xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sống khỏe với mô hình thuận thiên

NHÓM PHÓNG VIÊN

Giữa thời điểm hạn hán và xâm nhập mặn gay gắt nhưng nhiều nhà nông vẫn bình thản bởi đã áp dụng mô hình sản xuất phù hợp với thời tiết khắc nghiệt

Ánh nắng gay gắt như dịu lại trong khu vườn của ông Trần Ngọc Quận ở xã Thành Trung, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long. Ông vốn canh tác khoai lang nhưng thấy giá cả bấp bênh nên chuyển sang trồng mận hồng MST cho thu nhập ổn định.

Mận, sả "lên ngôi"

Ông Quận nhớ lại: "Cách đây 2 năm, tôi được một người bạn giới thiệu giống mận hồng MST ở Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng nên đến tìm hiểu. Loại mận này cho năng suất cao, trái to, vị ngọt, màu sắc bắt mắt. Sau khi ăn thử, tôi mua ngay 200 cây giống về trồng trên vườn nhà diện tích khoảng 4.000 m2".

Ông Trần Ngọc Quận và loại mận thích ứng với hạn hán Ảnh CA LINH

Ông Trần Ngọc Quận và loại mận thích ứng với hạn hán .Ảnh CA LINH

Theo ông Quận, mận hồng MST khi trồng cần bảo đảm khoảng cách giữa các cây chừng 4 m. Sau 18 tháng, mận bắt đầu ra hoa kết quả. Loại mận này trong giai đoạn sinh trưởng chỉ cần bón phân 2 lần/tháng, khi có trái thì tăng lên 3 lần. Để bảo vệ mận khỏi các loại côn trùng, ông đầu tư thêm mùng lưới trùm kín cây.

"Tôi cũng đầu tư hơn 30 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới nước tự động để đỡ tốn công. Năm nay nắng hạn gay gắt nhưng mận hồng vẫn sai trái vì loại cây này không cần nhiều nước, 2 ngày tưới 1 lần là đủ. Nếu tưới nhiều thì cây úng rễ, dễ bị sâu bệnh, khi ra trái rất dễ rụng. Mô hình trồng những loại cây ăn trái thế này rất phù hợp với điều kiện thời tiết cực đoan" - ông Quận nhận xét.

Mận MST có trái màu đỏ tươi, ruột đặc, thịt dẻ; ăn giòn, ngọt, thơm. Dù mới trồng 2 năm nhưng vườn mận của ông Quận đậu trái rất cao. Mỗi cây thu hoạch hơn 30 kg, thương lái đến tận vườn thu mua với giá 45.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, với mỗi công (1.000 m2) mận, ông thu lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng.

Mận hồng MST cho thấy có thể thích nghi với hạn hán gay gắt như năm nay. Vì thế, nhiều người đã đến vườn ông Quận mua giống loại cây ăn trái này về trồng.

Là vùng đất cù lao, tiếp giáp biển Đông nên mỗi năm huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang có 4 - 6 tháng nhiễm mặn. Đây cũng là huyện đầu tiên ở ĐBSCL được công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô 2024. Trước đây, người dân địa phương chủ yếu trồng lúa. Do ảnh hưởng hạn, mặn nên chính quyền vận động người dân chuyển sang chuyên canh sả để phù hợp với biến đổi khí hậu.

Ông Lê Thanh Tốt - ngụ xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông - cho hay gia đình ông cũng đã chuyển sang trồng sả. Sả chịu được hạn, mặn tốt hơn lúa, lại ít tốn công chăm sóc. Bất chấp hạn, mặn như hiện nay, dù không tưới nước nhưng sả vẫn sống và phát triển.

"Gia đình tôi trồng 1,5 ha sả, đã thu hoạch được 90%. Trừ chi phí, đợt này gia đình tôi lãi hơn 60 triệu đồng. Thu hoạch xong, sả vẫn tái sinh, không cần trồng lại, chỉ bón phân và nếu có nước thì tưới, một thời gian sau sẽ thu hoạch tiếp" - ông Tốt cho biết.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Tân Phú Đông, địa phương có trên 3.000 ha trồng sả, năng suất bình quân 15 - 16 tấn/ha. Người dân Tân Phú Đông đang bước vào đợt thu hoạch sả với giá bán dao động 5.000 - 6.000 đồng/kg. Với giá bán này, người trồng sả có lợi nhuận khá ổn định.

"Cây sả chịu được độ mặn lên đến 7%0, dùng ít nước tưới, vòng đời khai thác 2-3 năm sau. Tân Phú Đông hiện có 1 hợp tác xã và 3 tổ hợp tác trồng sả. Ngành nông nghiệp đang hướng dẫn người dân canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, tăng cường liên kết tiêu thụ, đa dạng hóa sản phẩm để nâng cao chất lượng và nhân rộng mô hình" - ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng Phòng NN-PTNN huyện Tân Phú Đông, thông tin.

Không quá phụ thuộc thời tiết

Cụ thể hóa Nghị quyết 120/NQ-CP năm 2017 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL, sau nhiều năm chống chọi với hạn, mặn và sạt lở, người dân Kiên Giang dần thích ứng, sống chung với biến đổi khí hậu bằng nhiều mô hình sản xuất thuận thiên, điền hình là việc luân phiên nuôi tôm - trồng lúa.

Người dân vùng ngọt hóa Cà Mau trúng đậm vụ bí rợ trên đất lúa. Ảnh VÂN DU

Người dân vùng ngọt hóa Cà Mau trúng đậm vụ bí rợ trên đất lúa. Ảnh VÂN DU

Tại các huyện vùng U Minh Thượng ở Kiên Giang, sản xuất lúa - tôm được xem là mô hình thích hợp trong bối cảnh địa phương thường xuyên đối mặt tình trạng hạn hán, mặn xâm nhập. Mô hình này thực hiện theo cách luân phiên vụ lúa - vụ tôm, bổ trợ nhau phát triển và giảm tối đa chi phí.

Cụ thể, vào vụ lúa, người dân bơm nước mặn ra khỏi đầm nuôi tôm, cày ải đất, rửa mặn rồi gieo sạ. Lúa trồng trên đất cải tạo từ đầm tôm sinh trưởng và phát triển tốt nhờ hút chất dinh dưỡng, bã bùn hữu cơ từ vụ tôm, hầu như không cần bón thêm phân. Đến mùa tôm, người dân lại cho nước mặn vào diện tích đất trồng lúa đã thu hoạch. Tôm nuôi trên đất trồng lúa có nguồn thức ăn từ gốc rạ phân hủy; người nuôi không tốn nhiều chi phí thức ăn, thuốc thủy sản…

Theo ông Ngô Trấn Khái, Chủ tịch HĐQT Liên hiệp Hợp tác xã lúa - tôm An Biên (huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang), những năm trước, hạn, mặn đã làm thiệt hại hàng trăm hecta lúa 2 vụ khiến người dân lao đao. Từ khi An Biên có chủ trương khuyến khích người dân chuyển đổi từ làm lúa 2 vụ sang luân phiên nuôi tôm - trồng lúa, mô hình này đã đạt kết quả ngoài mong đợi, đặc biệt là không còn quá phụ thuộc vào thời tiết.

"Vụ lúa mùa những năm gần đây, cụ thể là năm 2022-2023, lợi nhuận đạt khoảng 60 triệu đồng/ha; tôm thu hoạch 3-4 đợt/vụ, lợi nhuận trên 200 triệu đồng/ha. Mô hình lúa - tôm là giải pháp căn cơ giúp người dân sản xuất bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu" - ông Khái khẳng định. 

Mạnh dạn chuyển đổi cây trồng

Trong bối cảnh hạn, mặn diễn biến phức tạp, nhiều người dân ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng.

Trong đó, ông Lâm Tal - ngụ xã Long Phú, huyện Long Phú - đã thành công trong việc áp dụng mô hình trồng rau, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông đã chọn trồng các loại rau xà lách, cải xanh, cải ngọt trên diện tích 3.500 m2. Mỗi ngày, ông bán khoảng 100 kg rau với giá 12.000-20.000 đồng/kg. "Trồng rau bảo đảm lợi nhuận ổn định, cao hơn nhiều so với trồng lúa vụ 3. Vụ rau này tôi lãi khoảng 10 triệu đồng trong khi trồng lúa chỉ được chừng 2 triệu đồng" - ông so sánh.

Tại huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, nhiều hộ dân trồng rau màu đã chủ động đào ao trữ nước ngọt để tưới tiêu. Sau khi thu hoạch vụ lúa, ông Trần Văn Bắc - ngụ xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời - lập tức cải tạo đất để xuống giống vụ bí rợ, không tiếp tục trồng vụ lúa mới nữa.

"Khi trồng bí, tôi dùng rơm che gốc và dây để giữ độ ẩm trong đất nên tưới nước ít hơn bình thường. Sau khi trừ hết các khoản chi phí, vụ bí rợ năm nay gia đình tôi lãi hơn 300 triệu đồng" - ông Bắc tiết lộ.

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Sống khỏe với mô hình thuận thiên- Ảnh 3.

Sống khỏe với mô hình thuận thiên- Ảnh 4.

Sống khỏe với mô hình thuận thiên- Ảnh 5.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo