Nghệ sĩ (NS) Tấn Tài – người được mệnh danh là "Hoàng đế đĩa nhựa" của nghệ thuật cải lương đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc rạng sáng ngày 27-1 tại nhà riêng (109 Nguyễn Duy, Phường 9, Quận 8, TPHCM), thọ 74 tuổi, để lại niềm tiếc thương cho gia đình, người thân và khán giả mộ điệu.
"Doanh Doanh ơi! Đừng nói tiếng yêu đương với một hình hài tiều tụy, nắng đã ngả về Tây thì đừng nhặt tia nắng rụng mà tạo bình minh cho phí công... trình. Trăng cuối tháng trăng về non lạnh, vạn vì sao không thể gợi hình...". Đó là câu vọng cổ để đời mà NS Tấn Tài đã khắc đậm trong tim khán giả mộ điệu mỗi khi nhắc đến vai Lệnh Hồ Xung trong vở Tiếu ngạo giang hồ của soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng mà đi đến đâu công chúng cũng nhắc tên nhân vật thay cho tên ông bên cạnh các biệt danh: "Hoàng đế đĩa nhựa", "Trương Vô Kỵ”...
Nhắc đến NS Tấn Tài, khán giả mộ điệu và bạn bè đồng nghiệp đều dành cho ông những tình cảm yêu mến, quý trọng. Họ không chỉ nể phục tài năng ca vọng cổ và các bài bản cải lương của ông mà còn vì giọng ca trầm ấm, "êm như ru", đưa người nghe vào cảm giác lâng lâng bay bổng của ông đã tạo cho sân khấu cải lương nét sang trọng, quý phái. Sự kính nể còn ở chỗ ông là một thầy giáo nhưng vì đam mê sân khấu đã rời bục giảng để đi làm kép hát. Tư chất mô phạm đã cho ông phong thái trầm tĩnh, diện mạo khôi ngô để vào các vai diễn hiền lành nhưng không chịu khuất phục cái ác.
Học đờn ca tài tử từ hai nghệ nhân Hai Tỉnh và Út Thôi (xã Vĩnh Trạch, huyện Núi Sập, An Giang), Tấn Tài đã sớm lọt vào mắt xanh của chủ các hãng băng đĩa ở Sài Gòn. Chỉ tính từ năm 1962 đến 1975, ông đã thu âm hơn 1.000 bài tân cổ, ca cổ và gần 500 vở tuồng mà ông đều đóng vai chánh. Bà Sáu Liên, Giám đốc Hãng đĩa Việt Nam, nhận xét: "Đó là một con số rất ấn tượng, một kỷ lục mà cho đến nay chưa có NS nào vượt qua. Thành quả nghệ thuật đó cũng chính là nguyên nhân để khán giả và báo giới Sài Gòn trước năm 1975 phong tặng NS Tấn Tài danh hiệu "Hoàng đế đĩa nhựa".
Về phong cách diễn xuất, theo NSƯT Lệ Thủy, NS Tấn Tài không có vóc dáng thanh tú như những NS đương thời hoặc thế hệ đàn em của ông, như: Hùng Cường, Thanh Tú, Minh Vương, Minh Phụng, Dũng Thanh Lâm... nhưng chính chất giọng trời cho của ông cộng với tâm tính luôn khiêm nhường, chuẩn mực trong cuộc sống đời thường đã giúp ông luôn tỏa sáng.
Theo các NS cùng thời, đáng kính hơn ở NS Tấn Tài là trong nghệ thuật ca diễn, ông biết khai thác vẻ đẹp của ngôn từ văn chương, làm cho câu vọng cổ trở nên sang đẹp tự nhiên và cách diễn của ông cứ thế nhẹ nhàng đi vào lòng khán giả mộ điệu. Ngay cả khi ông đã thành danh, tên tuổi lẫy lừng, đĩa ca cổ của ông phát hành bán chạy nhất, ông vẫn sống khiêm tốn, hòa đồng với mọi người.
Không kén bạn diễn nữ
Ông cũng là nam NS không kén bạn diễn nữ, lúc nào cũng nâng đỡ các cô đào trẻ đóng cặp với ông, để họ cùng tỏa sáng. NS Tấn Tài đã từng đóng chánh cùng với các nữ NS nổi tiếng: NSƯT Út Bạch Lan, NSƯT Bạch Tuyết, NSƯT Lệ Thủy, NSƯT Mỹ Châu, NSƯT Ngọc Hương, NSƯT Diệu Hiền, Mộng Tuyền, Kim Ngọc... trên các sân khấu đoàn Tấn Tài - Thành Được, Tân Thủ Đô và cả ở sân khấu truyền hình, đĩa tiếng, đĩa hình. Năm 1963, ông được trao huy chương vàng giải Thanh Tâm cùng với NSƯT Bạch Tuyết. Một năm sau, ông rời đoàn Thủ Đô về đoàn Dạ Lý Hương. Đó cũng là thời điểm ông "phủ sóng" dày đặc các hãng đĩa danh tiếng của Sài Gòn: Hãng đĩa Việt Nam, Hoa Hồng, Continental, Việt Hải... Trên sân khấu cải lương, ông trở thành thần tượng của khán giả mộ điệu những vở tuồng kiếm hiệp, như: Cô gái Đồ Long, Tiếu ngạo giang hồ, Võ Tòng sát tẩu, Khói sóng tiêu tương, Quách Tĩnh - Hoàng Dung... Nổi bật nhất là vai Trương Vô Kỵ (vở Cô gái Đồ Long).
