Ngày 3-12, tại Hội nghị Tác động Công nghệ Việt Nam (Vietnam Tech Impact Summit 2024 – VTIS2024) do Công ty CP Chứng khoán SSI tổ chức ở Hà Nội, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT SSI nhìn nhận, trong thập kỷ qua, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc của công nghệ trên toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực tài sản số – bao gồm blockchain, tiền mã hóa, token hóa tài sản và các ứng dụng phi tập trung (DeFi).
Tài sản số không còn là khái niệm xa lạ mà đã trở thành một phần không thể thiếu trong hệ thống tài chính toàn cầu. Những quốc gia tiên phong trong lĩnh vực này không chỉ thúc đẩy đổi mới sáng tạo mà còn xây dựng được vị thế chiến lược trong nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, để tận dụng tối đa tiềm năng của tài sản số, một yếu tố cốt lõi là sự minh bạch và rõ ràng trong khung pháp lý.
Việt Nam là một quốc gia có dân số trẻ, yêu công nghệ và sẵn sàng thử nghiệm những xu hướng mới. Điều này tạo điều kiện thuận lợi để chúng ta trở thành trung tâm phát triển tài sản số trong khu vực. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy do thiếu một khung pháp lý rõ ràng nên lĩnh vực này vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức.
Cụ thể, nhà đầu tư và các doanh nghiệp trong lĩnh vực blockchain và tài sản số tại Việt Nam vẫn phải hoạt động trong điều kiện thiếu định hướng, khiến họ mất lợi thế cạnh tranh so với các nước láng giềng như Singapore hay Thái Lan.
Ngoài ra, rủi ro cho người tham gia vì thiếu quy định, dẫn đến việc không thể bảo vệ người dùng trước những hoạt động lừa đảo hoặc thiếu minh bạch.
Đồng thời, cơ hội đang dần mất đi vì các nhà đầu tư và tập đoàn công nghệ lớn có xu hướng chọn những quốc gia có môi trường pháp lý thuận lợi hơn.
"Là những người đang tham gia sâu sát vào thị trường công nghệ và tài sản số, chúng tôi nhận thấy rằng việc xây dựng khung pháp lý cho tài sản số tại Việt Nam không chỉ là nhu cầu của các doanh nghiệp mà còn là điều kiện cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghệ nói riêng và nền kinh tế nói chung"- ông Hưng nhấn mạnh.
Do đó, Chủ tịch SSI kiến nghị Chính phủ sớm ban hành khung pháp lý rõ ràng, minh bạch để điều chỉnh các hoạt động liên quan đến tài sản số, tạo niềm tin cho nhà đầu tư và các bên tham gia thị trường. Hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực blockchain và công nghệ số thông qua các chính sách khuyến khích đầu tư, tài trợ nghiên cứu và hợp tác quốc tế.
Bên cạnh đó, cần xây dựng các cơ chế quản lý linh hoạt để vừa bảo vệ người dùng, vừa không làm mất đi tính sáng tạo – điều cốt lõi của tài sản số. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tài sản số, tận dụng kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển để xây dựng một khung pháp lý hiệu quả, phù hợp với đặc thù của Việt Nam.
Bình luận (0)