*Anh thích nghe lời khen hay lời phê bình của khán giả?
- Khen thì ai không thích nhưng tôi xác định mình là nghệ sĩ, mỗi ngày qua đi cần “tẩm bổ” bằng “hàng độc” cơ thể mới được khỏe khoắn. “Hàng độc” là những lời phê bình.
* Mỗi khi gặp khó anh giải quyết thế nào?
- Chuyện khó thì gặp nhiều nhưng đa phần tự thân tôi giải. Xem bạn diễn để đúc kết cho mình là một chuyện, cái chính là mình phải tự thân vận động. Tôi là người thích thử thách để làm mới mình. Chuyện khó mà mình giải được, dù có chậm thì cũng thú vị hơn nhờ người khác.
Chưa bao giờ "nộp tiền" cho Las Vegas!
- Cuộc sống mà không chơi thì phí phạm nhưng chơi liều lượng, hưởng thụ nhưng đừng tận thu, tận diệt. Tôi sợ nhất là để mình dính vào tứ đổ tường. Nhiều người cho rằng đàn ông mà không rượu chè, thuốc lá, bài bạc... không phải đàn ông nhưng riêng tôi thì những thứ trên chỉ dẫn đến một nơi: bệnh viện.
*Nhìn được cố tật của mình là một người luôn biết khắc phục để đi lên, anh có thấy được cố tật đáng ghét của mình?
- Tôi có một cái tật mà không ai có thể chữa được đó là ngáy to. Hoài Linh đi diễn xa với tôi dứt khoát không ở chung phòng. Lên máy bay cũng không ngồi kế bên. Một lần tôi và Hoài Linh bay sô xa, ngồi giữa chúng tôi là một cô gái Hàn Quốc. Ban đầu cô ta còn lịch sự mỗi khi nghe tôi ngáy, Hoài Linh cũng cười mỉm chi nhưng rồi đến một lúc không thể chịu được, cô ta kêu tôi dậy và nói một tràng tiếng Hàn. Hoài Linh cười, thuật lại câu chuyện cho tôi nghe. Lúc đó tôi xin lỗi quá trời, nhìn phía sau máy bay có hàng ghế còn trống, tôi lặng lẽ xuống đó ngủ một mình.
*Sự thăng hoa được anh vẻ theo biểu đồ nào trong sự nghiệp của mình?
- Hình kim tự tháp ngược.
Tôi là một nhạc công, bất ngờ xuôi khiến đi vào con đường diễn viên hài, rồi trở thành một danh hài. Phần nặng nhất của kim tự tháp cứ đè lên vai tôi. Nó nhắc tôi phải làm sao giữ cho vững, không bất ngờ đổ xuống.
- Tôi đàn.
*Nếu không đàn, anh sẽ làm gì vì không ai mang theo đàn 24/24 bên người?
- Tôi đàn trong tâm thức. Âm nhạc trong con người đam mê khác với người thường, cũng như nhà thơ sáng tác có bao giờ họ lấy giấy viết ra ngay để chép, mà thơ sắp sẵn vần điệu trong đầu, đến khi gặp giấy nó tự động tuôn trào. Tôi cũng thế, đàn trong tâm thức để tránh đi những khó chịu thực tại.
* Hậu trường nghề có bao giờ khiến anh phải "đàn trong tâm thức"?
- Nhiều. Khi tập thì tôi thoại câu này, bạn diễn thoại câu kia, sự hòa quyện đó tạo nên tình huống, nuôi mạch cảm xúc và hình thành tính cách, số phận của nhân vật. Thế mà ra sân khấu bạn diễn giành thoại câu của tôi, đảo lộn tất cả mạch diễn. Tôi không quen cách làm ăn kỳ lạ như thế. Sau này tôi biết được ở bên sân khấu cải lương có nhiều nghệ sĩ quen diễn lập thành, hễ bốn bước quẹo trái, năm bước ngồi xuống, ba bước tựa vào cánh gà.
- Tôi là người hâm mộ của sàn diễn cải lương. Hồi đó mỗi khi đi chơi nhạc về sớm, tôi đều ghé qua rạp Lao Động để xem cải lương. Có hôm vì không có tiền tôi xin vào coi cọp, hôm có tiền mua vé ngồi tuốt trên lầu hàng Z nhưng vẫn cảm thấy hạnh phúc. Tôi thích Hùng Cường, Thanh Nga và tuồng nào của hai nghệ sĩ này tôi cũng xem. Sân khấu cải lương ngày xưa không có chuyện diễn quên lời, tiếng nhắc tuồng rộn ràng bên trong cánh gà. Sân khấu cải lương hồi xưa có dàn micro kéo dây, có khi đụng đầu diễn viên đau nhói lòng nhưng họ vẫn diễn hết mình và khán giả cảm nhận rõ từng cảm xúc qua vai tuồng, lời ca của họ.
* Và anh cũng nhiều lần lấn sân sang sân khấu cải lương?
