icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sốt ruột chờ tái định cư

Bài và ảnh: Cao Nguyên

Gần 2 năm sau khi bàn giao nhà cửa, đất đai để xây dựng đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, nhiều hộ dân vẫn chưa được cấp đất tái định cư

Nhiều hộ dân ở xã Tân Tiến, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk vừa phản ánh đến Báo Người Lao Động về việc UBND huyện này chậm cấp đất tái định cư khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

Mòn mỏi chờ đợi

Ông Nguyễn Hữu Hưng (SN 1972, ngụ xã Tân Tiến) cho biết ngày 29-6-2023, UBND huyện Krông Pắk ban hành quyết định về việc thu hồi đất để thực hiện dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Trong đó, thu hồi toàn bộ 120 m2 đất ở của gia đình ông Hưng.

Theo ông Hưng, ngoài thửa đất trên, gia đình ông không còn thửa đất ở nào khác. Do đó, khi xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, gia đình ông mong được cấp đất ở để xây dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống.

Sốt ruột chờ tái định cư - Ảnh 1.

Gia đình ông Nguyễn Hữu Hưng bàn giao nhà cửa để xây dựng cầu vượt cao tốc nhưng gần 2 năm qua vẫn chưa được cấp đất tái định cư

Ngày 29-1-2024, UBND huyện Krông Pắk ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Tuy nhiên, huyện lại không giải quyết đất tái định cư cho gia đình ông.

Gia đình ông Hưng được bồi thường 90 triệu đồng cho diện tích 120 m2 và 490 triệu đồng cho căn nhà kiên cố của gia đình trên diện tích ấy. Sau nhiều lần kiến nghị nhưng chưa được cấp đất ở, gia đình ông Hưng buộc phải vay mượn thêm tiền để mua một mảnh đất khác để xây dựng nhà ở với giá gần 1,5 tỉ đồng.

"Gia đình tôi nhận thức được việc đầu tư xây dựng đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột là một chủ trương lớn, có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội. Do đó, khi nhà nước thông báo thu hồi đất, gia đình tôi đã sớm tự nguyện bàn giao đất đai, nhà cửa dù chưa được cấp đất tái định cư. Tuy nhiên, gần 2 năm qua vẫn chưa được cấp đất ở khiến cuộc sống của gia đình gặp nhiều khó khăn" - ông Hưng nói.

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Đức Hoàng (SN 1954, ngụ xã Tân Tiến) bị thu hồi 70 m2 đất ở, 45 m2 đất trồng cây lâu năm và nhà cửa để thực hiện dự án đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Vào tháng 6-2023, gia đình ông Hoàng là một trong những hộ dân đầu tiên tự nguyện bàn giao nhà cửa, đất để thực hiện dự án. Tuy nhiên, từ đó đến nay, gia đình ông vẫn chưa được cấp đất ở theo quy định. Để có chỗ ở, gia đình ông Hoàng buộc phải xây tạm một căn nhà trên đất nông nghiệp để có chỗ trú ngụ.

Huyện còn nợ người dân!

Trong số hàng chục hộ dân chưa được cấp đất tái định cư khi thực hiện dự án đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, có 3 hộ dân đã khởi kiện ra TAND tỉnh Đắk Lắk.

Theo đó, hộ ông Đoàn Khóa bị thu hồi hơn 850 m2 (400 m2 đất ở), ông Nguyễn Thanh Quyền bị thu hồi hơn 130 m2 (70 m2 đất ở) và bà Nguyễn Thị Bình bị thu hồi hơn 2.280 m2 (150 m2 đất ở).

Tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX TAND tỉnh Đắk Lắk nhận định UBND huyện Krông Pắk đã xây dựng khu tái định cư tại xã Ea Knuếc, mỗi thửa đất có diện tích từ hơn 133 m2 đến gần 160 m2. Như vậy, chứng tỏ UBND huyện có điều kiện về quỹ đất để bố trí tái định cư.

HĐXX chấp nhận yêu cầu khởi kiện của 3 hộ dân và buộc UBND huyện Krông Pắk ban hành quyết định giao cho hộ bà Nguyễn Thị Bình, ông Nguyễn Thanh Quyền mỗi gia đình 1 thửa đất ở có thu tiền sử dụng đất, không thông qua đấu giá tại cụm dân cư trung tâm xã Ea Knuếc. Buộc UBND huyện Krông Pắk ban hành quyết định giao cho hộ ông Đoàn Khóa số thửa đất ở có thu tiền sử dụng đất, không thông qua đấu giá tại cụm dân cư trung tâm xã Ea Knuếc tương ứng với diện tích đất ở bị thu hồi là 400 m2.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một lãnh đạo Huyện ủy Krông Pắk cho biết thực hiện chủ trương xây dựng đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện có một khối lượng rất lớn bởi có hơn 30 km chạy qua. Tuy nhiên, được sự đồng tình, ủng hộ của người dân, công tác giải phóng mặt bằng đã được thực hiện đúng tiến độ.

Cũng theo vị này, trên địa bàn huyện có gần 20 hộ dân bị thu hồi hết đất ở và đủ điều kiện để hỗ trợ đất tái định cư (mua đất không thông qua đấu giá). Về nguyên tắc, huyện phải xây dựng khu tái định cư cho người dân rồi mới phê duyệt phương án bồi thường. Tuy nhiên, vì đây là dự án trọng điểm, thời gian thực hiện gấp rút nên tại thời điểm đó không thể xây dựng kịp khu tái định cư. Mới đây, huyện có mấy khu tái định cư nhưng cùng thời điểm đó, luật đất đai và một số nghị định liên quan có sự thay đổi, chưa xây dựng giá đất kịp nên có sự chậm trễ.

"Huyện đang nợ người dân đất tái định cư, khiến cuộc sống của một số hộ dân gặp khó khăn. Hiện giá đất đã được xây dựng xong và Huyện ủy đang chỉ đạo quyết liệt UBND huyện sớm hoàn tất các thủ tục cấp đất tái định cư, để người dân sớm ổn định cuộc sống" - vị lãnh đạo Huyện ủy Krông Pắk thông tin thêm. 

Yêu cầu khẩn trương thực hiện bản án

Ông Nguyễn Thanh Quân cho biết sau khi bàn giao đất đai, nhà cửa cho chính quyền địa phương để thực hiện dự án, gia đình ông phải về nhà cha mẹ ở nhờ. Sau khi ông cùng 2 hộ dân khởi kiện và thắng kiện, ông vẫn không hết lo trước thông tin chuẩn bị giải thể cấp huyện. "Bản án của TAND tỉnh Đắk Lắk đã buộc UBND huyện Krông Pắk cấp cho gia đình tôi 1 thửa đất ở có thu tiền sử dụng đất, không thông qua đấu giá. Chúng tôi mong muốn UBND huyện Krông Pắk khẩn trương thực hiện bản án để gia đình tôi sớm ổn định cuộc sống" - ông Quân nói.

Sốt ruột chờ tái định cư - Ảnh 2.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo