Thanh Tuyền, Quang Lê, Giao Linh, Mai Quốc Huy, Randy, Dương Ngọc Thái, Tuấn Hiệp… sẽ trình bày lại những ca khúc của nhạc sĩ Vinh Sử trong đêm nhạc trên. Đây là lần thứ hai người nhạc sĩ tài hoa có đêm nhạc của riêng mình. Vì thế, dù đang bị căn bệnh u trực tràng hành hạ, ông vẫn hết sức vui mừng.
Theo lời nhạc sĩ Vinh Sử, đêm nhạc đầu tiên tôn vinh ca khúc của ông được tổ chức tháng 8 – 2011. Ca sĩ Đăng Vũ – người kính mến ông đứng ra tổ chức tại phòng trà Tiếng xưa, đêm nhạc đó quyên góp được gần 20 triệu đồng. Số tiền này đã giúp ông phẫu thuật lần đầu.
Nay, một khán giả yêu dòng nhạc của ông ở Hà Nội đứng ra tổ chức đêm vinh danh với chủ đề Nhẫn cỏ cho em. “Có nhiều ca sĩ hát ca khúc của tôi nhưng đã nhiều năm qua, chưa có đêm nhạc nào mang tên Vinh Sử. Chỉ đến khi ca sĩ Đăng Vũ tổ chức năm 2011, đến nay đêm nhạc thứ hai này là niềm vinh dự lớn cho tôi và gia đình. Tôi xin cảm ơn, nhất là tri ân tình thương của khán thính giả đã dành cho tôi suốt nhiều thập kỷ qua” – nhạc sĩ 68 tuổi xúc động.
Bạn cài Flash Player để xem được Clip này.
“Tôi biết sức khoẻ của chú Vinh Sử tuy hồi phục nhưng cơ thể đang bắt đầu suy nhược vì ông phải chịu đựng 8 tháng hoá trị. Ở TPHCM, tôi và các ca sĩ trẻ đã từng hát nhạc của ông: Vũ Duy, Hà My, Quốc Vũ, Dương Ngọc Thái, Nguyễn Kha, Đông Đào…sẽ chung tay giúp đỡ nhạc sĩ Vinh Sử bằng việc tổ chức thêm nhiều suất hát để khán giả cùng ủng hộ, giúp ông mau qua căn bệnh” - Ca sĩ Chế Thanh, người đã hát nhiều ca khúc của Vinh Sử cho biết.
Bạn cài Flash Player để xem được Clip này.
Sinh năm 1944 tại Hà Tây, cha mẹ nhạc sĩ Vinh Sử đã theo chân những người phu đồn điền dẫn gia đình vào miền Đông Nam Bộ lập nghiệp. Ông lớn lên giữa bộn bề vất vã và đã sống tự lập tại xóm lao động nghèo ở quận 4, Sài Gòn với một chân thợ phụ trong lò bún.
Đam mê ca hát, mày mò sáng tác, chính lò bún nghèo ở vùng ven đô thị đã là nơi sản sinh những nhạc phẩm viết cho giới bình dân dưới bút danh Vinh Sử. Tự cho mình là người gắn bó với dòng nhạc quê hương mang tính đại chúng, Vinh Sử luôn xem những bác xe ôm, xích lô, những chị mua gánh, bán bưng… là bạn thân thiết.
Do đó, hàng ngàn ca khúc trữ tình được ông sáng tác có nội dung kể lên thân phận kém may mắn, nhưng lại có trái tim yêu nồng nàn, và vì giàu nghèo phân biệt nên những mối tình ông đưa vào nhạc phần lớn đều trắc trở.
Trong số những nghịch cảnh mang chung tâm sự của phần lớn người nghe, được xem là thành công của Vinh Sử và được phổ biến nhất trong giới bình dân phải kể đến Nhẫn cỏ cho em.
Nhạc sĩ Vinh Sử nổi tiếng với những ca khúc có giai điệu đơn giản, ca từ chất chứa nỗi sầu mà kết thúc đều là sự cô độc, chấp nhận với thực tế. Lúc sinh thời, nhạc sĩ Thanh Sơn từng nhận định: “Vinh Sử viết một số bài nhạc như những lời trăn trối, sau này cuộc sống của Sử sẽ không tránh khỏi niềm đau”.
Quả nhiên, cuộc đời người nhạc sĩ có nhiều bút danh mà khán thính giả yêu nhạc trữ tình một thời lầm tưởng là nữ: Cô Phượng, Hàn Ni, Diễm Nhi, Đức Vượng... chịu nhiều đau khổ bởi căn bệnh hiểm nghèo.
Dù có nhiều nhận định khác nhau về dòng nhạc làm nên tên tuổi của Vinh Sử, thậm chí có những lời khẳng định ông sáng tác dựa theo ý tưởng của một số nhạc sĩ đàn anh, nhưng đến nay rất nhiều ca khúc của ông đã được khán giả yêu thích và rất nhiều ca sĩ được xem là “dòng nhạc sến” đã thành danh nhờ vào những ca khúc này.
Bạn cài Flash Player để xem được Clip này.
Bạn cài Flash Player để xem được Clip này.
Hiện nay, nhạc sĩ Vinh Sử sống trong căn nhà nhỏ ở quận 7, TPHCM cùng vợ. Sáu người con của ông đều đã có gia đình và không chung sống cùng. Vì thế, vợ ông gần như là một y tá chăm sóc chu đáo căn bệnh của chồng, nắm kỹ những hồ sơ bệnh án và đôn đốc ông uống thuốc mỗi ngày.
Căn bệnh u trực tràng đã qua một lần phẫu thuật, dẫn đến việc đưa ống tiêu tiện ra bên ngoài, rồi qua lần phẫu thuật thứ hai, niềm vui của người bệnh thấy mình trở lại hình hài nguyên vẹn chưa lâu, thì căn bệnh sinh ra triệu chứng tắt nghẽn đường tiêu hóa. “Bây giờ mỗi ngày tôi phải ngồi trong nhà vệ sinh vài giờ đồng hồ. Vì không thể đi vệ sinh bình thường như bao người khác. Cơn đau cứ hành hạ, khó chịu tinh thần, thể xác lúc nào cũng bị dằn xé” – ông tâm sự. |
Bình luận (0)