Hạn hán kéo dài, trong khi thượng nguồn các nhánh sông Mê Kông bị ngăn dòng chảy đã khiến ĐBSCL thiếu nước trầm trọng, nước biển xâm nhập sâu đất liền. Đời sống của đông đảo người dân ở vùng được coi là vựa lúa của cả nước bị ảnh hưởng nặng nề.
Trong bối cảnh đó, việc ứng phó bằng các giải pháp ngắn hạn đã được thực hiện quyết liệt. Nhiều nơi, chính quyền địa phương và người dân nỗ lực đào giếng, đào ao (chỗ ít bị nhiễm mặn) để lấy nước sinh hoạt và tưới tạm cho một số loại cây trồng; nạo vét, khơi thông dòng chảy để dẫn nước ngọt từ khu vực còn nguồn đến một số nơi khác; vận chuyển nước ngọt đến các vùng nhiễm mặn nặng để đáp ứng nhu cầu trước mắt… Giữa lúc khó khăn, tinh thần chia sẻ, thảo thơm của cộng đồng được thể hiện rõ nét, thông qua các chương trình "Giọt nước yêu thương", những chuyến xe nước miễn phí, những đợt "cứu trợ nước"…
Tuy nhiên, về lâu dài, cần có giải pháp "sống chung với hạn, mặn" bằng các chiến lược, kịch bản phù hợp. Trên tinh thần "sống chung với lũ" từng được triển khai mấy chục năm trước - dần thích ứng, có cách hạn chế thiệt hại và tìm, khai thác những lợi ích từ lũ… - chúng ta cần tích cực thích ứng với hạn, mặn một cách khẩn trương và quyết liệt.
Chiến lược "sống chung với hạn, mặn" cần được triển khai sớm với quy mô quốc gia và toàn vùng chứ không thể đơn lẻ từng địa phương. Trước hết, cần thực hiện quy hoạch tổng thể vùng gắn với điều chỉnh quy hoạch của cả nước. Cần xác định khu vực nào an toàn để trồng lúa, các loại cây lương thực, cây ăn trái, nuôi trồng các loại thủy sản nước ngọt; khu vực nào chỉ nên trồng loại cây nước lợ, chịu hạn mặn, thủy hải sản nước mặn… Trên cơ sở đó, có kế hoạch tạo hành lang bảo vệ an toàn để hạn chế xâm nhập mặn, với tầm nhìn ít nhất 20 - 30 năm.
Từ quy hoạch nêu trên, có biện pháp tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp để đạt được hiệu quả cao nhất. Đương nhiên, cần khuyến khích sự chủ động của người dân trong việc tự thích nghi theo điều kiện của mình nhưng không phá vỡ hoặc làm ảnh hưởng đến quy hoạch sau khi đã khảo sát, nghiên cứu đầy đủ.
Bên cạnh đó, xây dựng các kịch bản ứng phó theo điều kiện cụ thể về lượng mưa, mức độ xâm nhập mặn, độ mặn ở từng nơi và từng thời điểm để có giải pháp tương ứng phù hợp. Các kịch bản này phải đồng bộ và tương thích với các kịch bản khác, như kịch bản về biến đổi khí hậu, về tăng dân số và các nhu cầu thiết yếu, về quy mô sản xuất nói riêng và quy mô phát triển kinh tế của vùng, của cả nước nói chung, về sự phát triển của khoa học - công nghệ, về những động thái có thể xảy ra ở các nước liên quan…
Chính quyền địa phương cần tuyên truyền, động viên người dân chủ động có giải pháp thích nghi trong việc ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn, cả trong sản xuất lẫn sinh hoạt. Nhà nước cũng cần hỗ trợ người dân và doanh nghiệp lắp đặt hệ thống tưới nước áp dụng công nghệ tiên tiến để dùng nước thật sự hiệu quả. Đồng thời, sớm xây dựng các công trình thủy lợi, điều chỉnh dòng chảy ở khu vực cần thiết, trồng thêm cây xanh để bảo vệ vùng đất sạt lở, chống khai thác cát và nước ngầm tùy tiện…
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)