Đại Nghĩa: Trước khi nhận lời tham gia một chương trình, tôi đều cân nhắc theo nhiều tiêu chí, xem chương trình đó có giúp bản thân mình thử thách ở một lĩnh vực mới hay có mang ý nghĩa xã hội không. Mình xuất hiện nhiều quá trên truyền hình mà không có gì mới dễ khiến khán giả nhàm chán. Tôi sẵn sàng nói “không” nếu nó đơn thuần là những chương trình giải trí vô thưởng vô phạt.
Thà làm diễn viên hát tốt còn hơn ca sĩ hát tệ
*Anh có ý định khai thác những khả năng này trên sân khấu chuyên nghiệp?
- Tôi là một diễn viên kịch, thông thường cũng hay hát trên sân khấu để vở kịch thêm phần hấp dẫn. Nhưng lúc đó, tôi hát không được tự tin, giờ đã mạnh dạn hơn nhiều. Tôi chưa bao giờ có ý định đi hát và tự biết mình là một diễn viên hát tốt chứ không phải ca sĩ hát hay. Đặt mình vào vị trí khán giả, tôi biết họ thú vị khi nghe diễn viên Đại Nghĩa hát nhưng sẽ chán khi nghe ca sĩ Đại Nghĩa hát. Tôi thà làm diễn viên hát tốt còn hơn ca sĩ hát tệ.
- Sân khấu kịch đang nở rộ về số lượng nhưng chất lượng lại không tương xứng. Số lượng tăng là một tín hiệu đáng mừng, thể hiện sự yêu mến của công chúng dành cho bộ môn nghệ thuật này. Điều đó còn giúp các thế hệ diễn viên trẻ có cơ hội thử thách với nghề sớm hơn.
Thời tôi mới ra trường, sân khấu kịch không nhiều, không dễ gì tìm cho mình một vai diễn. Để có thể bám trụ nghề, tôi tận dụng từng phút trên sân khấu, chấp nhận những vai nhỏ nhất để tìm cơ hội. Bây giờ, các bạn sinh viên, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã được tiếp cận với vai, thậm chí nhiều người còn được giao vai chính. Nhưng điều đó cũng là “con dao hai lưỡi”, các bạn trẻ không có thời gian học hỏi, trau dồi nghề nghiệp. Thậm chí, một số bạn không biết quý trọng cơ hội của mình vì cái gì đến dễ dàng cũng làm người ta ít trân trọng.
Kịch bản sân khấu kịch vốn đã khan hiếm, nay càng nhiều sân khấu, kịch bản hay càng khan hiếm, các sân khấu chỉ có được một đến hai vở hay một năm. Còn lại, đa số kịch bản cẩu thả, thiếu đầu tư, chạy theo thị hiếu của công chúng.
*Chạy theo thị hiếu công chúng, kịch sẽ thiếu tính định hướng. Nhưng nếu không đáp ứng thị hiếu, vở kịch sẽ rất khó lên sân khấu vì không có khán giả . Anh có thấy đó là nghịch lý?
- Đa số các sân khấu hiện nay là của tư nhân, các ông, bà bầu bỏ tiền ra đầu tư luôn muốn thu về lợi nhuận cao. Những vở chính kịch thường có tuổi thọ không cao, chỉ diễn được vài suất, còn những vở hài nhẹ nhàng có thể diễn 5-10 năm. Trong khi đó, khán giả đa phần thích những vở kịch mang tính giải trí nhẹ nhàng.
Các ông bầu muốn không bị lỗ phải chấp nhận chiều theo khán giả. Sân khấu Idecaf một năm vẫn cho ra đời những vở kịch mang tính nghệ thuật: Bí mật vườn Lệ Chi, Vua thánh triều Lê, Ngàn năm tình sử... Những vở này chỉ đáp ứng một phần nhỏ những khán giả muốn xem nghệ thuật truyền thống và thỏa mãn máu làm nghề của anh chị em nghệ sĩ mà thôi. Đó là thực tế phải chấp nhận!