- Hậu trường rạp Hưng Đạo dạo trước có thờ di ảnh cô Thanh Nga, nay di ảnh đó dời về rạp Thủ Đô. Lần nào diễn ở hai nơi này tôi cũng đều vào khấn nguyện. Tôi khấn: “Cô Nga ơi, hồi đó con có đi xem cô hát, cả đời không nghĩ sẽ bước lên sân khấu cải lương. Nay, có cơ duyên cho con làm nghệ sĩ, nếu có lần nào dám cả gan mạo phạm mà bước lên thánh đường của cô, cô phù trợ cho con bơi qua tới bờ nhé!”.
"Không có tôi nếu thiếu gia đình!"
* Nhìn lại quãng đời đã qua, chính anh còn cảm thấy bất ngờ?
- Tôi sinh 15-8-1958 với cái tên cúng cơm là Nguyễn Chí Tài. Tôi được biết đến như một nhạc công guitar, một nhạc sĩ trước khi tôi theo nghề diễn viên hài. Những năm 1976 - 1977, tôi tham gia hoạt động văn nghệ tại địa phương ở quận Phú Nhuận, TPHCM. Năm 1981, tôi sang Mỹ định cư theo diện gia đình bảo lãnh, có ý định sẽ tạo dựng cuộc sống mới tại Mỹ bằng cách đi học tiếng Anh, vi tính và không tham gia văn nghệ.
Tôi cảm ơn ba mẹ tôi đã sinh ra tôi có một gương mặt "ngồ ngộ", để sau này thích hợp với nghề diễn viên hài. Tôi mang ơn anh trai tôi – nhạc sĩ Chí Thiện đã dìu dắt tôi vào nghề, dạy cho tôi đàn guitar. Trong gia đình tôi có 10 anh em, chỉ có anh tôi, tôi và em út hiện là một tay trống trong ban nhạc. Gia đình tôi thực sự là điểm tựa cho tôi trong sự phấn đấu gắn bó với nghề.
- Đó là thời gian hào hứng nhất trong đời tôi. Ban nhạc lúc đó sung lắm, anh em hăng hái biểu diễn và tập luyện lắm. Sự hơn thua giữa các đội chơi ở các quận huyện khác nhau tạo nên cạnh tranh trong sáng. Ban nhạc này có “cây đinh” là tay bass, thì ban nhạc khác khoe ngay “cây đinh” là tay trống. Riêng Phú Nhuận của chúng tôi thì muốn có “cây đinh” nào cũng được, đã chơi thì “khô máu” cũng chơi. Những “chiến hữu” của tôi: Hào Hiệp, Kiều Linh, Vân Bê, Anh Sơn…tất cả đều hăng say sáng tạo, hết mình với ban nhạc và chịu khó học hỏi.
Vợ tôi là khán giả khó tính!
- Năm 1979, tôi tham gia phong trào văn nghệ quần chúng với nhóm ca khúc chính trị ở TTVH Phú Nhuận. Một lần đi hát đám cưới ở Gò Vấp, bà xã tôi là ca sĩ được mời hát tăng cường trong ban nhạc. Lúc hát xong thay vì cô ấy phải chạy qua sô khác nhưng không hiểu sau lại nán đợi hết chương trình để anh em ngồi ăn tối với nhau.
* Chị Phương Loan có là người phụ nữ khó tính?
-Cô ấy là khán giả khó tính của tôi. Lúc còn ở ban nhạc thì cô ấy siêng tập lắm, hát thì phải đúng chuẩn, đúng tông, đúng nhấn nhá, ngân nga. Thời đó, các ca sĩ siêng năng lắm, điệu gì cũng hát, tông nào dành cho bài nhạc nào đều biết như đếm ngón tay. Nhờ vậy mà ai cũng giỏi, ra hát với ban nhạc là "chấp" tất cả, không như ngày nay hát với nhạc thu phối sẵn, nên một số ca sĩ chưa chắc hát với ban nhạc mà hay như thời của chúng tôi hồi đó. Sau này tôi chuyển qua diễn hài, cô ấy xem và góp ý với tôi sau mỗi tiểu phẩm. Thường thì tôi nhìn xuống khán phòng thấy cô ấy ít cười lắm, về nhà tôi hỏi, cô ấy nói: “Em không thích biểu lộ sự thích thú khi xem anh diễn một cách thái quá. Thật ra em rất mắc cười đó chứ!”, vậy là tôi yên tâm.
- Cho đến hôm nay thì tôi thấy vẫn chưa có gì vội vã lắm. Mà nói như Hoài Linh thì vợ chồng tôi không có duyên với đường con cái. Nhiều bạn bè khuyên nên sinh con nuôi để gia đình có tiếng khóc cười của trẻ thơ nhưng vợ chồng tôi nghĩ nếu mình nuôi dưỡng không tốt lại có lỗi với đứa bé.
* Đã là một diễn viên hài với tiền cát-sê cao ngất, sao anh vẫn để bà xã đi làm tận bên Mỹ?
- Bà xã tôi là nhân viên của một hãng điện tử lớn ở Mỹ. Cô ấy đã làm việc ở đó 25 năm. Ở Mỹ, làm hãng xưởng có đóng thuế thu nhập mỗi năm, bảo đảm cho lương hưu và những quyền lợi lúc về già. Vợ tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ bỏ công việc này, dù tôi có làm ra triệu USD.
