Diễn viên quần chúng cũng góp phần không nhỏ cho thành công của bộ phim.
Nói ra sợ mất việc
Thù lao cho diễn viên quần chúng thường được thanh toán vào cuối ngày. Tuy nhiên, thời gian làm việc cũng rất vô chừng, có khi chỉ xuất hiện trong 1-2 phân cảnh nhưng lắm lúc phải kéo dài đến khuya. Diễn viên nào mệt mỏi bỏ về trước thì xem như đã “vi phạm”, không hoàn thành số phân cảnh đã thỏa thuận nên không được nhận thù lao. Dù bất kỳ đối tượng nào, nếu đã trở thành “quần chúng” trong đoàn phim đều có chung “thân phận thấp cổ bé miệng”. Trường hợp bị lấn lướt, chèn ép, diễn viên không biết cách gì để tự bảo vệ quyền lợi cho mình.
“Thật ra, nhiều đạo diễn, đơn vị sản xuất cũng đã từng khuyến cáo nếu có vấn đề gì không thỏa đáng thì cứ phản ánh nhưng chúng tôi biết rằng một khi đã lên tiếng, bị “cò” nhớ mặt rồi thì sẽ rất khó có thể trở lại trường quay” – một gương mặt trẻ bày tỏ. Hiểu được điều này, các “cò” ngang nhiên lộng quyền, đối xử tệ với diễn viên. Không ít người đóng phim một lần cho biết nhưng cũng có nhiều nhóm người đã trở thành “quần chúng chuyên nghiệp, cần là có” và cũng liên tục được các “cò” dắt mối giới thiệu cho các đoàn phim.
Một gương mặt từng nhiều lần đóng vai nhỏ trong các phim truyền hình nói rằng có khi chi phí tự trang trải chuẩn bị cho vai diễn còn gấp mấy lần thù lao nhận được. “Có lần được gọi đóng vai nhân vật có nhiều phân đoạn hơn là vai quần chúng, tôi cũng thấy vui nhưng được trợ lý yêu cầu phải lái được xe hơi và ăn mặc cũng phải phù hợp với hoàn cảnh nhân vật. Vậy là tôi đi học lái, rồi cũng mua sắm mọi thứ chuẩn bị tốt cho nhân vật nhưng thực tế, số tiền nhận được không giống như thỏa thuận ban đầu. “Cò” luôn tranh thủ, tìm mọi lý do để bớt xén thù lao” – diễn viên này nói.
Cần được tôn trọng
Chưa nói đến thù lao cho diễn viên quần chúng (dao động từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng/ngày) có xứng đáng hay chưa nhưng họ phải vất vả để kiếm được đồng tiền công là thực tế. Các diễn viên quần chúng cũng phải mất thời gian, có khi kéo dài từ ngày đến đêm, để chờ đợi các cảnh quay, phải chấp nhận dãi nắng dầm mưa, thậm chí thức trắng đêm để quay đi quay lại một vài phân cảnh cho đến khi đạt yêu cầu của đạo diễn.
Đạo diễn Bùi Nam Yên kể trong bộ phim Màu xanh đôi mắt (sắp phát sóng, đồng đạo diễn: Trần Quế Ngọc), có những cảnh quay người dân di tản hay hình ảnh tang thương sau bão cần đến hàng chục diễn viên quần chúng. Để có được phân cảnh tái hiện chân thực sự mất mát này, nhiều người dân vùng biển Tuy An (Phú Yên), từ ông già bà lão đến phụ nữ, trẻ con đều được đoàn phim mời tham gia, tất cả đều phải tập luyện nhiều lần để có thể thực hiện tốt phân cảnh chỉ lia một cú máy theo yêu cầu đạo diễn.
Người trẻ đến với trường quay vốn không phải để kiếm tiền, cũng như nhiều diễn viên chuyên đóng vai quần chúng lớn tuổi cũng xem việc đi đóng phim là niềm vui hơn là “kiếm thêm thu nhập”. Những ai thường tham gia các vai quần chúng vốn hiểu rằng phải chờ đợi trên trường quay cũng là chuyện thường tình nhưng điều họ cần là sự minh bạch trong chuyện tiền bạc và hơn hết là sự tôn trọng.
Đạo diễn Bùi Nam Yên ngậm ngùi: “Cho dù đóng vai quần chúng thì họ cũng phải lao động miệt mài với đoàn phim. Họ cũng chính là lực lượng góp phần không nhỏ cho thành công của bộ phim, nhất là trong những cảnh quay cần quy tụ hàng chục, hàng trăm diễn viên quần chúng. Thù lao cho họ vốn đã không đáng bao nhiêu mà lại còn bị ăn chặn, nghe thật xót”.
Quản lý được hết! Bà Nguyễn Thị Bảo Trâm (Giám đốc Hãng phim Vietcom) cho biết các đoàn phim của đơn vị chưa từng bị phản ánh về chuyện “cò” ăn chặn thù lao của diễn viên. “Mọi việc đều phải thông qua kế toán, ngoài các diễn viên vai quan trọng đã có hợp đồng, quy định hẳn hoi thì thù lao cho diễn viên quần chúng cũng được tính toán đâu đó rõ ràng. Có thể thông cảm với đạo diễn trên trường quay phải lo nhiều việc nhưng nhà sản xuất cũng phải có trách nhiệm quản lý ngân sách của đoàn, chi trả thù lao hợp lý cho tất cả diễn viên, từ vai lớn đến vai nhỏ” – bà Bảo Trâm nói. Đạo diễn Phan Hoàng - cũng là nhà sản xuất phim Anh hùng Nguyễn Trung Trực - cho rằng mọi thứ đều phải công khai, thù lao cho diễn viên quần chúng vốn đã được thỏa thuận ngay từ ban đầu và cứ theo đó mà chi trả một cách minh bạch. Đạo diễn Bùi Nam Yên cũng nhìn nhận việc quản lý thù lao cho diễn viên quần chúng không phải là điều bất khả thi. “Mọi thứ nếu diễn ra công khai, minh bạch thì sẽ không có cơ hội cho những chuyện khuất tất xảy ra” – đạo diễn Xuân Phước đúc kết. |
Bình luận (0)