33 năm qua, hình ảnh cố NSƯT Thanh Nga vẫn được công chúng mộ điệu sân khấu cải lương yêu mến. Cùng ngày, đoàn cải lương Thanh Nga cũng tổ chức giỗ tại trụ sở đoàn, trong thời gian thương hiệu này dàn dựng kịch bản Về cõi Phật của tác giả Đào Việt Anh để biểu diễn cuối năm.
NS Tâm Tâm, Khánh Tuấn – đôi đào kép chánh của đoàn hiện nay và các nghệ sĩ đồng nghiệp đã quây quần bên di ảnh cố NSƯT Thanh Nga để cùng ôn lại những kỷ niệm đẹp của người nghệ sĩ tài hoa bạc mệnh đã ra đi ở tuổi 37. Riêng NS Hữu Châu và gia đình anh tổ chức cúng cơm chay vào ngày âm lịch (thứ bảy tuần trước).
Di ảnh cố NSƯT Thanh Nga (ảnh do gia đình cung cấp)
NSƯT Kim Cương kể lại: “Năm đó, khi được báo tin Thanh Nga và chồng bị giết tối hôm trước, tôi bất tỉnh tại chỗ. Khi hồi sức, tôi đến bệnh viện Sài Gòn nhìn mặt Thanh Nga lần cuối. Ấn tượng đầu tiên của tôi là không tin cô ấy đã bị bắn chết. Thanh Nga trong trang phục của vở diễn Thái hậu Dương Vân Nga từ đêm trước, nằm đó với hình ảnh quá đẹp, trong khi người chồng Phạm Duy Lân nằm ngay sát bên cạnh da dẻ bắt đầu chuyển màu. Nét mặt Thanh Nga như người đang ngủ, da trắng hồng với màu son phấn phơn phớt, tóc xõa dài đen tuyền. Giờ đây khi nhớ lại tấm thảm kịch, tôi chỉ muốn nói, Thanh Nga đã sống trọn vẹn từng giây phút và ra đi trọn vẹn với hình ảnh đẹp của người nghệ sĩ... Nga đã chứng kiến cảnh con mình sắp sửa bị bắt đi và Thanh Nga chấp nhận chết cho con được sống. Đó là người phụ nữ yêu thương với tất cả trái tim của mình"
Cố NSƯT Thanh Nga và NSƯT Bảo Quốc năm 1962
NS Mỹ Uyên – Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TPHCM tâm sự: “Tôi là thế hệ con cháu của cô Thanh Nga. Ngày ấy tôi hãy còn nhỏ lắm. Nhưng khi theo nghề diễn viên, được đọc những dòng tư liệu, xem những hình ảnh và phim về cô, tôi vô cùng xúc động. Nhất là xem cô diễn vai Trưng Trắc trong vở Tiếng trống Mê Linh mà tôi đã mê sân khấu để rồi quyết tâm theo nghề, dù tôi không có hơi ca nhưng vẫn theo nghề để làm diễn viên kịch nói. Ngày nay, trong những lần nhiều sân khấu tổ chức cúng Tổ và cúng ngày giỗ của cô, tôi vẫn có mặt bên bàn thờ để khấn nguyện cô phù trợ cho mình và cho sàn diễn ngày một hưng thịnh hơn”.
NS Xuân Lan – người đóng vai công chúa Bích Vân trong vở Bên cầu dệt lụa đã xúc động tâm sự: “Tôi có nhiều kỷ niệm trong 3 năm cuối đời của chị. Đó là một giai đoạn hết sức đặc biệt của sân khấu miền Nam. Chúng tôi diễn mà nơm nớp vì hay bị bạo động. Một lần đang hát tại sân khấu đoàn Việt Nam - Minh Vương thì có người ném lựu đạn cay lên sân khấu. Diễn viên mạnh ai nấy chạy thoát thân, tôi cũng chạy. Cùng lúc đó tôi nghe Thanh Nga hét kêu người ẵm một bác diễn viên trong đoàn bị yếu chân".
"Một lần khác, ở rạp Lao Động, chúng tôi lại bị ném lựu đạn khiến hai nhạc công chết tại chỗ. Chị Thanh Nga bị thương sau lưng, máu chảy ướt đẫm chiếc áo dài đang mặc. Anh Lân chồng chị phải ẵm xốc chị chạy thẳng xuống mấy tầng hầm ở rạp Lao Động để thoát ra ngoài. Còn tôi bị thương sau đầu, chết đến nơi mà còn sợ rớt mất cặp lông mi đạo cụ. Sau đó, chúng tôi nằm viện, Thanh Nga được khán giả hâm mộ tới tấp gửi quà bánh. Chị ấy mang chia đều cho các anh em cùng nằm viện mà không giữ gì lại cho riêng mình. Tôi còn nhớ câu cuối cùng mà tôi hỏi chị trong quá trình vở Thái hậu Dương Vân Nga đang ăn khách là sao chị không sắp xếp thời gian để đài truyền hình quay phim, chụp ảnh vở này như họ đã yêu cầu. Lúc đó chúng tôi đang diễn suất thứ 108, chị nói, để diễn trên sân khấu cho khán giả xem trước đã. Nhưng mọi dự định không kịp thực hiện vì phát súng oan nghiệt khiến vợ chồng chị ra đi mãi mãi. Trải qua thăng trầm của người nghệ sĩ cải lương, với tôi NSƯT Thanh Nga là hình bóng không thể nào quên...”.
NS Vũ Luân, Tú Sương, diễn viên Lê Thanh Thảo, ca sĩ Huy Vũ đến thắp hương tưởng nhớ cố NSƯT Thanh Nga trong ngày giỗ lần thứ 33
Tác giả Lê Duy Hạnh – Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN, chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM cho biết: “Tôi khẳng định một điều, 33 năm qua NSƯT Thanh Nga vẫn sống trong sự nghiệp sân khấu cải lương, khi mà mỗi mùa giải Trần Hữu Trang, rất nhiều thí sinh chọn những trích đoạn hay mà chị đã diễn để dự thi như năm nay".
NS Mỹ Uyên trước khi ra sàn diễn luôn khấn nguyện cố NSƯT Thanh Nga
Ông Lê Duy Hạnh kể tiếp: "Năm 1976, tôi viết vở Sau ngày cưới cốt cho Thanh Nga diễn chỉ vì muốn đền bù cho nhân vật chưa bao giờ được cưới của ngày ấy. Trong Sau ngày cưới, Thanh Nga đóng rất đạt vai người mẹ hoạt động cách mạng. Khi vở công diễn, Thanh Nga liên tục nhận được thư đe dọa gửi về nhà. Thanh Nga có đưa một trong những lá thư ấy cho tôi và dì Năm là má Thanh Nga xem. Thư đe dọa với những lời lẽ nặng nề, muốn buộc Thanh Nga không được tiếp tục diễn vai bà mẹ cũng như không được làm diễn viên nữa. Nhưng những lá thư đó hoàn toàn không làm nao núng được Thanh Nga… Năm nay, Hội đồng nghệ thuật trung ương sẽ xét duyệt việc truy tặng danh hiệu NSND cho cố NSƯT Thanh Nga về những công lao và sự cống hiến nghệ thuật của chị đối với sự nghiệp sân khấu cải lương”.
Bình luận (0)