Tìm hư danh trong “sex, đồng tính”
Bi kịch chung của mọi loại hình nghệ thuật đi theo trào lưu là sớm nở tối tàn. Văn học cũng không ngoại lệ. Khi văn học mạng “lên ngôi” cũng là lúc nhiều người viết trẻ tập trung khai thác về đề tài sex và đồng tính. Giới chuyên môn nhận định: Sự nở nồi không được định hướng này đi theo một quỹ đạo chung: viết tự do nhưng thiếu tư tưởng, mặc sức phiêu lưu theo con chữ trong một không gian mới nhưng không định hình được mình đi đến đâu và hành trình đó mang lại giá trị gì.
Gần như hiểu thấu và viết nhiều về đề tài đồng tính không ai qua nhà văn Bùi Anh Tấn. Nhà văn Vũ Đình Giang cũng có tiểu thuyết Song song khá ám ảnh về đề tài này. Cái lạ luôn tạo được sự chú ý và thêm sức hút của tự truyện Thành phố không lạc loài của Phạm Thành Trung, do nhà văn Lê Anh Hoài chấp bút, về sau đã trở thành một đòn bẩy để nhiều người lao vào khai thác đề tài này. Non kinh nghiệm, thiếu vốn sống và chưa thật sự thấu hiểu để có thể chia sẻ một cách sâu sắc và ám ảnh, không ít tác phẩm của một số cây bút trẻ đi sau trở thành những cuốn sách bị người trong giới đánh giá là viết dễ dãi, câu khách khi lấy yếu tố sex và đồng tính làm điểm tựa để phát triển nội dung trên nền của sự hời hợt. Điển hình như: Dị bản, Lạc giới, Hồng gai hoặc bị chính những người trong cuộc, hình mẫu nhân vật thật lên tiếng phản ứng như tự truyện Bóng...
“Chọn đề tài nhạy cảm nhưng không xuất phát từ sự tận tụy khơi nguồn cho những giá trị đẹp trong con người mà chỉ xem đó là yếu tố để “văn bán chạy” thì xem như nhà văn tự giết chết chính mình. Sách có thể best-seller vì gây được sự chú ý ban đầu nhưng sự hào nhoáng của hư danh tạm bợ cũng dễ dàng trôi theo thời gian, trong khi giá trị đích thực của văn học là sự lắng đọng”- một nhà văn nhận định.
Lịch sử văn học Việt Nam đã ghi dấu những tên tuổi nhà văn khi họ còn rất trẻ: Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nhất Linh… Diện mạo văn học Việt Nam thời kỳ chiến tranh cũng được vẽ lên thành bức tranh hoành tráng bởi những tên tuổi cầm bút chưa đến tuổi 30. Không quá xa là văn học thời kỳ đầu đổi mới, chúng ta cũng có những Nỗi buồn chiến tranh, Tướng về hưu, Đứng trước biển, Cù lao tràm, Mảnh đất lắm người nhiều ma, Mùa lá rụng trong vườn… của những Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Mạnh Tuấn, Nguyễn Khắc Trường, Ma Văn Kháng… đang trong độ tuổi thanh xuân.
Còn văn học hôm nay thì sao, các nhà văn trẻ đang viết gì? Nhân vật sống hoang mang, cô độc, bi kịch không đến từ những bất hạnh của cuộc sống mà đến từ cách suy nghĩ, lối sống của chính họ. Họ tự đày đọa cảm xúc của chính mình, lạc loài trong mất mát kiếm tìm và có thể dễ dàng bỏ cuộc trước những rào cản, va vấp của cuộc sống. Sự lựa chọn nỗi cô đơn, chán chường, bế tắc trước cuộc sống của những người viết trẻ “đồng nhất” đến nỗi một nhà văn thốt lên rằng các cây bút trẻ đã tạo nên “dòng chảy u buồn” cho văn học.
Nhiều nhà văn thế hệ trước nói rằng ngày nay có internet, điều kiện sống tốt hơn, lẽ ra thế hệ sau phải có tác phẩm tốt hơn. Nhưng nói như nhà văn Di Li thì chính những điều kiện sống hiện đại đã biến con người trở thành tù nhân tự nguyện của những chiếc lồng kính vô hình, khiến họ quên mất sự dấn thân và trải nghiệm tự nhiên của nghề viết.
Người viết trẻ thấu hiểu được thiếu sót của họ nhưng bản thân lại thiếu sự tận tụy để tìm tòi, thả mình vào những cuộc dấn thân, trải nghiệm lớn lao. Nhà văn trẻ của Trung Quốc Hà Mã sẽ không thể có bộ sách Mật mã Tây Tạng cuốn hút độc giả khắp năm châu nếu anh không có một hành trình dấn thân bản lĩnh. Nhà văn Di Li cũng sẽ không có những đầu sách đa dạng thể loại, không gian nếu như chị không chú tâm đi tìm sự trải nghiệm tự thân trước khi dồn sức cho văn chương.
“Thiếu vốn sống” là nhận xét của nhiều nhà văn khi nói về người viết trẻ. Và bản thân người trẻ phải có trách nhiệm đi “vỡ hoang tri thức”, nâng tầm giá trị của bản thân nếu như có ý chí và tận tụy với văn chương. Nhưng thật không dễ đổi chiều gió cho văn học trẻ, bởi nói như gương mặt đại diện cho văn trẻ Lê Minh Nhựt thì “tri thức người viết trẻ thường hạn hẹp, họ lại lười tư duy, chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt… còn cái cần để “trả nợ” văn chương thì lại thiếu”. n
“Cái thiếu lớn nhất hiện nay trong tác phẩm văn học của những người trẻ chính là hệ thống tư tưởng. Văn chương mà không chứa đựng tư tưởng không thể gọi đó là văn chương. Tiếc là, dường như người trẻ thế hệ tôi hôm nay, ít người chịu bồi đắp cho mình hệ thống tư tưởng nhất định”.
Cây bút trẻ Yến Linh |
Bình luận (0)