Ngoài ra, chính phủ mới có ít bộ trưởng chưa từng thấy và định hướng chính sách cầm quyền của ông Macron trong thời gian tới sẽ chuyển dịch từ trung dung về phía cánh hữu.
Cụ thể, chính phủ mới với tân Thủ tướng Gabriel Attal chỉ có 14 bộ trưởng. Những bộ được coi là quan trọng nhất như kinh tế hay tài chính, nội vụ hay quốc phòng thì nhân sự cũ vẫn tại vị. Số lượng thành viên cánh hữu trong chính phủ mới đã tăng lên. Thậm chí, một người thuộc Đảng Cộng hòa đối lập cũng có tên trong nội các mới.
Việc Tổng thống Macron cải tổ nội các và bà Elisabeth Borne phải rời ghế thủ tướng đã được dự đoán từ trước.
Ông Macron hiện gặp khó khăn lớn về đối nội. Liên minh cầm quyền hiện không có được đa số trong quốc hội nên việc thông qua đạo luật để thực thi những cuộc cải cách lớn - như về lương hưu và tị nạn, di cư - phải nhờ cậy vào sự ủng hộ hoặc không phản đối của phe đối lập, đặc biệt của cánh cực hữu, cực đoan, dân túy và dân tộc chủ nghĩa. Ngoài ra, với nội bộ liên minh cầm quyền bị chia rẽ, ông Macron trở nên ngày càng cô độc.
Thay thủ tướng là thủ pháp kinh điển của nhiều tổng thống mỗi khi gặp khó khăn, khó xử, bế tắc và bị giảm mức độ tín nhiệm trong cầm quyền.
Bà Elisabeth Borne vốn rất mẫn cán và trung thành với Tổng thống Macron nhưng phải từ chức trước khi bị sa thải vì ông cần người chịu trách nhiệm thay mình. Ông Attal cũng rất trung thành với ông Macron và hiện còn là chính trị gia được mến mộ nhất ở nước Pháp, theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận.
Tổng thống Macron giờ đánh cược tất cả vào việc chọn ông Attal làm thủ tướng mới để tạo cảm nhận và gây dựng hình ảnh về một sự khởi đầu hoàn toàn mới cho nhiệm kỳ kết thúc vào năm 2027 của mình.
Nhà lãnh đạo này không được tái ứng cử tổng thống lần nữa do đã cầm quyền 2 nhiệm kỳ liên tục nên không phải lo ngại về việc bảo vệ quyền lực cho thời gian tới.
Nhưng nếu không hành động thích hợp và nhanh chóng để xoay chuyển tình thế, liên minh cầm quyền của ông Macron sẽ không thể tránh khỏi kết quả thất vọng trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu sắp đến và cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2027, nhất là khi phe cánh cực hữu, cực đoan, dân túy và dân tộc chủ nghĩa tiếp tục trỗi dậy mạnh mẽ trong nước.
Về phương diện nhân sự, cuộc cải tổ chính phủ của ông Macron đã hoàn tất. Tuy nhiên, chỉ thay đổi nhân sự ở một vài cương vị không thôi lại chưa thể đủ để kiến tạo nên thời kỳ mới thật sự và để mang đến chuyển biến thực chất.
Cho tới nay, cả ông Macron lẫn vị thủ tướng mới đều chưa cho dân Pháp và thế giới bên ngoài biết sẽ thực thi ý tưởng cầm quyền mới nào cho thời kỳ tới.
Bình luận (0)