Nhà văn Nguyên Ngọc, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm rút tên
Sau nhà văn Sơn Tùng và nhà văn Nguyên Ngọc - tác giả của Đất nước đứng lên, cũng đã xin rút tên ra khỏi danh sách đề cử xét Giải thưởng Hồ Chí Minh. Được biết, hồ sơ xin xét giải của nhà văn Nguyên Ngọc không phải do ông tự làm mà là do Hội Nhà văn Việt Nam làm và đưa vào danh sách xét giải.
Sau khi có tên trong danh sách đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh, nhà văn đã có thư gửi ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đề nghị rút tên ông ra khỏi danh sách. Năm 2005, nhà văn Nguyên Ngọc cũng đã từng xin rút tên khỏi danh sách xét Giải thưởng Nhà nước.
Nhà văn Nguyên Ngọc cho biết đã từng đề nghị với Hội Nhà văn là đừng đưa tên ông vào danh sách đề nghị xét tặng giải thưởng.
Năm nay, một nhà thơ nữa cũng xin rút khỏi đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh ở lĩnh vực Văn học, đó là nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Lý do ông xin rút khỏi danh sách đề cử giải thưởng là tác phẩm Cõi lặng của ông mới chỉ xuất bản được ba năm, chưa đủ thời gian năm năm để tham gia Giải thưởng Hồ Chí Minh như quy định.
Bỏ quên tác giả của Quốc huy Việt Nam
Ở lĩnh vực Mỹ thuật, họa sĩ Ngọc Linh, học trò của cố họa sĩ Bùi Trang Chước cũng vừa có đơn lên Chủ tịch nước đề nghị truy tặng danh hiệu Giải thưởng Hồ Chí Minh cho họa sĩ tài năng nhưng chịu nhiều thiệt thòi. Trong 2 đợt xét duyệt giải thưởng của Hội đồng cơ sở Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2005 và năm nay, hồ sơ của họa sĩ đều bị trả lại với lý do không đủ số phiếu tín nhiệm ở cấp cơ sở.
Họa sĩ Bùi Trang Chước (21.5.1915 - 27.2.1992), được nhiều họa sĩ coi là một danh họa bậc thầy của Việt Nam. Năm 1941, tốt nghiệp xuất sắc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, ông được mời về giảng dạy tại Trường Kiến trúc Đà Lạt.
Thời gian này ông đã vẽ con tem có hình của Hoàng hậu Nam Phương và Hoàng thân Norodom Sihanouk lưu hành dưới thời chính quyền thực dân, những con tem vô cùng quý giá đối với giới sưu tập tem.
Sau năm 1945, ông vẽ tem và giấy bạc cho Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và gắn bó với công việc này cho đến khi nghỉ hưu. Các bộ tem quý như "Chân dung Hồ Chủ tịch" và "Bản đồ Việt Nam" (1951), "Chiến thắng Điện Biên Phủ" (1954), "Mạc Thị Bưởi" (1956)… đều là những bộ tem có giá trị thẩm mỹ cao, được vẽ công phu, tỉ mỉ, đạt đến trình đồ "bậc thầy" của ngành đồ họa, trong đó bộ tem vẽ chân dung anh hùng Mạc Thị Bưởi hiện đang được giới sưu tập tem ghi nhận là bộ tem Việt Nam có giá bán đắt nhất. Họa sĩ Bùi Trang Chước là tác giả vẽ các mẫu tiền "Một đồng", "Năm mươi đồng", "Năm hào"…Và hơn cả, ông chính là tác giả Quốc huy Việt Nam, dù rất nhiều năm nhiều người lầm tưởng tác giả Quốc huy là của họa sĩ Trần Văn Cẩn.
Cả cuộc đời họa sĩ Bùi Trang Chước là một hành trình sáng tạo không mệt mỏi, không màng đến lợi danh, dâng hiến hết mình cho nghệ thuật. Mãi cho đến gần cuối đời ông mới viết lại câu chuyện về hành trình "Tôi vẽ Quốc huy" với mục đích để con cháu sau này biết được những việc làm của cha mình. Bức thư và 15 mẫu vẽ Quốc huy được họa sĩ Bùi Trang Chước vẽ từ năm 1953-1955 cùng với các tài liệu khác có liên quan đã được Viện Khoa học hình sự Bộ Công an giám định cùng với một hội đồng các nhà chuyên môn được thành lập để xác định ai là tác giả đích thực của Quốc huy đã được Cục bản quyền (Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch) tổ chức.
Đến tháng 9-2004, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có công văn chính thức thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề tác giả Quốc huy Việt Nam, trong đó có đoạn: "Mẫu Quốc huy là một cống hiến chung của giới Mỹ thuật Cách mạng Việt Nam, trong đó phải kể đến công lao của họa sĩ Bùi Trang Chước - người đã vẽ những mẫu Quốc huy để làm cơ sở lựa chọn, hoàn thiện và họa sĩ Trần Văn Cẩn - người đã chỉnh sửa hoàn thiện mẫu Quốc huy theo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo để trình Quốc hội phê duyệt.
Bình luận (0)