*Một số diễn viên kịch than thở rằng thù lao sân khấu quá thấp, không đủ nuôi sống họ. Cũng là một nghệ sĩ gắn bó lâu năm với ánh đèn sân khấu, Đại Nghĩa nghĩ sao về điều này?
- Một đêm diễn 3 giờ trên sân khấu nhưng thù lao chưa tới 1 triệu đồng khiến không ít anh chị em nghệ sĩ không sống được với nghề. Đó là một thực tế đau lòng! Nhưng nói đi cũng phải nói lại, sân khấu kịch nuôi sống diễn viên lâu dài hơn. Chúng tôi có thể sống với nghề tới già, thậm chí càng già càng được khán giả yêu mến hơn như NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu chẳng hạn. Với tôi, sân khấu kịch là cái nôi, đi đâu, làm gì cũng ưu tiên, quay về với cái nôi của mình. Bởi tôi đã trót mang lấy nghiệp diễn thì phải chấp nhận sống trọn với nghề mình đã theo đuổi và đam mê.
Không là bản sao người khác
- Thời gian đầu mới vào nghề, nhiều người nhận xét tôi giống người này người nọ làm tôi rất buồn. Thật ra, không ai muốn làm bản sao của người khác nhưng có thể trong quá trình tập luyện, làm việc chung dễ bị ảnh hưởng.
Tôi đã phải cất công đi tìm nét riêng cho mình để mỗi lần xuất hiện trên sân khấu, khán giả sẽ thấy đó là Đại Nghĩa chứ không phải ai khác và tôi đã mất 10 năm đi tìm cái riêng. 10 năm đó không ít khó khăn, tôi phải trân trọng những cơ hội nhỏ nhất có được trên sân khấu. Từ những vai quần chúng, chỉ xuất hiện 5 phút trên sân khấu để tìm cơ hội lớn hơn. Cứ như thế tôi cần mẫn và say mê đi tìm chỗ đứng và sự khác biệt. Tôi quan niệm mỗi lần xuất hiện trên sân khấu mình phải tìm ra được một cái gì đó mới lạ cống hiến cho khán giả. Áp lực trong từng vai diễn, vai sau hơn vai trước, không cho phép mình đứng lại.
*Anh đã tìm ra “bí quyết” để khán giả không chán mình khi xuất hiện thường xuyên trên sân khấu, truyền hình?
- Để diễn được một vở kịch làm khán giả thấy “đã” là không dễ, phải gỡ cho được “nút thắt” của nhân vật. Để không lặp lại chính mình, tôi tìm cách diễn mới, thay đổi ngoại hình, trang phục, giọng nói... làm sao cho khán giả bị lôi cuốn bởi những vai diễn của Đại Nghĩa.
- Ở sân khấu Idecaf, tôi may mắn được tham gia chương trình “Ngày xửa ngày xưa” và may mắn được khán giả thiếu nhi yêu thích. Khi xuất hiện trong chương trình, tôi không còn là diễn viên Đại Nghĩa mà chỉ là anh Đại Nghĩa. Tôi hiểu rằng trẻ con cần sự gần gũi, hồn nhiên nên kịch cho thiếu nhi không cần phải logic kiểu như 1 +1 =2, thậm chí chúng có thể chấp nhận những điều phi lý. Một con lươn cũng có thể nhí nha nhí nhảnh, một con quạ đen độc ác, xấu xí nhưng cũng có thể điệu đà hay một con cá mặt ngu cũng có thể ôm đàn tỳ bà ngồi hát. Tôi dành nhiều thời gian quan sát và tìm hiểu tâm lý trẻ con rồi làm theo thì tự nhiên sẽ được các bé đón nhận.
- Ai cũng hiểu được rằng tính chất công việc của nghệ sĩ là phải đi nhiều, quỹ thời gian hạn hẹp. Tôi nghĩ khó người con gái nào chấp nhận người yêu mình đi diễn thường xuyên, không có thời gian đi chơi với nhau. Chưa kể, nghệ sĩ phải khóc cười, ôm ấp thân mật với bạn diễn hằng đêm trên sân khấu, tìm được người đồng cảm và chia sẻ không dễ. Riêng tôi, đó cũng là một phần “cái giá” mà người nghệ sĩ phải chấp nhận.
