn vị thực hiện đạt tỷ lệ cao so với chỉ tiêu đề ra có thể kể đến huyện Cù Lao Dung (30/30); Long Phú (37/48); thị xã Vĩnh Châu (54/72)…
Tỉnh Sóc Trăng cũng phấn đấu giai đoạn 2025 - 2030, hằng năm có khoảng 1.000 - 1.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và tham gia chương trình du học sinh vừa học, vừa làm.
Ông Trần Nhuận Thanh Liêm, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã Vĩnh Châu, cho biết: "Nhiều lao động vùng dân tộc thiểu số đã có cơ hội đổi đời nhờ chương trình đi nước ngoài lao động theo diện vừa học, vừa làm.
Điều này góp phần hiệu quả vào công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tính đến thời điểm này, thị xã Vĩnh Châu có 8 lao động và học sinh, sinh viên tiếp cận vay vốn theo nghị quyết của HĐND tỉnh, với mức hỗ trợ vay vốn từ 100 - 200 triệu đồng".
Theo ông Võ Thanh Quang, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021-2025, tỉnh xác định công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và chương trình du học sinh vừa học, vừa làm là hết sức quan trọng.
"Việc đẩy mạnh hoạt động đưa người lao động tỉnh Sóc Trăng đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và tuyển sinh tham gia chương trình du học sinh vừa học, vừa làm nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống của người lao động, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững.
Đồng thời, giúp cho người lao động tiếp cận được với những tiến bộ của khoa học, công nghệ ở các nước phát triển, sau khi kết thúc thời gian đi làm việc, học tập ở nước ngoài về nước sẽ bổ sung đội ngũ lao động có trình độ kỹ năng nghề, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh" - ông Quang thông tin.
Nhờ các chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm, thời gian qua, tình hình kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc Khmer giảm trên 4,5%/năm.
Bình luận (0)