Hoài Linh là "vợ bé" của tôi!
* Nếu không có dịp may gặp Hoài Linh để bất ngờ đi diễn hài năm 1997 thì sẽ không có một danh hài Chí Tài ngày nay, đúng không anh?
- Năm 1997, tôi được dịp thử sức với Hoài Linh diễn tấu hài do thiếu diễn viên trong một sô diễn. Vai diễn được sự tán thưởng và yêu mến ngoài mong đợi. Với tôi Hoài Linh luôn là người đi trước, có sự đa dạng trong diễn xuất, đáng để học hỏi. Hiếm khi nào Hoài Linh chỉ dẫn tôi trên sàn tập, cứ để tôi cảm nhận vai diễn và “tưng” cho đến cùng. Đôi lúc tôi làm không được, "chướng" lắm Linh mới lên tiếng và hướng dẫn tôi.
* Có buổi diễn nào anh bước ra sân khấu không biết sẽ diễn gì chưa?
- Hôm diễn tại rạp Thủ Đô trong chương trình Chuyện tình sân khấu gây quỹ từ thiện ủng hộ người tàn tật và trẻ em mồ côi do Nhà hát Trần Hữu Trang tổ chức, tôi và Hoài Linh lẽ ra diễn một tiểu phẩm hài nhưng vì quá trễ rồi, nhìn đồng hồ đã gần 23 giờ 30. Thế là, chúng tôi phối hợp nữ quái kiệt Bo Bo Hoàng diễn chung luôn, ra sân khấu “hồn ai nấy giữ”. Tôi lần đầu tiên diễn cương, chưa biết tình huống và lời thoại như thế nào, còn Hoài Linh thì lanh lắm, nắm vai cấp kỳ.
- Tôi đang đóng vai ông Bảy hàng xóm trong bộ phim 12 bến nước do đạo diễn Trần Ngọc Giàu dựng. Phim này là phim đầu tiên của Công ty Đại Cồ Việt, nơi Hoài Linh, Trần Ngọc Giàu, Nhật Cường đặt tâm huyết.
- Không, có điều cực lắm. Tôi cứ diễn như những gì mình suy nghĩ. Cái tạng của tôi tỉnh queo, trầm lặng, ngồ ngộ và khù khờ. Do đó đạo diễn chỉ cần phác thảo mỏng thôi thì tôi làm cho tính cách đó dày thêm hơn. Tính đến nay tôi đã đóng được nhiều phim rồi, mỗi vai mỗi phim đã cho tôi thêm tự tin khi diễn trước ống kính.
* Anh có dự định thực hiện live show trong năm 2012?
- Sau lần làm live show ngày 1-1-2011 tại rạp Hưng Đạo đến nay, tôi cảm thấy chưa có đủ duyên để làm. Lần đó cập rập quá nên khi làm tôi không hài lòng lắm. Đã gọi là live show thì phải có sự đầu tư, phải nhìn nhận Hoài Linh rất kỹ, diễn và tập đâu ra đó. Nếu muốn quay hình lại để phát hành DVD sau này thì phải quay 3 suất mới có hình ảnh, âm thanh đạt chất lượng, còn một suất thì coi như thua.
* Diễn kịch dài khác xa tấu hài, anh lấy cảm hứng, chất liệu thế nào để diễn xuất kịch dài?
- Qua các vở: Người nhà quê, Dâu đất khách, Ra giêng anh cưới em, Cổ tích một tình yêu… tôi biết mình có thế mạnh chuyển biến rất nhanh ở cách nắm bắt tiết tấu vai diễn mà tìm cách thể hiện thân phận khác nhau. Tôi đến với nghề từ tay ngang nên chịu khó đào luyện cho vai diễn hoàn chỉnh. Cách hay nhất là hỏi những em hậu đài, vì các em đêm nào cũng xem và xem rất hồn nhiên, các em nói tôi diễn tốt thì tôi mừng, còn nó lắc đầu thì tôi phải suy nghĩ lại. Chất liệu cần cho vai kịch chính là cuộc sống. Tôi quan sát tất cả những gì chung quanh tôi, từ trên đường phố cho đến khi tôi đến những nơi công cộng.
*Anh sẽ viết hồi ký?
- Không, tôi sẽ làm một bộ phim về cuộc đời mình. Một bộ phim chẳng cần hư cấu gì hết, cứ thế mà kể ra như đúng với những bước đường tôi qua. Nội dung kể về một anh thanh niên mê nhạc, tham gia ban nhạc với các nhóm ca khúc chính trị, đi diễn xa toàn thể ban nhạc chất lên chiếc xe xích lô máy. Rồi bỗng dưng làm diễn viên hài, đi đóng cải lương, chuyển qua đóng phim… Tất cả gói gọn lại với những lối rẽ bất ngờ. Bộ phim này sẽ là hướng mơ ước mà tôi sẽ chạm tay tới không xa đâu.
Xin cảm ơn những chia sẻ chân thành của anh.
Bình luận (0)