*Đại Nghĩa từng nói rất quan tâm tới việc giữ hình ảnh trước công chúng, có phải vì vậy mà trên sân khấu anh là con người vui nhộn nhưng ngoài đời lại khá trầm lặng...?
- Tôi ý thức được rằng nghệ sĩ đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì cũng được công chúng quan tâm. Vì thế, khi xuất hiện trước công chúng, tôi phải cân nhắc từ trang phục, lời nói, hành động. Tôi không muốn để lại hình ảnh xấu trong mắt họ như ăn nói thô tục, việc làm không đẹp. Vì việc này không chỉ làm mất hình tượng của riêng tôi mà đôi khi còn ảnh hưởng cả giới nghệ sĩ nói chung. Cẩn trọng là cách tôi tôn trọng khán giả, công chúng yêu mến mình chứ không phải giả tạo.
Trên sân khấu, tôi đã quá vui nhộn, hoạt bát thì khi trở về với cuộc sống đời thường, tôi phải bình lặng để cân bằng, dành sức tái tạo năng lượng cho công việc. Hơn nữa, cuộc sống trong showbiz khá ồn ào, người nghệ sĩ cũng cần có những khoảng lặng cho riêng mình.
- Thời điểm đó, tôi đã phải suy nghĩ và cân nhắc rất nhiều giữa 2 con đường là làm nghệ thuật và theo Phật pháp. Tôi chọn nghệ thuật vì điều kiện không cho phép, hay nói cách khác có lẽ là tôi không có “duyên” tu. Ba mẹ chỉ có mình tôi nên tôi không thể đi tu vì không ai chăm sóc họ khi già. Giá như còn anh em có thể giúp báo hiếu cha mẹ, tôi sẽ theo Phật. Nếu có cơ hội chọn lại, tôi sẽ đi theo con đường thứ 2. Tôi không hối tiếc với lựa chọn của mình vì nghệ thuật đã cho tôi nhiều thứ, nói “hối tiếc” khác nào phản bội khán giả của mình.
Hiểu biết đạo Phật, luật nhân quả, quy luật vô thường nên khi gặp khó khăn tôi lý giải được nguyên nhân vì sao, từ đó đỡ cảm thấy đau đớn và tổn thương hơn. Trong tình cảm, tôi cũng tin vào duyên phận. Nếu đã có duyên, có nợ thì “đuổi cũng không đi”, nếu không duyên nợ thì cột chặt cũng không giữ được.
Dấu ấn của ba
Đại Nghĩa tên thật là Bùi Đại Nghĩa, sinh ngày 5-12-1978 tại TPHCM, là diễn viên sân khấu kịch, truyền hình. Anh được yêu mến bởi lối diễn hài hước, vui nhộn, nhất là trong lĩnh vực hài kịch dành cho thiếu nhi. Đại Nghĩa là diễn viên trẻ đủ sức kế cận lớp đàn anh của sân khất kịch Idecaf. Anh còn là gương mặt quen thuộc trên truyền hình với công việc làm người dẫn chương trình cho một số chuyên mục giải trí của Đài Truyền hình TPHCM (HTV) và VTV9 như Quà tặng tri thức, Những người bạn nhỏ…
Đại Nghĩa nói rằng con đường anh đi không trải thảm đỏ, không nhiều may mắn mà phải nhờ vào sự nỗ lực của bản thân và những thành công anh có được hôm nay đều mang dấu ấn của ba. “Ba là người ảnh hưởng đến tôi rất nhiều, từ máu nghệ thuật đến các sở thích. Ba dạy tôi biết nhiều thứ, từ những nét vẽ nguệch ngoạc, những bài tập làm văn trên lớp cho đến sau này khi tôi làm nghề, nhận kịch bản, ba cũng góp ý cho nhân vật của tôi. Ông còn dạy chuyện nhân nghĩa trong cuộc sống, lẽ phải ở đời. Ngay cả bây giờ tôi còn giữ thú vui “nuôi kiến” cũng bắt nguồn từ sở thích của ba”- Đại Nghĩa tâm sự. |
Bình luận (0)