"AI không chỉ là khẩu hiệu, xu thế mà đã dần đi vào đời sống và sản xuất trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng". Vbee - một start-up công nghệ do các trí thức trẻ Việt Nam sáng lập và vận hành - đang dẫn đầu về trợ lý ảo nhân tạo tại Việt Nam, nhận định.
Biến văn bản thành giọng nói truyền cảm
TS Nguyễn Thị Thu Trang, giảng viên Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông - Đại học Bách khoa Hà Nội, sáng lập viên kiêm Giám đốc Công nghệ Công ty CP Dịch vụ và Giải pháp xử lý dữ liệu Vbee, cho biết AI giúp Vbee tạo ra các trợ lý ảo có thể tương tác với khách hàng, người dùng giống như con người, hỗ trợ con người thực hiện những việc không quá phức tạp nhưng có thể nhàm chán và khó kiểm soát.
Vbee thành lập năm 2018 với công nghệ Text-to-Speech (công nghệ chuyển văn bản thành giọng nói) được dùng nhiều vào việc lồng tiếng và chuyển văn bản thành giọng nói nhân tạo, có thể sử dụng thương mại, đăng tải trên các nền tảng YouTube, TikTok, E-Learning, Content Marketing… Từ công nghệ này, đội ngũ Vbee phát triển thêm một số công nghệ lõi khác và hoàn thiện nền tảng hội thoại giao tiếp người máy bằng AI. Các trợ lý ảo AI của Vbee có khả năng nghe, hiểu và phản hồi bằng tiếng nói rất sống động và cảm xúc (callbot) hoặc văn bản (chatbot) một cách tự nhiên, như con người.
Với lợi thế sở hữu công nghệ lõi, trong đó tập trung lợi thế xử lý tiếng Việt, đóng gói theo yêu cầu khách hàng một cách tròn trịa, sản phẩm mang tính bản địa, đi sâu vào các lĩnh vực kinh tế như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm… Vbee phát triển tệp khách hàng gồm hơn 2 triệu người dùng cuối, hơn 300 doanh nghiệp (DN) và 200 cơ quan, đơn vị sử dụng sản phẩm và giải pháp nền tảng hội thoại AI, chủ yếu trên nền tảng điện toán đám mây của Vbee. Mới đây, start-up này phát triển thành công nền tảng hội thoại giao tiếp xuống thiết bị nhỏ gọn, chi phí thấp, giảm đến 25 lần thời gian xử lý của bộ tổng hợp tiếng nói chuyển từ văn bản sang tiếng nói.
"Đây thực sự là một bước tiến dài của cả đội ngũ. Công ty đã nộp thành công 2 sáng chế về công nghệ lõi, đồng thời nhận được đơn đặt hàng để phát triển và triển khai nền tảng giọng nói nhân tạo AI, tương tác người máy trên các máy chủ nhỏ gọn hơn, rẻ hơn và không cần kết nối internet" - TS Thu Trang chia sẻ.
Nhiều cơ hội từ "đại dương xanh"
Khởi nghiệp lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo đang được Chính phủ và Nhà nước tạo nhiều thuận lợi. Bên cạnh đó, do công nghệ AI là lĩnh vực mới nên mức độ cạnh tranh không quá lớn, DN có cả "đại dương xanh" để khai thác. Số DN thành lập mới hoạt động trong lĩnh vực này đang tăng nhanh, trong đó nhiều DN đã tạo được nền tảng vững chắc.
Đơn cử, tại cuộc thi Thử thách Đổi mới Sáng tạo Qualcomm Việt Nam mới đây, có đến 70% số đội lọt vào vòng chung kết là DN chuyên về công nghệ AI tại biên. Các công ty này đi đầu trong các lĩnh vực như bảo mật sinh trắc học, robot, tự động hóa chăm sóc sức khỏe, công nghệ đeo được, di động thông minh, giải trí được hỗ trợ bởi AI, phân tích bán lẻ, hệ thống nhiều camera, AI đàm thoại và các giải pháp năng lượng bền vững.
Đại diện Olli Technologies (Hệ điều hành hỗ trợ AI giúp đồ chơi trở nên sống động) với nền tảng BuddyOS, cho hay AI không chỉ là xu hướng công nghệ tất yếu mà còn là công cụ mạnh mẽ giúp DN tạo ra sự khác biệt. Cụ thể, AI giúp biến những món đồ chơi thông thường thành những người bạn đồng hành thực sự cho trẻ em. "Thách thức lớn nhất khi ứng dụng AI là phải liên tục đổi mới và cải tiến công nghệ để luôn dẫn đầu thị trường. Điều này đòi hỏi chúng tôi phải đầu tư không ngừng vào nghiên cứu và phát triển, xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi về AI. Tuy nhiên, chính thách thức này lại mang đến cơ hội phát triển mạnh mẽ bởi AI là lĩnh vực còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết" - đại diện Olli Technologies bày tỏ.
Nhà sáng lập Vbee thì cho rằng khởi nghiệp bình thường đã khó, khởi nghiệp lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là công nghệ AI càng khó hơn. Mặc dù AI đang được nhiều người quan tâm nhưng vẫn cần nhiều thời gian để người dùng hiểu được nó mang lại giá trị gì và sẵn sàng chi tiền mua sản phẩm, giải pháp. Vì vậy, start-up phải chuẩn bị kỹ các nguồn lực, nhất là tài chính để "nuôi" sản phẩm của mình cho đến khi thành công. "Bản thân Vbee đã chuẩn bị nhiều nguồn lực khác nhau, từ nguồn vốn ban đầu của các nhà sáng lập, nguồn tài trợ của các quỹ, nguồn vốn đầu tư… và liên tục tối ưu chi tiêu và vận hành trong quá trình start-up. Trong những năm đầu, các nhà sáng lập không có lương" - TS Thu Trang kể.
Cần thêm nhiều kỹ sư phần mềm
Ở góc nhìn của một người tham gia đào tạo lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, TS Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng hiện nhiều trường quan tâm đến đào tạo nhân lực các ngành công nghệ, trong đó có AI nên đội ngũ nhân sự AI cho nhu cầu phát triển lĩnh vực này trong hiện tại và tương lai gần đã khá đầy đủ. "Tuy nhiên, công nghệ hiện nay đã tiệm cận nên không cần đào tạo quá nhiều kỹ sư AI một cách đại trà mà cần tập trung vào việc đào tạo tinh túy, chất lượng cao; nhưng vẫn cần thêm nhiều kỹ sư phần mềm để có thể đưa được các sản phẩm từ AI ra bên ngoài" - TS Thu Trang nói.
Bình luận (0)