xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sốt xuất huyết đang rình rập

NGỌC DUNG - HẢI YẾN

Chỉ riêng tại TP HCM, trong tuần mới nhất đã ghi nhận 328 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 8,3% so với trung bình 4 tuần trước đó

Số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) ở TP Hà Nội gia tăng trong những tuần gần đây. Trong khi đó, tại phía Nam, loại dịch bệnh nguy hiểm này cũng đang ngấp nghé rình rập.

Vượt ngưỡng nguy cơ

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội, hiện 30 quận, huyện, thị xã đã ghi nhận bệnh nhân SXH. Từ đầu năm đến nay, toàn TP ghi nhận gần 3.300 ca mắc SXH. Thời điểm này, Hà Nội bắt đầu giai đoạn cao điểm của dịch SXH (tháng 9 đến 11). Với điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường, kết hợp mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi phát sinh muỗi truyền bệnh SXH. Kết quả giám sát tại một số ổ dịch vẫn ghi nhận chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng nguy cơ, dự báo số ca mắc sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Một bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Hà Nội Ảnh: NGỌC DUNG

Một bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Hà Nội .Ảnh: NGỌC DUNG

PGS-TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai, cho biết trước đó trung tâm tiếp nhận hàng chục ca SXH Dengue nhập viện, trong đó nhiều trường hợp có biểu hiện rất nặng. Điển hình là nam bệnh nhân 25 tuổi (ở quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) nhập viện khi đã sốt 5 ngày và có kết quả xét nghiệm khẳng định mắc SXH. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân có tình trạng suy gan nặng, tiểu cầu tụt nhanh, máu cô đặc. Một số bệnh nhân khác có tình trạng đau đầu, đau mỏi người, khớp gối, nôn khan và tiểu ra máu…, thậm chí có người suy đa tạng, đe dọa tử vong.

Tại TP HCM, SXH cũng đang gia tăng. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), trong tuần 38 (từ ngày 16 đến 22-9), TP ghi nhận 328 ca mắc SXH, tăng 8,3% so với trung bình 4 tuần trước đó. Tổng số ca SXH tích lũy từ đầu năm 2024 đến nay là 7.337 ca. Các địa phương có tỉ lệ mắc cao gồm quận 1, 7 và TP Thủ Đức.

Chỉ riêng tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) hiện đang điều trị 30 bệnh nhi nội trú mắc SXH. Theo TS-BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng Khoa Sốt xuất huyết, so với giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6-2024, số ca SXH đã có dấu hiệu tăng, tuy nhiên vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. "Tình hình SXH tại TP có tăng nhẹ so với các tháng trước nhưng so với chu kỳ năm ngoái và trung bình 5 năm qua vẫn ở mức thấp. Tuy nhiên, không vì vậy mà chủ quan, nhất là trong mùa mưa, khi bệnh có thể gia tăng" - BS Tuấn khuyến cáo.

ThS-BS Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc HCDC, cảnh báo SXH không loại trừ ai. Phần lớn các ca tử vong do SXH thường đến viện quá muộn hoặc bệnh nhân đã có dấu hiệu cảnh báo nhưng bị phớt lờ do nhầm lẫn với các triệu chứng của bệnh khác. Nhiều trường hợp tự ý điều trị hoặc mời người đến nhà truyền dịch dẫn đến biến chứng nguy hiểm.

Lưu hành không còn theo quy luật

Theo các chuyên gia, SXH trở thành bệnh lưu hành hằng năm, không còn theo chu kỳ 4-5 năm bùng phát một đợt dịch nữa. Đặc điểm của SXH Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong. Virus Dengue có 4 type là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Virus truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Muỗi Aedes aegypti là côn trùng trung gian truyền bệnh chủ yếu. Bệnh thường gia tăng vào mùa mưa.

