vừa hoàn thành trùng tu với kinh phí 42 tỉ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng nhằm bảo tồn, phát huy giá trị, kết nối du lịch giữa các địa phương. Kể từ ngày đưa vào hoạt động (1-8) đến nay, Hải Vân quan đã tiếp đón gần 10.000 lượt khách đến tham quan.
Hải Vân quan là một đồn lũy quân sự trấn thủ tại đỉnh đèo Hải Vân với nhiều công trình như hệ thống thành lũy, nhà kho, pháo đài thần công… Cửa hướng về phủ Thừa Thiên đề 3 chữ "Hải Vân quan", cửa trông xuống Quảng Nam đề "Thiên hạ đệ nhất hùng quan". Công trình này được xây từ đời Trần và được trùng tu vào năm 1826 dưới thời vua Minh Mạng triều Nguyễn.
Dưới thời nhà Nguyễn, Hải Vân quan là cửa ải quan trọng, là cửa ngõ vào kinh đô Huế từ phía Nam. Chính vì vậy, triều Nguyễn đã tập trung lực lượng và vũ khí quy mô lớn ở Hải Vân quan để trấn giữ.
Đây là công trình chứa đựng nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử, cũng là thắng cảnh nổi tiếng, góp phần vào sự phát triển du lịch của 2 địa phương Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng.
Dự án đã tu bổ cổng "Hải Vân quan", cổng "Thiên hạ đệ nhất hùng quan" theo các dấu tích nguyên gốc; phục hồi thay thế nền cổng lát đá, hệ thống cối, tường xây gạch vồ; phục hồi hệ lan can và trang trí trên nóc theo tư liệu; phục hồi hệ thống cửa ván ghép con tiện gỗ. Phục hồi hệ thống tường thành thời nhà Nguyễn bằng đá núi theo dấu vết khảo cổ học và gia cố toàn bộ hệ thống chân tường thành; công trình nhà trú sở và nhà vũ khố…
Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, Hải Vân quan nằm trên tuyến tour đường bộ "Con đường di sản miền Trung" kết nối 5 địa phương là Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam. Vì vậy, việc khánh thành đưa vào đón khách đã bổ sung thêm một điểm tham quan ấn tượng.
Ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho hay hiện Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế và Sở Văn hóa - Thể thao TP Đà Nẵng thống nhất tạm thời mở cửa miễn phí đón khách tham quan Hải Vân quan để có cơ sở đánh giá tình hình du khách, tiếp thu ý kiến của du khách và cộng đồng để hoàn thiện phương án quản lý, giá vé, nhằm khai thác hiệu quả và đáp ứng nhu cầu tốt nhất cho du khách.
Tuy nhiên, di tích Hải Vân quan hiện vẫn chưa có nước sạch, quy hoạch bãi đỗ xe, thiếu các dịch vụ công cộng, nhà vệ sinh… Vì vậy, các đơn vị sẽ tính toán, tham mưu kiến nghị để tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của dự án nhằm hoàn thiện cảnh quan, hạ tầng du lịch, đáp ứng nhu cầu du khách.
Ông Phạm Tấn Xử, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP Đà Nẵng, khẳng định đây là di sản của quốc gia. Sau khi công trình trùng tu hoàn thành, TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ tiếp tục phối hợp để quản lý, khai thác, phát huy giá trị hiệu quả nhằm có nguồn lực thực hiện tu bổ, bảo tồn trong các giai đoạn tiếp theo.
Bình luận (0)