Dù lễ khai mạc chính thức diễn ra vào tối 19-3 nhưng sáng qua, đông đảo bạn đọc đã đến với Hội sách TPHCM lần thứ VII- 2012 với chủ đề Sách tri thức - Hội nhập và phát triển, do UBND TPHCM tổ chức, diễn ra tại Công viên Lê Văn Tám. Gian hàng nào cũng thu hút độc giả đến tham quan, thưởng lãm và mua sắm.
Đưa sách đến tay người đọc

Hội nhập bằng tri thức
Tại cuộc họp tổng kết hoạt động xuất bản và phát hành xuất bản phẩm năm 2011 (diễn ra vào 19-3, tại TPHCM), ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó Ban Tuyên giáo Trung ương, đã đánh giá: “Ngành xuất bản đã từng bước nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, một số đầu sách không chỉ đóng vai trò phục vụ nhiệm vụ mà còn trở thành những công trình có giá trị. Công tác quảng bá sách ngày càng chuyên nghiệp, văn hóa đọc cũng được nâng cao. Sách điện tử dù chưa thật sự phát triển xứng tầm với tiềm lực nhưng cũng đã bước đầu góp phần phục vụ rộng rãi hơn nhu cầu của độc giả”.
Không chỉ ở TPHCM, những dự án “nâng cao dân trí” cũng đã được triển khai đến các tỉnh, thành, vùng sâ,u vùng xa trong những năm qua. Trong báo cáo tổng kết, ông Lý Bá Toàn, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, cho biết hàng trăm ngàn đầu sách đã được chuyển tặng đến các thư viện, trường học, đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo với kinh phí lên đến hàng chục tỉ đồng. Hệ thống phát hành sách (hiện có 14.000 trung tâm nhà sách, hiệu sách trên phạm vi cả nước) đến nay cũng đã trải khắp các khu vực: đồng bằng sông Hồng, sông Cửu Long, khu vực Đông Tây Bắc, Tây Nguyên…
Theo thống kê, trong năm 2011, toàn ngành đã xuất bản được 30.000 đầu sách với gần 300 triệu bản, tăng 7% so với năm 2010. Bỏ qua những hạn chế vẫn tồn tại, nếu nhìn nhận toàn diện có thể thấy rằng thị trường sách ngày càng mở rộng và “những vùng khó, vùng trắng” – nơi không có sách theo cách nói của các thành viên sáng lập dự án sachhay.com - cũng đã có được những bước đầu tiên tiếp cận với tri thức. Fahasa là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác đưa sách đến với đồng bào nghèo bằng những hội sách ngoại thành, xe sách lưu động về các tỉnh, thành; cũng như dự án Onebook/Một cuốn sách nhiều năm qua đã đưa sách về trại giam, trung tâm cai nghiện…
“Yếu tố đầu tiên để hội nhập chính là tri thức. Hẳn nhiên, để có thể tạo tác động làm thay đổi nhận thức của xã hội về việc đọc sách không phải là một sớm một chiều. Mọi mô hình đều vẫn cần được nhân rộng nhưng điều cần thiết trước nhất phải làm chính là thay đổi cách dạy và học trong nhà trường. Sách bao giờ cũng là một người thầy vĩ đại” – ông Giản Tư Trung nhận định.
Đón 80.000 khách Tối qua, 19-3, Hội sách TPHCM lần VII- 2012 đã khai mạc tại Công viên Lê Văn Tám, với sự tham dự của đông đảo độc giả TPHCM. Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, nhấn mạnh: “Hội sách TPHCM lần VII - 2012 trên cơ sở kế thừa 6 lần tổ chức trước đã có bước phát triển đáng ghi nhận.
Sự nỗ lực, cố gắng của các đơn vị tham gia hội sách là yếu tố có tính chất quan trọng để làm nên thành công của hội sách nhưng yếu tố then chốt, có tính chất quyết định để làm nên thành công của các kỳ hội sách chính là người dân TP, những người yêu sách.
Đã qua 6 lần tổ chức, sự tham gia đông đảo, đậm nét văn hóa của người dân TP đã làm nên nét văn hóa đặc trưng của Hội sách TPHCM”.
Ngay trong ngày đầu tiên, đã có 80.000 lượt người tham dự. Một số tựa sách bán chạy trong ngày là: Cung đường vàng nắng (Dương Thụy), Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cho tôi xin một vé đi về tuổi thơ (Nguyễn Nhật Ánh), Tiểu thuyết Toán Hiệp (Ngô Bảo Châu), Hiểu về trái tim (Minh Niệm), Steve Jobs... Một trong những hoạt động nổi bật hôm nay, 20-3, là buổi ký tặng 200 bản sách Kính vạn hoa phiên bản mới của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tại gian hàng NXB Kim Đồng; 17 giờ cùng ngày, Công ty Văn hóa Phương Nam sẽ tổ chức buổi giao lưu nói chuyện sách với ca sĩ Uyên Linh. |
Bình luận (0)