PGS-TS Đỗ Duy Cường cho biết giai đoạn nguy hiểm của người bệnh SXH thường vào ngày thứ 3-7 của bệnh. Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt. Khi đó bệnh nhân có thể có các biểu hiện đau bụng nhiều và liên tục hoặc tăng cảm giác đau nhất là ở vùng gan kèm nôn ói. Bệnh nhân có hiện tượng thoát huyết tương, tràn dịch màng phổi có thể gây suy hô hấp; phù nề mi mắt. Nếu thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc với các biểu hiện vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh đầu chi, mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt hoặc tụt huyết áp, không đo được huyết áp…

Theo BS Trần Văn Bắc, Phó Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các bệnh nhân bị SXH thể nặng, sốt trên 5 ngày có nguy cơ cao hơn bị đồng nhiễm vi khuẩn. Vi khuẩn thường gặp là tụ cầu, nhiều chủng trong số này là tụ cầu kháng thuốc gây khó khăn trong chẩn đoán và điều trị. Ngoài ra, các bệnh nhân tuổi cao, nhiều bệnh nền nếu bị mắc SXH cần được chẩn đoán sớm để có kế hoạch theo dõi nguy cơ đồng nhiễm vi khuẩn, từ đó can thiệp điều trị kịp thời. Muỗi vằn Aedes egypti là nguồn lây bệnh chính. Muỗi thường sống ở các khu vực gần với nơi con người sinh sống, khu đô thị.

BS Nguyễn Minh Tuấn cảnh báo thêm SXH là bệnh nguy hiểm và chưa có thuốc đặc trị. Các biến chứng thường gặp của SXH bao gồm sốc SXH nặng, suy đa cơ quan, sốc do giảm thể tích tuần hoàn và thoát huyết tương, xảy ra ở cả trẻ em lẫn người lớn. Điều đáng lưu ý là các triệu chứng của SXH thường không đặc hiệu, dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác như viêm họng, tay chân miệng hoặc nhiễm siêu vi.

Các chuyên gia lưu ý khi có những dấu hiệu sốt cao đột ngột, liên tục không giảm, đau đầu, đau mỏi người, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để bác sĩ thăm khám, xét nghiệm và đánh giá các dấu hiệu và triệu chứng. SXH cần được chẩn đoán và có phác đồ điều trị sớm, tránh tự ý uống thuốc và truyền dịch tại nhà. "Hiện chưa có thuốc đặc trị, do vậy khi nghi ngờ hoặc bị SXH, người bệnh cần tìm kiếm sự trợ giúp y tế, nghỉ ngơi và uống thật nhiều nước. Có thể uống Paracetamol để hạ sốt và làm dịu cơn đau. Tuyệt đối không uống Aspirin hoặc Ibuprofen vì hai thuốc này có thể tăng nguy cơ xuất huyết" - PGS-TS Đỗ Duy Cường khuyến cáo. 

Cấp phép sử dụng vắc-xin phòng bệnh

Theo Bộ Y tế, trong tuần qua cả nước ghi nhận hơn 2.400 ca mắc SXH, 1 ca tử vong. Tích lũy từ đầu năm, cả nước ghi nhận gần 80.000 trường hợp, 12 ca tử vong. Để phòng chống SXH, ngoài việc phòng tránh muỗi và tiêu diệt lăng quăng, Bộ Y tế đã cấp phép sử dụng vắc-xin phòng bệnh. Vắc-xin này có hiệu lực bảo vệ hơn 80% và chống lại cả 4 nhóm huyết thanh của virus SXH. Vắc-xin được chỉ định cho trẻ em và người lớn từ 4 đến 60 tuổi. Dù vắc-xin đã có, nguy cơ mắc SXH vẫn còn cao do mầm bệnh và muỗi vằn tồn tại rộng rãi trong cộng đồng. Việc duy trì các biện pháp phòng bệnh truyền thống như kiểm soát véc-tơ, tiêu diệt lăng quăng và muỗi vẫn là giải pháp tối ưu để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm và bảo vệ nhóm chưa đủ tuổi tiêm vắc-xin.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo