Trước và sau Tết Nguyên đán 2024, rất nhiều người dân các xã ở hạ nguồn sông Gianh như Văn Hóa, Châu Hóa, Tiến Hóa… thuộc huyện Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình) phản ánh bức xúc trước tình trạng khai thác cát làm cho sông trở nên nguy hiểm, đặc biệt ở cuối xã rốn lũ Văn Hóa nhiều đoạn sạt lở đã tiến gần sát vườn nhà dân, đe dọa cả những đoạn bờ sông đã được Nhà nước bỏ kinh phí lớn để xây dựng kè chống sạt lở.
Lén lút nhưng… công khai?
Việc khai thác cát trên đoạn sông Gianh này được thực hiện công khai ban ngày bởi các đơn vị được cấp phép, nhưng về đêm mới là lúc sôi động nhất. Bức xúc trước tình trạng này, nhiều người dân đã phản ánh đến các cấp chính quyền hoặc cơ quan chức năng.
Ở đoạn sông này ít nhất đang có 2 đơn vị được UBND tỉnh Quảng Bình cấp giấy phép khai thác khoáng sản đối với mỏ cát làm vật liệu xây dựng thông thường. Một là Công ty TNHH Sơn Trường, giấy phép khai thác số 1047/GP-UBND, ngày 29-4-2014, diện tích khu vực khai thác 3 ha, trữ lượng được phép khai thác gần 104.000 m3, công suất khai thác 12.000 m3/năm trong 10 năm.
Hai là Công ty TNHH Đức Toàn, giấy phép số 1294/GP-UBND, ngày 5-6-2013, diện tích khai thác 4,8 ha, trữ lượng được phép khai thác gần 277.000 m3, công suất khai thác 15.000 m3/năm, trong 20 năm.
Việc cấp giấy phép khai thác cho 2 đơn vị này và một số đơn vị khác đều căn cứ vào Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2011-2013, tầm nhìn đến năm 2020 để có nguồn vật liệu cung cấp cho các công trình xây dựng trên địa bàn.
Tuy nhiên, điều người dân quan tâm là cơ quan chức năng có bảo đảm quản lý việc các đơn vị được cấp phép sẽ khai thác đúng diện tích, trữ lượng và công suất hay không? Bởi, nếu khai thác đúng trữ lượng và công suất thì khả năng bồi tụ, phục hồi lòng sông sau mùa mưa lũ sẽ cao chứ không phải ngày càng trở nên nguy hiểm như bây giờ. Hơn nữa, việc kiểm tra xử phạt của lực lượng chức năng không thường xuyên và sau mỗi đợt kiểm tra thì tình hình chỉ lắng dịu vài hôm rồi đâu lại vào đấy, thậm chí nghiêm trọng hơn.
Đặc biệt, ở đoạn sông chưa có kè, đang sạt lở nhiều nhất, thuộc thôn Xuân Hạ (xã Văn Hóa) đã được UBND tỉnh cho Công ty TNHH Tùng Cát thuê hơn 2.200 m2 để làm bãi tập kết vật liệu, xe, máy nhưng nhiều người dân vẫn khẳng định hằng đêm, phương tiện của đơn vị này hút cát từ sông này lên chứ không phải tập kết cát từ nơi khác về (?).
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Quảng Bình, trong những năm qua, các cơ quan chức năng đã kiểm tra, xử phạt vi phạm nhiều vụ khai thác cát trái phép trên sông Gianh. Các trường hợp vi phạm này là của một số hộ dân chứ chưa phát hiện việc vi phạm của các đơn vị được cấp phép.
Trong văn bản trả lời phản ánh của người dân thôn Trung Đình (xã Văn Hóa), ký ngày 10-11-2021, Sở TN-MT cho biết việc cấp phép khai thác cho các đơn vị đã nêu là đúng quy định.
Tuy nhiên, Sở TN-MT cũng nói rõ "việc quản lý của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương chưa chặt chẽ nên tình trạng khai thác cát trái phép còn xảy ra gây bức xúc cho người dân"; đồng thời việc kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm "chưa triệt để, vẫn còn hoạt động khai thác, tập kết cát trái phép. Thời điểm khai thác cát trái phép thường xảy ra vào ban đêm, khoảng từ 0 giờ đến 5 giờ sáng ngày hôm sau, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc ngăn chặn".
Khó kiểm soát?
Giữa năm 2023, Sở TN-MT tiếp tục có văn bản do Phó Giám đốc sở Phạm Văn Lương ký, trả lời thư phản ánh của dân khu vực 3 thôn Xuân Hạ (xã Văn Hóa).
Trong văn bản này, Sở TN-MT cho biết thời gian qua chính quyền và các lực lượng chức năng đã tăng cường quản lý nhà nước về khoáng sản, nhiều vụ được phát hiện xử lý. Hiện nay việc khai thác trái phép trên sông Gianh đã được chấn chỉnh nhưng chưa triệt để, vẫn có hoạt động khai thác, tập kết cát trái phép như nhân dân phản ánh… Hoạt động khai thác trái phép chủ yếu là do một số hộ dân sử dụng thuyền không đăng ký, đăng kiểm lén lút hút cát vào thời điểm lực lượng tuần tra không hoạt động, khai thác vào ban đêm và lợi dụng vào các đơn vị được cấp mỏ trên địa bàn để khai thác cát trái phép tại địa bàn giáp ranh giữa các xã, tập kết tại nhiều bãi trái phép gây khó khăn cho việc quản lý.
Sở TN-MT cũng khẳng định "phản ánh của nhân dân khu vực 3 thôn Xuân Hạ, xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa về việc bơm cát lậu hằng đêm dưới lòng sông Gianh đoạn qua thôn Xuân Hạ là có cơ sở".
Như vậy là đã rõ. Nỗi lo và phản ánh của người dân là có cơ sở. Vấn đề là bao giờ thì việc quản lý khai thác cát trên sông Gianh sẽ được quản lý tốt để chấm dứt tình trạng khai thác trái phép và lợi dụng vào các đơn vị được cấp mỏ trên địa bàn để khai thác cát trái phép? Câu trả lời xin dành cho chính quyền các cấp và cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Bình.
Không kiên quyết!
Một đảng viên ở xã Văn Hóa khẳng định cơ quan chức năng đã không thực sự kiểm soát kiên quyết, bởi tàu hút cát không làm lén lút, dù là làm đêm khuya thì máy vẫn nổ ầm ầm. Vấn đề là tại sao chỉ bắt và xử lý được mấy thuyền khai thác nhỏ lẻ và cứ lực lượng chức năng xuất kích thì tàu thuyền hút cát tắt máy hoặc bỏ chạy kịp thời, việc này thì dân quá hiểu tại sao.
Bình luận (0)