Trước đây, người Hà Nội không có khái niệm uống trà đá. Từ khoảng thập niên 90 của thế kỷ 20, trà đá từ Sài Gòn đã làm cuộc “đổ bộ” ra miền Bắc và không mất nhiều thời gian đã trở thành thức uống thịnh hành của đông đảo người Hà thành.
Cũng kể từ đó, quán trà đá bắt đầu lên ngôi. Trong công viên, xung quanh bờ hồ hay cổng cơ quan, trường học; gần bến tàu bến xe… đâu đâu cũng thấy quán trà đá.
Quán có thể trú ngụ tận trong những ngõ ngách sâu hun hút, cũng có thể “nay đây mai đó”, đột ngột “ra đời” cạnh một bãi đậu xe ôm, một khu cửu vạn chợ người hoặc nơi các cô gái chân dài tụ tập vẫy khách bán thân…
Một quán trà đá được lập nên đơn sơ. Một cái bàn con con tự chế bằng gỗ tạp, vài cái ghế dài hoặc chục cái ghế nhựa, dăm bảy cái cốc… thế là đầy đủ tiêu chí thành cái quán xôm tụ… Tất cả đều hướng theo mục đích “rẻ” và “cơ động”.
Công thức chế biến trà cũng đơn giản. Pha một ấm sao thật đặc để lấy nước cốt, khi có khách gọi thì bỏ vào cốc vài cục đá nhỏ, đổ nước trắng gần đầy rồi rót nước cốt chè lên trên.
Chỉ vài thứ đồ đơn giản là thành một cái quán xôm tụ
Mùa hè nóng nực, mỗi người một lý do để ngồi vào quán uống trà đá nhưng chắc đều có chung một cảm nhận là ly trà đá mát lạnh, giá rẻ.
Những người làm nghề bán trà đá một là do không có công ăn việc làm ổn định, hai là đã về hưu và ba là lao động ở quê ra Hà Nội kiếm sống. Trong lúc loay hoay với kế sinh nhai, thấy nghề bán trà đá vốn ít, lãi to, họ đã nhanh chóng vào cuộc, trở thành một đội ngũ đông đảo trong phong trào “người người bán trà đá, nhà nhà bán trà đá”.
Chị Hoa (Cầu Diễn) bán trà đá vào buổi tối ở Sân vận động Mỹ Đình vui vẻ kể: “Trước kia nhà tôi trồng 3 sào rau muống lấy đồng ra đồng vào, sau khi giải phóng mặt bằng, 2 vợ chồng trẻ thất nghiệp. May có người quen giới thiệu, giờ cả hai vợ chồng bán quán trà đá ở đây, cũng đủ sinh sống và nuôi 2 cháu đi học”. Xem ra, nghề bán trà đá cũng là nghề siêu lợi nhuận.
Bên cạnh những cái “được” ấy, nếu xem xét ở góc độ mỹ quan đô thị, an toàn vệ sinh thực phẩm và một số vấn đề xã hội khác thì quanh ly trà đá cũng còn rất nhiều điều phải trăn trở.
Đa phần các quán bán trà đá đều dựng tạm bợ, nhiều chỗ quán xá nhếch nhác, kẻ đứng người ngồi ngay cạnh ngay cạnh bờ sông nồng nặc mùi nước thải.
Nhiều quán trà đá bày bán tự do, lấn chiếm lòng lề đường, chiếm dụng cảnh quan công cộng, cản trở giao thông.
Thi nhau bày bán, lấn chiếm vỉa hè dành cho người đi bộ
UBND TP Hà Nội đã ban hành quy định về quản lý vỉa hè nhưng đến nay không phải mất công dạo xe tìm kiếm, người ta vẫn bắt gặp bất cứ lúc nào một quán trà đá đang bày bán trên phần đường dành cho người đi bộ. Khi xuất hiện lực lượng an ninh trật tự và dân phòng phường sở tại, người bán hàng quơ tay thu dọn, chạy dạt vào các ngõ, hẻm xung quanh. Khi lực lượng này vừa đi khỏi thì mọi chuyện lại đâu vẫn hoàn đó.
Hai quán trà đá “kẹp” một trạm dừng xe buýt
Và trà đá được pha chế ra sao thì không phải thực khách nào cũng biết. Tại một quán ở ngã ba Hoàng Quốc Việt giao với đường Phạm Văn Đồng, chiếc bàn là 2 mảnh gỗ mục nát kê trên 4 tảng bê tông ẩm ướt. Người bán hàng với bộ móng tay đen nhẻm, đang dùng cái dùi gỗ đập đá vào một cái thùng chứa cáu bẩn, lớp xốp lót trong thùng đã ố đen, lỗ chỗ. Ngay đằng sau quán vài mét, hai người đàn ông thản nhiên tranh thủ đi vệ sinh “trút nỗi buồn” trong lúc chờ xe khách.
Có khu vực bán trà đá đã ngẫu nhiên trở thành những tụ điểm, nơi tập trung của những thành phần bất hảo, làm nghề cờ bạc, điều gái bán dâm.
Cạnh một bãi đất đá lổn nhổn và dòng sông bốc mùi xú uế
Sẽ không ai phủ nhận được nét ẩm thực thú vị, độc đáo đã và đang diễn ra quanh ly trà đá. Nhưng để nét ẩm thực này trở thành một nếp sống văn minh, một thói quen văn hóa thanh lịch của người Hà Nội thì cần hạn chế mặt tiêu cực, phát huy cái tích cực.
Bình luận (0)