Thăng trầm nghiệp làm bầu
Chỉ tính từ năm 1962 đến 1975, ông đã thu âm hơn 1.000 bài tân cổ, ca cổ và gần 500 vở tuồng mà ông đều đóng vai chánh |
Sinh thời, NS Tấn Tài kể năm 26 tuổi, ông khởi nghiệp làm bầu với Đoàn Cải lương Thủ Đô, sau đó phát triển thành hai đoàn, để nâng đỡ và dìu dắt nhiều NS trẻ. Đoàn hát của ông đi đến tỉnh nào cũng thu hút đông khán giả. Nhiều lần đoàn hát vỡ nợ, ông phải cầm cố nhà cửa để tiếp tục giữ vững gánh hát. Không chỉ lo cho vai diễn của mình, ông và vợ, cố NS Như Ngọc, đã truyền đạt nhiều kinh nghiệm cho NS trẻ. Một lần gánh hát lưu diễn ở miền Trung gặp bão, ông bán hết vòng vàng của hai vợ chồng dành dụm được để lo cho anh em không bị đói.
Sau năm 1975, ông hiến đoàn cho Nhà nước và gắn bó với tỉnh Hậu Giang lập bảng hiệu Đoàn Cải lương Hậu Giang cho đến năm 1990. Vì sức khỏe kém, không thể đi lưu diễn, ông được NSƯT - đạo diễn Đoàn Bá, Giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang, mời về cộng tác với Đoàn II, phục hồi vở cải lương nổi tiếng một thời Chiều đông gió lạnh về (Hà Triều - Hoa Phượng). Sau đó, ông từ giã sàn diễn chuyên nghiệp, chỉ nhận lời đi hát sô lẻ, đờn ca tài tử... Những năm sau này, ông thường sang Mỹ biểu diễn, dù ở tuổi xấp xỉ 70, ông còn ca dây xề (hò nhì) và vô vọng cổ chồng hơi, nhất là không bao giờ chịu ca nhép khiến khán giả kiều bào khâm phục. Năm 2009, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã tổ chức live show kỷ niệm 45 năm đời nghệ sĩ của ông, trước đó Đài Truyền hình TPHCM cũng đã tổ chức đêm diễn của ông trong chương trình Những cánh chim không mỏi.
Tâm sự với bạn bè lúc ông chưa phát bệnh nhiễm trùng túi mật, ông luôn cho rằng mình rất may mắn, được tổ nghiệp ưu đãi... Những năm tháng hạnh phúc của ông thật dài, NS Như Ngọc (mất năm 2001) chính là người có công vun đắp sự nghiệp lừng lẫy của chồng, tuyệt vời hơn là bà đã sinh cho ông hai người con để ngày nay khán giả có hai danh hài Tấn Beo - Tấn Bo.
Vĩnh biệt Tấn Tài, người NS đã sống thật vinh quang với tài năng và luôn được khán giả yêu mến, công chúng sẽ không bao giờ quên giọng ca và những vai diễn tuyệt vời của ông.
Những vai diễn để đời
Hơn 45 năm gắn bó với thế giới màn nhung, NS Tấn Tài đã có rất nhiều nhân vật qua tài diễn xuất của ông đã đi vào lòng khán giả nhiều thế hệ, như: Alikham (Bóng hồng sa mạc), An Lộc Sơn (Chuyện tình An Lộc Sơn), Hoan Sơn (Chiều đông gió lạnh về), Trương Vô Kỵ (Cô gái Đồ Long), anh nông dân (Vị đắng lá sầu đâu), Toàn Trung (Gió bụi biên thùy), Hắc Bạt Cốt Tố (Bụi mờ ải nhạn), nhà vua (Lọ nước thần), Tùng (Tình mẫu tử)...
Giọng ca của NS Tấn Tài rất thích hợp với các vai kép đẹp, những vai hàn sĩ, kiếm khách phong trần hoặc những nông dân bị áp bức quyết tâm đứng lên bảo vệ lẽ phải... Dấu ấn đậm nét nhất là hai vai: Alikham (Bóng hồng sa mạc) ở giai đoạn trước năm 1975 và nhà vua (Lọ nước thần), sau năm 1975. |
Mời bạn đọc nghe lại giọng hát ngọt ngào, truyền cảm của NS Kim Ngọc và NS Tấn Tài qua bài vọng cổ Trống Trường Thành của tác giả Viễn Châu dưới đây. Lúc bấy giờ, NS Kim Ngọc mới 16 tuổi và NS Tấn Tài 22 tuổi (audio này do cô Sáu Liên, hãng đĩa VN cung cấp).
Bạn cài Flash Player để xem được Clip này.
Bình luận (0)