Phòng tranh có 36 tác phẩm được trưng bày. Nhà thơ Phan Vũ cho biết: “Xưởng bên quận 9, TPHCM còn hơn 30 bức nhưng ở phòng tranh này chỉ đủ để trưng bày thế thôi. Tôi mong gửi đến những người yêu thơ cảm nhận mới hơn về hình ảnh thông qua suy nghĩ của một tâm hồn luôn bị thôi thúc bởi cảm xúc, bởi màu sắc và qua đó thể hiện được sự lãng mạn, bay bổng của nguồn thơ khi gắn với hội họa”.
Nhà thơ Phan Vũ được biết đến không chỉ ở tài làm thơ mà ông vốn là một đạo diễn, một người viết kịch bản... Đọc nhiều bài thơ của ông giới mộ điệu nhận xét có chất phim. “Nghĩa là có hành động, dù nhẹ nhàng, di chuyển chậm nhưng ở đó rất…đời”- đạo diễn Trần Mỹ Hà – người có mặt tại buổi triển lãm đã nói.
Còn họa sĩ Trịnh Thanh Tùng nhận xét: “Phan Vũ là một nhà thơ mang đậm sự lãng mạn trong tâm hồn. Từ đó đã cho ông sức mạnh sáng tạo bền bỉ khi vẽ tranh. Cái quí nhất của người họa sĩ sáng tác đó là chất liệu từ tâm hồn, mà với Phan Vũ thì chính vì là nhà thơ nên ông không cần phải cố gắng hồn nhiên, lãng mạn vẫn đưa suy nghĩ của mình vào thơ một cách nhẹ nhàng. Điều quan trọng hơn vì ông là họa sĩ tự do, ông suy nghĩ điều gì, thích đề tài gì thì vẽ, không lệ thuộc vào phong cách nào nên xem tranh của ông rất thú vị. Ông không cố tình phá cách nhưng lại tạo được nét riêng trong nét cọ của mình”.
Nhà thơ Phan Vũ viết bài thơ đầu tiên vào năm 1956, cùng thời với những kịch bản phim và sân khấu của ông trình làng. Ở phòng tranh này, ông vẫn lấy thủ pháp kết hợp từ thơ với điện ảnh, để thi ca hoá những bố cục rất ấn tượng.
Bình luận (0)