Cư dân mạng có sức mạnh nhưng không có nghĩa là không có sơ hở. Với những cái đầu quá chiến lược của các “ông trùm” trong giới truyền thông hay sự ma mãnh của giới showbiz, họ không mất thời gian tìm ra những kẽ hở để lợi dụng.
Đội ngũ quảng bá miễn phí
Tạo một diễn đàn bằng cách đưa ra một sự kiện rồi vào bình luận “mồi” là việc không khó với giới trẻ hiện nay. Đó chính là lý do một nghệ sĩ dễ dàng giăng bẫy cư dân mạng bằng cách tung tin về bản thân trên một địa chỉ Facebook tự tạo rồi thu hút người khác vào chia sẻ, bình luận. Tất nhiên, một thông tin độc kiểu “tự tử” hay một tấm hình mô tả thân hình oặt ẹo trong bệnh viện của một người nổi tiếng chắc chắn có sức hút mãnh liệt với công chúng mạng. Cuối cùng, nghệ sĩ được lên báo để nói một cách chính thức điều họ vừa trải qua cũng như suy nghĩ của họ về nhân tình thế thái. Nói cư dân mạng bao gồm cả những người không tồn tại, tức ảo, cũng là điều dễ hiểu bởi có thể một phần trong số này được tạo ra bởi chính những người muốn kiểm soát mọi thứ theo ý mình.
Hùa theo đám đông
Tai hại nhất của công chúng mạng là sự a dua, hùa theo đám đông. Hễ thấy đông người ủng hộ là họ ủng hộ theo và ngược lại, không cần biết bản chất sự việc thế nào. Không hiếm những câu chuyện, những bức ảnh mặc dù đã ra đời và dậy sóng cách đây từ rất lâu nhưng vài ba năm sau đó, người ta lại đưa chúng ra, truyền tai nhau với những bình luận kinh hoàng như thể mới xảy ra .
Mới đây, bức ảnh về một nam thanh niên quỳ giữa hai tượng cụ rùa ở Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), trên lưng cõng tấm biển “Xin đừng sờ đầu rùa” xuất hiện và làm cư dân mạng dậy sóng. Chỉ sau khoảng một giờ xuất hiện trên Facebook, hình ảnh này đã thu hút gần 2.000 lượt chia sẻ cùng rất nhiều bình luận bày tỏ sự đồng tình. Điều ấy hoàn toàn dễ hiểu vì trước đó đã xảy ra một số hành động không đẹp tại Văn Miếu nên mọi người cho rằng bức ảnh này như một lời cảnh tỉnh những hành động bất kính. Thậm chí, cư dân mạng còn rất tò mò về người trong bức ảnh này là ai. Thế nhưng, sự thật là bức ảnh đã được chụp cách đây 2 năm (vào ngày 8-7-2010). Người đàn ông trong ảnh là họa sĩ Phạm Huy Thông. Bức ảnh là một màn nghệ thuật trình diễn của họa sĩ, được thực hiện trùng với kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2010.
Thực tế, việc tạo nên những hiện tượng trong các cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc có một phần đóng góp rất lớn của cư dân mạng. Sự tán dương một vài người với tâm lý “cái số đông thích thì mình cũng phải thích mới là thức thời và sành điệu” đã tạo nên những hiện tượng mà nhiều người không thể lý giải. Nhưng rồi, khi cuộc thi đi qua, nếu giọng ca hiện tượng ấy chưa tạo nên những ấn tượng gì như mong đợi, cư dân mạng lại cùng nhau chỉ trích theo kiểu “chặt chém” hội đồng. Không khó để nhận ra số cư dân mạng này chỉ tham gia bình luận chê bai cho có chứ chưa từng dành thời gian để thẩm định một cách rõ ràng những điều mình chỉ trích.
Thật thật, ảo ảo Chưa ai thống kê công chúng quyền lực trên mạng có bao nhiêu phần trăm là thật, bao nhiêu là ảo. Núp dưới những nickname không cụ thể, một người có thể tạo ra hàng trăm công chúng ảo để phát ngôn hay biểu thị thái độ của mình. Không ít nghệ sĩ cũng lợi dụng công chúng mạng để tạo ra những bình chọn ảo cho mình trong các cuộc thi do công chúng quyết định. |
Bình luận (0)